12/01/2009 20:13 GMT+7

Chiêm ngưỡng Tower Bridge ở London

Bài & ảnh: NAM VINH
Bài & ảnh: NAM VINH

TTO - London có nhiều công trình để chiêm ngưỡng và thưởng thức như Buckingham Palace, Parliament House, London Eye, Westminster Abbey, Saint Paul’s Cathedral hay Tower of London... Nhưng một trong những biểu tượng mà bạn không thể bỏ qua khi đến thăm thủ đô xứ sở sương mù này là The Tower Brigde, cây cầu trứ danh nằm ngay cạnh Tower of London...

Là thủ đô của vương quốc Anh, nơi hội tụ chính trị, văn hóa và kinh tế của một đất nước giàu có và hùng mạnh bậc nhất thế giới, London cũng sở hữu một nền văn hóa lâu đời. Đến đây du khách không chỉ được chứng kiến cuộc sống sôi động của một cộng đồng cư dân quốc tế đến từ hàng trăm nước khác nhau mà còn thưởng thức một nền kiến trúc đa dạng và hấp dẫn.

Chúng tôi đến London vào một ngày đầu hè. Nắng vàng trải khắp phố. Cứ dọc theo bờ sông đi từ Saint Paul’s Cathedral qua nhà quốc hội, lượn qua cầu London Bridge sang bên kia sông để đến Citi Hall ngay cạnh cầu Tower Bridge.

Vừa đi vừa chụp ảnh tí tách, chẳng mấy chốc đã thấy cây cầu lừng lững hiện ra trước mặt như đích đến cuối cùng của chặng đường. Nắng chói lóa trên hai ngọn tháp xây bằng đá vôi màu sáng trắng. Màu xanh của thành cầu và cầu nối hai tháp cũng long lanh hơn dưới nắng ban trưa. Ngắm cầu thỏa thích từ xa, chúng tôi lại rảo bước lên cầu mua vé lên phần trên, nơi có bảo tàng để ngắm thành phố từ trên cao.

London nhìn từ trên không hoành tráng hơn nhiều so với những gì hiển hiện dưới mặt đất. Mọi người thay phiên nhìn qua những ô cửa sổ nhỏ để trầm trồ với nhau về những tòa nhà bên dưới - kia là Tower of London, kia là London Eye, và kia là quả dưa chuột“ (Swiss-Re-Tower) của kiến trúc sư tài ba Norman Forster...

WtGEstb9.jpgPhóng to
Nhịp cầu bốn mùa xanh nối những bờ vui

Tower Bridge được xây dựng năm 1886 dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Horace Jones. Sau khi ông qua đời vào năm 1887, công trình được tiếp tục thực hiện dưới sự chỉ đạo của John Wolfe Barry và hoàn thành năm 1894.

Cây cầu nối City of London ở phía bắc với Southward ở phía nam, thuở ấy đang khá phát triển, bởi thế việc xây dựng một cây cầu lúc đó là khá cấp bách. Gần đầu cầu phía bắc là lâu đài Tower of London và ở gần đầu cầu phía nam là nơi tọa lạc City Hall. Đây cũng là cây cầu cuối cùng nằm ở phía đông London.

X7vBI1tP.jpgPhóng to
Vào ngày nắng đẹp, Tower Bridge nổi bật trên nền trời xanh với những cụm mây trắng bồng bềnh

Cầu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Neogothic với chiều dài 244m, hai mố cầu chính được dựng làm hai tháp với độ cao mỗi tháp 65m. Tower Bridge vừa dành cho người đi bộ ở hai bên và cho xe cơ giới phần giữa cầu. Mặt cầu phần giữa hai tháp cầu có độ cao khoảng 9m so với mặt sông và có thể nâng lên để tàu thủy qua lại khi cần thiết.

Phần cầu nối giữa hai tháp phía trên chỉ dành cho người đi bộ có độ cao 43m so với mặt sông. Tại đây du khách vừa được ngắm cảnh London từ trên cao, vừa có thể tìm hiểu về lịch sử và cách hoạt động của cây cầu.

ejwrEMMy.jpgPhóng to
Du khách tham quan Bảo tàng nhỏ về lịch sử cây cầu khi lên tầng trên

Việc nâng lên hạ xuống mặt cầu được thực hiện qua một hệ thống thủy lực xây dựng khá công phu. Ngay từ thuở mới xây cầu đã có hai máy bơm xilanh dùng hơi nước với áp suất 50bar và công suất 360 mã lực để bơm nước nâng cầu lên trong một phút. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai có thêm một máy bơm nước công suất 150 mã lực để phòng một trong hai máy bơm đang sử dụng bị trúng bom trúng.

Từ năm 1974 hệ thống thủy lực này không dùng nước mà được thay bằng dầu và hệ thống bơm nước từ đó được chạy bằng điện.

Ngày nay giao thông đường thủy của những tàu lớn không còn nhộn nhịp như xưa, do vậy cây cầu này cũng ít khi được nâng lên hạ xuống, với khoảng 1.000 lần đóng mở khi có tàu trọng tải lớn đi qua. Thông thường cầu chỉ mở vừa đủ cho các tàu khi cần thiết và mở hết cỡ với góc độ 83° khi có tàu rất lớn đi qua hoặc những dịp lễ trọng đại.

fQKQBy9X.jpgPhóng to
Cầu Tháp - Tower Bridge lung linh trong đêm

Với tôi dòng sông Themse phía dưới cùng những con tàu tấp nập ngược xuôi để lại ấn tượng nhiều hơn cả. Chúng tôi đi dọc một lượt xem các tấm hình cũng như video các thể loại về lịch sử và quá trình xây dựng cầu. Cũng không quên ngó qua khu vực đặt những máy bơm một thời phục vụ việc nâng hạ cây cầu.

Đáng tiếc trong thời gian ở London tôi đã không được chứng kiến cảnh cầu được nâng lên để tàu đi qua. Nhưng bù lại, một tối trăng sáng bất ngờ ngắm cây cầu với những ánh đèn lung linh cũng đủ làm những kẻ lữ hành phương xa ngây ngất...

Bài & ảnh: NAM VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên