13/04/2015 16:24 GMT+7

Mỏng như vải mùng

ĐỒ BÌ
ĐỒ BÌ

Tuổi già rồi, huỡn quá nên tôi cứ dán mắt vào tivi, xem riết thấy hay. Thí dụ họ khái quát cái chuyện sau đây thì quả là mới, mới đến nỗi tôi sống già đầu rồi mà bây giờ mới biết.

Khái quát như vầy: Trên thế giới này, có lẽ nước ta là nước có nhiều tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhất (55/63 tỉnh, thành phố) nhưng chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là dở ẹc nhất. Chỉ có 2% người tiêu dùng dám khiếu nại, tố cáo chuyện mình mua phải hàng gian, hàng giả, hàng nhái; gần 80% không muốn đi khiếu nại, tố cáo và 70% cho rằng có làm gì đi nữa thì cũng chẳng ai bảo vệ mình. Những con số nghe thật bi quan.

Xin lấy chuyện người tiêu dùng khiếu nại, tố cáo bị công ty Tân Hiệp Phát chơi mà… làm răn cho đời sau. Trong 4 trường hợp tố cáo công ty  này sản xuất nước có ruồi, có cặn bã, có tạp chất thì 1 trường hợp bị kêu án tù ngồi; 1 trường hợp vừa bị bắt và đang bị điều tra; 1 trường hợp may mắn được kết luận là tranh chấp dân sự; 1 trường hợp được cơ quan công an kết luận là không có dấu hiệu phạm tội. Trong cả 4 trường hợp, Tân Hiệp Phát sau khi “thảo luận” với đương sự để mong đền tí tiền mà đương sự không vừa ý thì họ đồng ý đưa tiền, đồng thời tố cáo với cơ quan công an rằng họ bị tống tiền. Nghĩa là họ gài triệt cho khách hàng tố cáo họ phải ở tù hoặc bị “mời” thì mới nghe.

Điều cần lưu ý là hổng có ai đứng ra bảo vệ cho sinh mạng chính trị của các khách hàng khốn khổ trên cả. Không biết sao “công lực” Tân Hiệp Phát mạnh quá, mạnh đến nỗi họ muốn túm ai là người đó bị túm ngay. Với cách làm như vậy, ít ra người ta cũng thấy được thủ đoạn của nhà sản xuất: hễ bị tố cáo, khiếu nại thì xin đưa tiền ít; bên kia đòi tiền nhiều thì giả bộ cũng đưa nhưng báo công an; đưa tiền xong thì kẻ nhận tiền bị túm. Than ôi, chữ tín của doanh nghiệp mỏng như vải mut-xơ-lin, nghĩa là nhìn đâu thấy đó; còn quyền lợi của người tiêu dùng thì mỏng như vải mùng. May thay, 2 cơ quan công an ở Đồng Nai và Khánh Hòa kết luận chuyện người tiêu dùng tố cáo nước uống của Tân Hiệp Phát có ruồi, có cặn chỉ là tranh chấp dân sự và không có dấu hiệu tội phạm.

Phải chăng, người tiêu dùng thấy tấm gương của những “tiền bối” bị Tân Hiệp Phát chơi sát ván mà ớn chè đậu, đành ngậm… con ruồi làm ngọt? Chuyện người ta thanh tra Tân Hiệp Phát trong 1 ngày đã khiến thiên hạ cười sái quai hàm; chuyện đơn vị này mua sóng truyền hình kính mời khách hàng vào tham quan dây chuyền công nghiệp tiên tiến lại càng buồn cười hơn. Uy tín kinh doanh không nằm ở những màn tấu hài đó. Hãy hỏi ngược lại: Tại sao sản phẩm các doanh nghiệp sản xuất nước uống khác không bị tố cáo mà của Tân Hiệp Phát thì bị tố có ruồi, có cặn, có tạp chất, vón cục? Tân Hiệp Phát trả lời được không?

Năm qua, nhiều bà con ở Bến Tre ăn bánh mì của một tiệm nọ, bị ngộ độc thực phẩm. Họ kiện ra tòa. Luật sư của bị đơn cho rằng nguyên đơn thiếu chứng cứ, cần phải xuất trình… biên lai mua bánh mì thì mới kiện được. Tòa nghe bùi tai, bác đơn khởi kiện. Tôi sống đến tuổi này, mới được nghe chuyện mua bánh mì phải có biên lai! Xét xử như vậy là đúng luật dân sự nhưng không đúng với thực tế. Thực tế khác: Khách hàng ăn bánh mì xong, ói mửa, tụt huyết áp, bụng đau như cắt phải vào nhà thương cấp cứu. Ai làm chứng? Các bác sĩ, y tá. Thực tế ấy yêu cầu cơ quan pháp luật xử theo án lệ (doctrine). Tuy nhiên trong trường hợp này và trường hợp Tân Hiệp Phát, ta thấy cơ quan pháp luật có vẻ hổng ưa, hổng muốn bảo vệ người tiêu dùng đi khiếu nại, tố cáo. Cho nên, tôi nói quyền người tiêu dùng mỏng như vải mùng cũng hổng sai chút nào. Chuyện giản dị là vải mùng mỏng hơn mut-xơ-lin!

ĐỒ BÌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên