08/05/2004 05:41 GMT+7

Thư viện cá nhân tầm cỡ... quốc gia

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TT - Cách đây ba năm, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu từ Đức chuyển về một container chứa đầy sách. Đây là những gì tích góp, sưu tầm được trong quá trình đi học, định cư và dạy học tại Pháp, Đức và một số nước châu Âu trong suốt 40 năm của ông.

P2azEuVB.jpgPhóng to
GS.TS Nguyễn Tiến Hữu bên gian sách kê tạm của mình - Ảnh: L.Đ.
TT - Cách đây ba năm, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Hữu từ Đức chuyển về một container chứa đầy sách. Đây là những gì tích góp, sưu tầm được trong quá trình đi học, định cư và dạy học tại Pháp, Đức và một số nước châu Âu trong suốt 40 năm của ông.

“Trong thời kỳ Việt Nam chia hai miền Nam Bắc, tôi đang sống tại Paris. Và tôi mua được rất nhiều sách, tạp chí của cả hai miền. Ví dụ, ở miền Bắc lúc đó có tạp chí Văn Học, tôi mua đủ bộ. Còn miền Nam có các tạp chí rất hữu ích như Văn Hóa nguyệt san, Bách Khoa... tôi cũng mua đủ bộ. Trong khi đó, ở trong nước, vì điều kiện chiến tranh người dân hai miền khó có thể mua sách của nhau được”, thầy Hữu hào hứng nói về quá trình sưu tầm sách của mình.

Thư viện của giáo sư Nguyễn Tiến Hữu hiện đang lưu giữ rất nhiều tài liệu quí giá. Trong đó có thể kể đến các tài liệu viết về lịch sử VN giai đoạn 1930-1931 và thời kỳ Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh hiện đang được cất giữ tại kho lưu trữ của Pháp ở Paris. “Những tài liệu này chỉ phục vụ giới nghiên cứu, tôi phải lấy tư cách giáo sư để xin phép photocopy và chụp phim lại tất cả những tài liệu này. Có đến 85% tổng số tài liệu về chiến tranh Việt - Pháp được lưu trữ tại kho lưu trữ quốc gia Pháp”.

Không những thế, thư viện của giáo sư Nguyễn Tiến Hữu còn ba bộ sách rất quí dưới dạng microfilm. Một bộ là 52 tập của tạp chí Bulletin de l’Ecole franaise d’Extrême - Orient. Đây là tờ báo của Viện Viễn Đông bác cổ - Pháp xuất bản từ 1901-1965.

Bộ thứ hai là tạp chí về Đông Dương tên Revue Indochinoise, in tại Hà Nội, từ 1893 - 1932. “Đây là tạp chí viết về tất cả lĩnh vực đời sống văn hóa - xã hội của Đông Dương, thật hữu ích cho công tác nghiên cứu”.

Tập thứ ba là tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương, xuất bản từ 1883-1932. Bản này giáo sư Hữu mua tại Thụy Sĩ. “Tất cả những bản sách dạng microfilm này đều rất khó tìm, mà lại rất đắt”. Miệng nói, tay thầy rút ra một tập sách photocopy bằng tiếng Việt chép tay, nhan đề Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương - chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản, xuất bản lần thứ nhất năm 1932, sách chép tay, chữ rất đẹp. “Quyển này tôi cũng photocopy lại từ kho lưu trữ của Pháp”.

Và, tủ sách của giáo sư còn rất nhiều tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp; lại có một bản sách đặc biệt viết bằng tiếng Hà Lan có tựa là Tonkin - 1644-45 của tác giả A. Van Broukhrst viết về VN từ thế kỷ 17.

Nhìn dáng thầy thoăn thoắt đi lại giữa bốn bề toàn những sách và sách trên gian lầu rộng, mới biết sức làm việc của vị giáo sư 65 tuổi này thật sung mãn. Gian kệ để các sách thầy viết đã lên quyển thứ 14, bằng nhiều thứ tiếng, nhiều nhất là tiếng Đức. Trong phòng ngủ, trong nhà bếp, bên cạnh bàn ăn, nơi đâu cũng có sách, tài liệu của thầy. Mà mọi thứ vẫn rất gọn gàng, tài liệu đâu ra đấy, có chia danh mục hẳn hoi.

Những đầu sách quí như các bản sách bằng microfilm của thầy Hữu chắc cả VN chỉ có thư viện quốc gia may ra mới có, giới tư nhân khó lòng sưu tầm được một thư viện quí giá như vậy.

Đến nay, 8.000 bản sách của thầy Hữu đã được tập kết đầy đủ về VN - tại nhà riêng của vị tiến sĩ khả kính này trên đường số 45, Q.4, TP.HCM. “8.000 quyển chất đầy một container 40 feet, nếu không nhờ sự giúp đỡ của ông Trần Bạch Đằng chắc tôi không thể đưa về VN trọn vẹn được. Bây giờ tôi đang nghĩ cách khai thác, sử dụng hiệu quả kho sách này”.

________________

Truyền thừa ông - cha - con

L5CrWMiT.jpgPhóng to
Chị Hoàng Anh bên bức thư ngự bút của vua Khải Định - Ảnh: L.Đ.
Người chơi đồ cổ ở Sài Gòn không ai không biết hai vợ chồng anh Trần Đình Sơn và chị Hồ Hoàng Anh. Là dòng dõi quan đại thần của triều đình Huế, anh Sơn đã thừa hưởng một lượng sách Hán Nôm đáng kể. Kế tục cha ông, anh Trần Đình Sơn tiếp tục sưu tầm sách quí, hình thành nên một thư viện gia đình có dấu son ký tên Anh - Sơn đóng trên mỗi bản sách.

Những giai thoại về việc sưu tầm sách rất kỳ thú. Đặc biệt nhất có lẽ là những lần đổi sách giữa anh Trần Đình Sơn và cụ Vương Hồng Sển. Vốn thân nhau như bạn vong niên, một lần cụ Sển đổi quyển sách ảnh Annam - Tonkin nhận chiếc tô cổ của ông Đặng Vương Hưng (nguyên của bà thái hậu Từ Dũ trao lại); một lần anh Sơn đổi chiếc chóe Phán Nuôi để nhận từ cụ Sển 30 tựa sách Hán Nôm cụ mua tận Đài Bắc.

Hiện nay, thư viện gia đình Anh - Sơn được chia theo thể loại: sách lịch sử, văn chương, kinh truyện, y học và luật lệ. Trong đó, sách Hán Nôm chủ yếu là phần lịch sử và kinh truyện, sách Phật giáo.

Ngoài ra tủ sách tiếng Pháp có nhiều quyển về mỹ thuật Đông Dương, rất nhiều bản sách cổ, quí hiếm như quyển Annam - Tonkin, Giáo trình lịch sử, văn học Việt Nam và Trung Quốc của Trương Vĩnh Ký in từ 1876; quyển Le rituel funéraire des Annamites (nghiên cứu nghi lễ tang ma của người Việt ở miền Bắc) in tại Hà Nội năm 1904....

Tủ sách gia đình của Anh - Sơn có một nội dung đặc biệt là có bộ sưu tập các thủ bút. Hiếm nhất là ngự bút (bằng chữ quốc ngữ) của vua Khải Định - là bức thư gửi cho quan Trần Đình Bá - cụ tổ của anh Trần Đình Sơn. Sau nữa là thủ bút của các tao nhân mặc khách như: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Quách Tấn, Nguyễn Ngu Í, Vũ Hoàng Chương và nhiều nhất là thủ bút của cụ Vương Hồng Sển. Hai lần dự thi “Những cuốn sách vàng” do NXB TP.HCM tổ chức, tủ sách Anh - Sơn đã có hai giải nhất.

Trong thư viện của mình, anh Sơn để một tủ thư mục hẳn hoi, trong đó phân loại các tác phẩm “để con mình dễ sử dụng”. Chị Hoàng Anh rất quan tâm đến việc truyền thụ cho con một niềm yêu sách vở: “May mắn là hai con của mình cũng rất thích đọc sách, vẫn thường giúp ba mẹ bảo quản sách hằng năm”.

* Bài cùng chuyên đề:Tìm sách quý? Hãy gõ cửa nhà tư nhân

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên