02/10/2006 15:13 GMT+7

Anh - em & tình yêu cuộc sống

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

Anh đang sốt li bì nhưng vẫn nằm lặng lẽ nhìn những chiếc lá xanh lao xao ngoài song cửa. Em ngồi bóp chân cho anh mà cứ cúi mặt để giấu đôi mắt đỏ hoe: “Anh ấy sắp đi rồi...!”. 20 năm, một quãng thời gian đằng đẵng mà người thương binh tên Nguyễn Văn Khánh ấy phải quằn quại triền miên trong bệnh tật hiểm nghèo và bao lần đã đặt chân trên sợi chỉ sống chết mỏng manh.

i0WkyiyL.jpgPhóng to
Anh đang sốt li bì nhưng vẫn nằm lặng lẽ nhìn những chiếc lá xanh lao xao ngoài song cửa. Em ngồi bóp chân cho anh mà cứ cúi mặt để giấu đôi mắt đỏ hoe: “Anh ấy sắp đi rồi...!”. 20 năm, một quãng thời gian đằng đẵng mà người thương binh tên Nguyễn Văn Khánh ấy phải quằn quại triền miên trong bệnh tật hiểm nghèo và bao lần đã đặt chân trên sợi chỉ sống chết mỏng manh.

Lằn ranh sinh, tử

9g sáng. Chiếc đồng hồ bàn cũ kỹ trong phòng cấp cứu khoa thận Bệnh viện 175 TP.HCM rệu rạo lóc cóc báo thời gian dần qua. Chi hết nhìn đồng hồ rồi lại ngân ngấn nước mắt nhìn sang anh mình đang nằm lặng lẽ sau một đêm vật vã vì đau đớn.

Dạo này, anh Khánh càng lúc càng yếu dần. Cả cơ thể anh chỉ nặng khoảng 40kg nhuốm màu vàng xanh phù thũng. Đôi chân teo liệt còn bằng cổ tay em bé. Vết lở không lành được, mưng đầy mủ và loét to gần hết cả vùng mông. Nó cùng với căn bệnh thận hư quái ác ở giai đoạn cuối đang hành hạ thể xác vốn đã quá suy kiệt và đe dọa mạng sống của anh từng ngày...

Anh Khánh mấp máy môi tiếng được tiếng mất. Thỉnh thoảng cô em tên Chi lại phải nghẹn giọng đỡ lời anh... Người thanh niên đất Tân Uyên, Bình Dương ấy nhập ngũ năm vừa tròn 18 tuổi, rồi làm chiến sĩ tình nguyện cầm súng đi sang chiến trường K khốc liệt. Năm 1983, trong một trận đánh tại Xiêm Riệp, anh đã bị một phát đạn súng trường bắn thẳng vào đoạn cột sống gần cổ.

Nhìn vết thương ác hiểm đó đồng đội đã tưởng phải quấn bao nilông để tiễn anh vĩnh viễn ra đi. Và rồi không hiểu do nghị lực sống mãnh liệt hay vì lời thề “dù thế nào con cũng sẽ trở về” với người mẹ ở nhà mà anh đã giành giật được cuộc sống.

Thế nhưng bắt đầu từ đó đến nay đời anh gắn liền với bệnh tật triền miên, hết phải điều trị ở sư đoàn rồi lại nằm ở Bệnh viện 175, trại điều dưỡng Long Hải... Vết thương cột sống không cướp đi được mạng sống nhưng đã làm đôi chân anh bại liệt hoàn toàn và có những cơn tâm thần không thể tự chủ được...

Khoảng năm 1987 - 1990, bệnh tình của anh có dấu hiệu thuyên giảm. Cầm trong tay quyết định được chuyển về trại điều dưỡng Long Hải, anh và gia đình le lói niềm hi vọng: “Phải chăng đây là bước ngoặt cuộc đời...”. Cũng như bao thương binh khác khi về trại, mặc dù vẫn phải ngồi trên xe lăn nhưng trong anh đã nhen lên hình ảnh một bóng dáng phụ nữ, một mái ấm gia đình...

Thế nhưng khoảng cuối năm 1990 bệnh tình của anh lại trở nặng. Ngày anh phải vào lại Bệnh viện 175 cũng là ngày ba anh mất ở quê nhà Tân Uyên, và cha con đã không thể thấy được mặt nhau. Ngoài chứng đau thắt lưng hành hạ anh từng ngày, các cơn đau đầu cũng càng lúc càng bộc phát dữ dội. Anh lúc tỉnh lúc mê.

Bệnh viện phải chuyển anh qua khoa thần kinh rồi lại đưa ngược lên khoa thận khi sức khỏe của anh hoàn toàn suy sụp vì chứng bệnh mới phát sinh này. Cùng với vết lở loét ngày càng lớn vì nhiễm trùng không thể lành, mỗi tuần anh phải chạy thận nhân tạo ba lần, nếu ngưng là...

Bắt đầu từ đó mạng sống của anh như sợi chỉ mỏng manh. Anh hết vật vã đau đớn rồi lại lịm đi tím tái cả người và ngừng thở. Có tuần mọi người đã tưởng anh ra đi đến mấy lần. Các bác sĩ quân đội điều trị ở đây đã hết lòng, hết khả năng với anh, nhưng hơn ai hết họ là những người hiểu rất rõ sự thật. Họ không dám nói thẳng sợ anh buồn, nhưng nhiều lần đã nhắc nhở gia đình chuẩn bị tinh thần cho cái ngày đó...

Và chiếc lá cuối cùng...

Trước đây, anh Kháng còn tự đi xe lăn được, nhưng từ khi bệnh thận trở nặng, vết lở loét vùng mông ăn sâu vào tận xương thì anh chỉ còn nằm liệt một chỗ. Mọi sinh hoạt cơ bản để duy trì cuộc sống leo lắt trông cậy hoàn toàn vào em gái mình. Chi sinh năm 1976, nhỏ hơn anh mình đúng 10 tuổi.

Ngày anh nhập ngũ cô còn là cô gái nhỏ đứng sau lưng mẹ, nhưng nhớ mãi lời hứa sẽ trở về của anh. Và ngày anh trở về không phải bằng một tấm thân lành lặn mà là một thư báo tin của đơn vị cho biết anh đang nằm trong bệnh viện thì cô bắt đầu gắn với anh như hình với bóng.

Thời gian đầu còn đỡ, càng về sau bệnh tình của anh càng nặng, Chi càng không thể rời anh mình được một bước. Cô tự tay làm tất cả mọi chuyện từ thìa cơm đến giặt giũ, vệ sinh thân thể cho anh... Lúc mê không biết gì, nhưng lúc tỉnh, nằm mấp máy môi anh Khánh đã nhiều lần nghẹn giọng khuyên: “Em cứ kệ anh, về nhà đi. Con gái mới ngần ấy tuổi đầu mà quanh năm suốt tháng cứ luẩn quẩn trong bệnh viện với anh thế này. Rồi mai mốt anh chết đi, em cũng lỡ làng tuổi tác thì chuyện chồng con, cuộc sống riêng tư sẽ như thế nào...”.

Trong những cơn nửa tỉnh nửa mê, có lần anh Khánh đã giấu được con dao cắt trái cây vào người và tính tự tử để đỡ khổ cho em. Lần ấy, khi phát hiện ra ý định của anh mình, Chi đã ngồi khóc với anh suốt một đêm bên giường bệnh.

Chi tâm sự với anh rằng ngày còn nhỏ cô đã tự hào biết bao nhiêu khi được kể cho bạn bè cùng lứa nghe về chuyện mình có một người anh đã cầm súng đi ra chiến trận. Rồi cô an ủi bệnh tật của anh chắc chắn sẽ qua cũng như lần trước anh đã vượt qua được cái chết để trở về.

Còn nếu rủi ro anh không qua khỏi thì cô sẽ đi với anh đến lúc cuối cùng, đến lúc nhắm mắt cho có anh có em. Có một lần, anh lén cô cố thử xuống xe lăn thì bị gãy xương. Cô vừa nháo nhào đi tìm bác sĩ vừa khóc: “Nếu anh còn hành hạ mình như vậy nữa thì bẻ chân em đi còn hơn...”.

Buổi chiều, sau khi lau rửa và đút cho anh chén cơm, Chi ra hành lang ngồi để giấu anh mình và kể cho tôi nghe cô đã buồn biết bao nhiêu khi bác sĩ cho biết bệnh tình của anh sẽ rất khó qua khỏi. Trừ một vài lần đặc biệt không thể kìm lòng được, còn bình thường cô cố không bao giờ tỏ ra đau buồn trước mặt anh. Cô muốn lúc nào cũng đem niềm vui đến với anh, dù chỉ là một chút hi vọng le lói.

Cách đây không lâu, cô vô tình đùa với anh là cô đã có người yêu rồi, nhà ở gần bệnh viện, hiền lành và thương cô lắm. Không ngờ anh vui mừng đến phát khóc và hứa dù thế nào anh cũng sẽ ráng sống để dự xong đám cưới em.

Thế là từ lần đó, thỉnh thoảng cô lại giả vờ xin anh “đi thăm người yêu” và xuống dưới sân lang thang một mình chốc lát rồi lại quay lên... Biết bệnh tình của anh có thể ra đi bất cứ lúc nào nên suốt bao nhiêu năm nay cô chưa bao giờ dám xa anh dù chỉ một ngày. Cô không nhớ nổi chính xác đã bao cái tết cô ở lại cùng anh bên giường bệnh. Anh em tằn tiện chia nhau miếng thịt kho, đĩa mứt và cố vui cười để khỏa lấp nỗi nhớ quê nhà!

Không chỉ các bác sĩ điều trị trực tiếp mà hầu hết những người ở bệnh viện này đều biết và rất thương hai anh em cô. Họ đã xúc động kể cho tôi nghe hình ảnh cô đẩy xe đưa anh từ dưới khoa thần kinh lên phòng chạy thận nhân tạo trong cơn mưa tầm tã. Một tấm áo mưa không che kín nổi hai người, cô đã dành tất cả để đắp lên chiếc cáng cho anh...

Rồi họ kể rằng cô có gương mặt già trước tuổi và đôi mắt quầng sâu vì không biết bao nhiêu đêm cô đã thức trắng với anh bên giường bệnh. Không chỉ không tự chủ tiểu tiện được, hầu như đêm nào anh cũng bị chứng nhức đầu và các vết thương hành hạ làm không thể nào ngủ được. Và những lúc đó cô còn hơn cả bác sĩ, hơn cả những viên thuốc an thần. Cô đem đến cho anh niềm vui và sự hi vọng về một sớm mai vẫn tiếp tục chào đón bình minh...

Buổi chiều sau cơn mưa, những chiếc lá xanh như càng xanh hơn. Anh Khánh lúc này đã nhổm đầu dậy nhìn lên tivi và mấp máy môi hát theo những bài ca người lính. Còn Chi ngồi nhặt rau bên cạnh để nấu cơm cho anh, thỉnh thoảng lại cùng hát theo. Lúc chia tay họ, tôi đã hứa đúng ngày thương binh liệt sĩ này tôi sẽ quay lại và tặng họ cuốn sách Tình yêu cuộc sống.

Anh Khánh đang mải mê với những bài hát trên tivi nên không nghe được, còn Chi bẽn lẽn cám ơn. Cô mới học lớp 6 trường quê, phải bỏ học ngang để đi chăm sóc anh nên chưa có dịp được đọc cuốn sách này. Cô đâu nghĩ rằng chính cô là người đang ngày đêm gắn lên chiếc lá cuối cùng, và hai anh em cô đã tràn đầy một tình yêu cuộc sống!

Bác sĩ chủ nhiệm khoa thận Lê Sỹ Lịch nhiều lần bày tỏ sự khâm phục trước ý chí sống mãnh liệt của người thương bệnh binh nặng nhất khoa hiện nay này và cả cô em gái đã bỏ ra cả cuộc đời trẻ trung để chăm sóc anh mình. Ông nói: “Bao nhiêu năm ở bệnh viện quân đội này tôi đã thấy rất nhiều trường hợp đặc biệt, nhưng có lẽ hai anh em này là đặc biệt hơn cả. Người anh nhiều lần tưởng đã phải đẩy xuống nhà xác nhưng rồi lại cứng cỏi vượt qua. Còn cô em bao nhiêu năm nay chưa bao giờ biết một ngày tết, để chăm sóc anh mình...”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên