28/10/2014 19:59 GMT+7

Nâng gót cho thiên hạ

YẾN TRINH (ghi theo lời kể của anh T. - muốn giấu tên vì mắc cỡ - hành nghề ở khu chợ nhỏ thuộc Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
YẾN TRINH (ghi theo lời kể của anh T. - muốn giấu tên vì mắc cỡ - hành nghề ở khu chợ nhỏ thuộc Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

TTC - Nói cho văn vẻ vậy thôi chứ đây là nghề sửa giày dép hư hỏng. Thợ làm nghề này vẫn “sống phẻ” vì nhiều người không đành lòng bỏ đi đôi dép ưng ý, và một phần để tiết kiệm chi tiêu. Tôi có dịp chứng kiến và nghe tâm sự mỏng của một anh chàng làm nghề này đã 20 năm.

1001 kiểu dép hư

10g sáng, nắng rát mặt nhưng anh T. vẫn cặm cụi bên mấy đôi giày khách mới đưa. Phía trước anh kê một kệ gỗ sắp gọn mấy đôi giày dép đã sửa chờ khách tới lấy. Anh ngồi trên chiếc ghế nhựa con, mồ hôi nhễ nhại, chìm lỉm so với dòng người tới lui trong khu chợ nhỏ. Một phụ nữ lớn tuổi thắng xe đạp, đưa anh đôi giày thể thao trắng mà bà vẫn thường đi thể dục mỗi sáng, nhờ anh gắn thêm đế vì giày đã mòn. Không để bà đợi lâu, anh thành thạo lấy  tấm vỏ xe đã được cắt thẳng và chai keo dán sắt.

Hơi nhíu mày, anh đo độ dài đôi giày rồi cắt hai miếng đế bằng nhau ướm vào. Lót miếng ni lông trên hai đùi làm “cái bàn” để thao tác, anh “rải” keo dán sắt cho dính khít với đế giày mới rồi để chừng 5 phút cho keo khô. Trong thời gian đó, có mấy người ghé lấy giày, đưa giày yêu cầu sửa rồi chút nữa quay lại lấy, nên anh chẳng bao giờ ngơi tay. Khi keo đã dính chắc, anh lấy con dao kiểu cổ lỗ sỉ gọt phần cao su thừa quanh đế. Dao tuy “cùi” nhưng đường gọt bén ngót, vừa khít với đế cũ. Người phụ nữ lúc này ngắm nghía  gật gù hài lòng.

Anh nói không thể kể hết cái sự hư của giày dép. Giày tây thì thường bung đế, mòn đế. Giày cao gót… thì thường sứt quai, gãy gót hoặc rớt mất cái đuôi gót. Guốc cũng thường sứt đinh nối giữa đế với quai trước, rớt bông, rớt hột trang trí. Ngay cả dép lào cũng được đem ra sửa vì khổ chủ không nỡ bỏ đi. Làm riết rồi quen nên anh T. có nguyên cái hộc đồ nghề gồm dụng cụ may, dao, đồ cạy, búa đóng, kềm, kéo… Mỗi thứ có mấy loại với nhiều công dụng khác nhau. Anh thường nhận đủ kiểu giày dép để sửa, nhưng với những đôi quá xá tệ thì đành từ chối vì “có sửa cũng đi được chừng tuần lễ là banh- ta-lông!”

Anh chỉ  ngồi từ 8g sáng tới 12g30  ở cái chợ nhỏ này nhưng việc luôn liền tay. Giá thì  “cả làng cùng vui”: tùy giày dép cứng hay mềm mà tiền may khoảng 15.000 - 30.000 đồng, đóng lại gót chừng 10.000 đồng, gắn đế tùy diện tích đế cỡ từ 10.000 đồng trở lên, gắn hột hoặc dán quai chừng 5.000 đồng. Có đôi anh chỉ lấy 3.000 đồng khi gắn hột nhỏ hoặc đóng lại đế bị sứt. Anh “đóng đô” một chỗ vậy nhưng cũng có khách ở Q.12, Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình đi ngang qua thấy nên đem tới nhờ sửa.  

Buồn vui lẫn lộn

Anh T. “nhập môn” tình cờ cách đây 20 năm khi thấy ông thuê phòng nhà mình làm nghề này. Thấy hay, anh mò mẫm học thử. Anh được “sư phụ” truyền nghề trong mười mấy ngày rồi quyết định thành thợ sửa dép. Anh nói: “Mình  đi Chợ Lớn sắm mấy dụng cụ sửa giày dép rồi ra làm. Nghề dạy nghề riết rồi rành nghề,  dần dần mà đông khách”. Ban đầu, anh thường xuyên đâm trúng tay khi may đế, đổ máu là “chuyện thường ở phường”. Khi dán dép, keo dán sắt dính tay cứng ngắc. Nhiều bữa anh nhìn keo dính đầy mấy đầu ngón tay mà rầu. Sau này anh có mẹo chườm đá vô chỗ dính để gỡ keo. Nghề này cũng theo mùa, vô mùa tựu trường thường đông khách do nhu cầu sửa nhiều. Nhưng mùa tết thì vắng như chùa Bà Đanh vì tết nhứt ai cũng muốn đi dép mới. 

Niềm vui của anh khi làm nghề này cũng không hiếm. Đó là những khi vừa làm vừa  “tám” chuyện với khách, khi được khách khen khéo tay nghe cũng mát ruột. Hồi tôi mới làm khách hàng của anh, anh nhiệt tình  bày  mấy mẹo làm mới giày dép như dùng bông gòn thấm nước rửa móng (aceton) chà phía ngoài giày và dặn tôi không nên chà rửa giày dép da với nước vì sẽ dễ làm hư.  Kể cũng ngộ, đáng lẽ phải mong nhanh hư để có việc làm, anh lại đi tư vấn cho người ta giữ dép. Nhưng cũng nhờ vậy anh tạo được lòng tin cho khách.

Dù chỉ là cái nghề “lượm bạc cắc”, có vẻ tạm bợ nhưng anh lại rất tâm huyết với công việc.  Nhiều lúc, thay vì thấy khó từ chối,  anh lại  xoay xở tìm cách “cứu” bằng được những đôi giày cưng của khách, khiến cho khách  ban đầu nghi ngại lo lắng, sau đó luôn miệng khen lấy khen để khi thấy đôi giày cưng của mình được phục hồi gần như nguyên trạng. 

Tuổi Trẻ Cười số 509 ra ngày 15/10/2014 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

YẾN TRINH (ghi theo lời kể của anh T. - muốn giấu tên vì mắc cỡ - hành nghề ở khu chợ nhỏ thuộc Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên