13/07/2009 03:20 GMT+7

Ô nhiễm hậu khai thác than - Kỳ 2: Hủy hoại nước ngầm

ĐỖ HỮU LỰC
ĐỖ HỮU LỰC

TT - Nếu như ở thị xã Uông Bí, hoạt động khai thác than gây ô nhiễm sông suối và không khí thì ở thị xã Cẩm Phả và thành phố Hạ Long, toàn bộ hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm gần chục năm nay, các bãi thải của công trường khai thác than còn đe dọa tính mạng người dân.

EGhN2H8v.jpgPhóng to
Những con suối ở thị xã Cẩm Phả đều cạn khô nước và ngập đầy đất đá - Ảnh: Đ.H.L.

Sợ trời mưa to

Phó chủ tịch UBND phường Hà Phong (TP Hạ Long) Trần Văn Lợi cho hay kể từ khi Xí nghiệp khai thác than Tân Lập (Công ty than Hòn Gai) ngừng khai thác bãi than tại khu 4B từ năm 2007, người dân ở khu này cứ nơm nớp lo sợ bãi thải đất đá ở độ cao có thể sạt lở nếu mưa lớn.

UBND phường đã có công văn yêu cầu xí nghiệp sớm có phương án hạ cốt bãi thải, xây kè chắn để giảm nguy cơ sạt lở. Trong khi chờ xí nghiệp lên phương án triển khai thì... trời không chờ đợi. Trận mưa lớn đầu tiên trong mùa hè năm 2008 khiến cả khu phố bị ngập lụt. Các con phố ở đây đều bị ngập do lượng đất đá bãi thải bồi lấp các sông suối khiến dòng chảy bị tắc nghẽn gây ngập úng nặng.

Theo thống kê sơ bộ, xung quanh vùng Hạ Long và thị xã Cẩm Phả hiện có gần 50 con đập ngăn đất đá phế thải của các đơn vị trong ngành than. Ông Lưu Khắc Pha, tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, nói: “Nếu hỏi tôi bây giờ sợ điều gì nhất thì tôi nói thẳng sợ trời mưa to vì lo vỡ đập”. Ông Pha vẫn còn nhớ như in trận vỡ đập Khe Dè vào giữa mùa hè 2006.

Cơn bão số 3 chưa tràn vào Quảng Ninh, nhưng trận mưa đi trước mở đường như trút nước đã khiến đập Khe Dè, con đập ngăn đất đá phế thải của Công ty than Cọc Sáu, vỡ tan tành trong giây phút đã cuốn trôi sáu ngôi nhà và vùi lấp hơn 2ha vườn đồi, bảy con bò, hàng chục xe máy và xe cải tiến bị bùn đất cuốn đi. “Cũng may hồi ấy vỡ đập lúc ban ngày chứ vào ban đêm thì thiệt hại về người không biết thế nào”.

Ông Pha cho biết trong trận lũ lịch sử năm 2005, đập đã bị tràn thời gian dài khiến lượng đá, đất thải của mỏ Cọc Sáu tràn xuống nhà dân. Dân có kiến nghị nhưng công ty vẫn phớt lờ. Sau vụ vỡ đập, Công ty than Cọc Sáu đã bồi thường mỗi hộ gia đình thiệt hại chỉ 3 triệu đồng.

Theo thống kê của UBND thị xã Cẩm Phả, hiện trên địa bàn có 12 đơn vị của Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) khai thác than. Các bãi thải của Công ty than Mông Dương, Đèo Nai, Cọc Sáu... đã quá tải, gây nguy cơ sạt lở rất lớn khi trời mưa to. Dân cư các phường Cẩm Trung, Cẩm Thành, Cẩm Phú, Cẩm Thịnh và Cửa Ông thường xuyên có cảm giác nơm nớp lo sợ khi trời nổi cơn dông.

Làm ra 1 tấn than phải bốc xúc 10 tấn đất đá

Phó chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả Nguyễn Văn Nghi cho biết hiện tại toàn bộ công trường khai thác than hầm lò và lộ thiên của TKV tại thị xã Cẩm Phả chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tất cả nước và chất thải lỏng do hoạt động khai thác than ở vùng này đều thải thẳng ra sông suối của Cẩm Phả. Ông Nghi cho hay 25 con sông, suối nhỏ trên địa bàn đều bị ô nhiễm dẫn đến toàn bộ hệ thống nước ngầm của địa bàn này đều bị hủy hoại.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, nhà ở khu chợ địa chất, bức xúc: “Mấy năm trước nhà tôi vẫn dùng nước giếng để giặt giũ quần áo, chăn màn hoặc lau nhà, nay thì bó tay vì nước có mùi rất nặng, màu đục lờ lờ”. Ông Mạnh cho hay hiện toàn bộ cư dân của khu vực này đều phải dùng nước máy với giá 5.000 đồng/m3, với các hộ khá giả còn chấp nhận được nhưng với những hộ khó khăn là một vấn đề bức xúc.

Ông Mạnh dẫn chúng tôi đi dọc con suối Ông Linh, phường Cẩm Thịnh (thị xã Cẩm Phả). Ông cho biết trước đây suối này chỉ là con lạch nhỏ để thoát nước khu dân cư, thế nhưng nay nó lại phải tải một lượng nước lớn từ công trường khai thác than của Công ty 91. Lượng nước này không được xử lý nên ô nhiễm nặng nề. Mùa mưa bão năm 2007, nước từ các công trường đổ xuống khiến các hộ gia đình tổ dân cư 6A, 6B, 7A, 7B bị ngập đến lưng chừng nhà, gà qué chết lụt, giường tủ cong queo vì ướt rồi đem phơi nắng. Bà con phản ảnh lên các cấp chính quyền thì chỉ nhận được những lời hứa, chờ và chờ!

Ông Nguyễn Văn Nghi cho hay hiện Cẩm Phả là nơi có lượng khai thác than mạnh nhất VN, năm 2007 chỉ tính riêng khu vực Cẩm Phả đã khai thác được 26 triệu tấn. Trong khi đó, theo các chuyên gia, cứ làm ra được 1 tấn than thì phải bốc xúc 10 tấn đất đá, mới thấy các bãi thải ở Cẩm Phả có mức độ “hoành tráng” như thế nào. Các bãi thải của các công ty khai thác than hiện nay đã quá tải và đã xuất hiện hiện tượng đổ trộm, nghĩa là lợi dụng đêm tối các xe đổ thải chạy đi đổ lung tung.

Ông Nghi cho biết UBND thị xã đã có văn bản kiến nghị đóng cửa bãi thải Mông Gioăng (phường Cẩm Tây), bãi thải Nam Đèo Nai, bãi thải thượng nguồn suối Ông Linh để trả lại môi trường trong sạch và trồng cây xanh. Các địa điểm khai thác than gây ô nhiễm môi trường sẽ bị đóng cửa. Đồng thời kiến nghị TKV cắt giảm sản lượng và quy mô khai thác than lộ thiên, tiến tới chấm dứt khai thác than lộ thiên trên địa bàn thị xã trong thời gian thích hợp.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, môi sinh do bụi than, thị xã có hướng đề xuất với tỉnh và TKV là xây dựng các tuyến vận tải than xuống cảng theo đường ống như mỏ Mạo Khê hiện nay. Sau khi xây dựng hoàn tất các cầu vượt trên quốc lộ 18 (qua các họng than) sẽ cho đấu thầu xây dựng và khai thác các trạm dịch vụ rửa xe bán tự động (nơi từ trong mỏ than ra) - chỉ có giải pháp này mới giải quyết được vấn đề bụi than trong đô thị Cẩm Phả - vấn đề môi trường khá bức xúc từ trước tới nay.

XC5l5POB.jpgPhóng to
Một mỏ than đang được khai thác lộ thiên tại khu vực phường Hà Phong (thị xã Cẩm Phả) - Ảnh: Đ.H.L.

Theo các chuyên gia về khai thác mỏ than, để khai thác một khu mỏ than người ta dùng ba phương pháp: đào mỏ, đào mỏ lộ thiên và đào hầm. Khai thác bằng phương pháp đào mỏ là một hoạt động gây ô nhiễm môi trường thiên nhiên và nguy hiểm. Dù quy hoạch khai thác thế nào chăng nữa đào mỏ là động đến “long mạch”, nghĩa là động đến hệ thống nước tự nhiên.

Ngoài ra, những tảng đá bị đập vỡ sinh ra diện tích trao đổi hóa học và sinh học mới giữa nước và khoáng vật làm thay đổi hệ thống nước tự nhiên. Phương pháp đào mỏ lộ thiên sẽ sản sinh nhiều bụi. Ở những mỏ lộ thiên, cảnh quan bị con người thay đổi trầm trọng khiến dân địa phương phải dọn đi sinh sống ở nơi khác, cây cối bị đốn để giải phóng địa bàn cho công trường khai đào, một lượng lớn đất bị khai đào và chất đống ở nơi khác (hay gọi là bãi thải). Phương pháp đào hầm xâm phạm môi trường thiên nhiên trên mặt đất ít hơn vì ngoài đất của giếng đào và những đường hầm giao liên, người ta chỉ đào và vận chuyển ra ngoài đất đá có than.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi một mỏ than khai thác ngưng hoạt động, cảnh quan, môi trường thiên nhiên sinh thái và đời sống kinh tế xã hội địa phương sẽ hoàn toàn khác hẳn trước. Đó là điều tốt hay xấu tùy ở quy hoạch khai thác mỏ và phương pháp hoàn thổ sau khi mỏ ngưng hoạt động.

------------------------------------------

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Quảng Ninh nói: “Để chậm ngày nào, giờ nào về công tác bảo vệ môi trường thì người dân vùng mỏ còn khổ ngày ấy, giờ ấy”. Nhưng bao giờ mới phục hồi được môi trường các khu mỏ đã khai thác?

Kỳ tới: Trả lại môi trường: mất hàng chục năm

ĐỖ HỮU LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên