25/03/2012 07:35 GMT+7

Giải tỏa ở Thăng Bình: Huyện cũng đã thấy bất hợp lý

Đ.NAM - H.KHÁ
Đ.NAM - H.KHÁ

TT - Bà Lê Thị Thanh Mai, phó chủ tịch UBND huyện Thăng Bình (Quảng Nam), thừa nhận như vậy khi được hỏi về mức đền bù đối với vật kiến trúc khi bị giải tỏa. Bà Mai cũng cho biết huyện sẽ kiến nghị tỉnh thay đổi mức áp giá đền bù.

Một cái chết đau lòng

Trong ngày 23 và 24-3, chuyện thời sự về đền bù giải tỏa vẫn râm ran ở làng Ngọc Sơn Tây (xã Bình Phục). Khi được hỏi vì sao áp dụng giá đền bù về vật kiến trúc (nhà cửa, sân, giếng nước...) và đất đai thấp khiến người dân khó có thể xây dựng nhà trở lại sau khi giải tỏa, bà Lê Thị Thanh Mai nói: “Với giá cả bây giờ mà đền như vậy là thấp bởi đồng tiền đã trượt giá nhiều. Khi đền bù (năm 2010) chúng tôi chỉ biết thực hiện theo quyết định 23 của UBND tỉnh Quảng Nam. Huyện cũng đã thấy sự bất hợp lý này nên sắp tới chúng tôi sẽ có kiến nghị với tỉnh có sự thay đổi về áp giá đền bù với vật kiến trúc”. Điều đáng nói là hiện có đến 80% hộ dân đã nhận tiền đền bù các loại. Như vậy, nếu có sự điều chỉnh về giá đền bù thì chỉ có 20% còn lại được hưởng.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ở làng Ngọc Sơn Tây có đến năm hộ có đất nhưng không có nhà trên đất, vì vậy theo quyết định của huyện Thăng Bình, họ không được bố trí đất tái định cư.

Trả lời câu hỏi vì sao trong quyết định 23 của tỉnh Quảng Nam không hề đề cập đến trường hợp “không có nhà trên đất thì không được bố trí tái định cư” nhưng huyện lại đem áp dụng, bà Mai liền đưa ra công văn phúc đáp của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Nam rằng: căn cứ theo điều 18, thông tư 14 của Bộ Tài nguyên - môi trường và điều 26 của Luật cư trú năm 2006 thì “một trong những điều kiện để được bố trí tái định cư là hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở khi bị Nhà nước thu hồi đất ở. Điều đó có nghĩa là đối tượng để xem xét bố trí tái định cư phải có nhà ở gắn liền với đất ở bị thu hồi”. Điều này có nghĩa các hộ trên không được bố trí đất tái định cư.

Được biết, hồi tháng 2-2010, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi 40ha đất tại xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) để thực hiện dự án Trường trung cấp Cảnh sát giao thông. Có 269 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 65 trường hợp giải tỏa trắng, tái định cư.

Theo quyết định phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng đối với dự án này do UBND huyện Thăng Bình lập thì tổng dự toán kinh phí để bồi thường là 28,2 tỉ đồng (chi phí này do Bộ Công an trả). Ngay sau đó, tháng 9-2010, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương thu hồi 12ha đất nằm đối diện với Trường trung cấp Cảnh sát giao thông để lập dự án khu dân cư mới nhằm bố trí 110 lô (200m2/lô) cho các hộ dân bị giải tỏa.

Phần đất còn lại 160 lô (200m2/lô) được đưa vào khai thác quỹ đất lấy kinh phí đầu tư hạ tầng. Theo báo cáo của UBND huyện Thăng Bình, số tiền khai thác từ quỹ đất là 31,7 tỉ đồng, trong khi tiền đầu tư cơ sở hạ tầng lên đến 37 tỉ đồng nên huyện phải bù thêm 6 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. “Ngay từ khi công bố dự án khu dân cư mới thì 160 lô đất mặt tiền đã được đưa vào kế hoạch khai thác quỹ đất (bằng hình thức đấu giá trọn gói) nên khi các hộ dân đòi hỏi bố trí đất mặt tiền là điều không thể” - bà Lê Thị Thanh Mai giải thích.

Đ.NAM - H.KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên