12/08/2008 07:39 GMT+7

Hầm Thủ Thiêm sắp nối đôi bờ sông Sài Gòn

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Hơn một tháng nữa, bốn đốt hầm khổng lồ sẽ lội 20km đường sông từ nơi đúc ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) về để dìm dưới đáy sông Sài Gòn. Ghi nhanh không khí thi công tại công trình.

LkYhq9pA.jpgPhóng to
Sơ đồ hầm Thủ Thiêm gồm bốn đốt hầm đặt dưới lòng sông Sài Gòn - Đồ họa: Vĩ Cường

Các kỹ sư và công nhân tại bể đúc hầm Thủ Thiêm ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang hối hả thi công các công đoạn cuối cùng của đốt hầm. Chỉ hơn một tháng nữa, bốn đốt hầm Thủ Thiêm được đưa từ Nhơn Trạch về dìm đặt xuống đáy sông Sài Gòn, nối đôi bờ Q.1 và Q.2, TP.HCM.

Đứng trên bờ đê bể đúc Nhơn Trạch nhìn xuống công trường xây dựng bốn đốt hầm Thủ Thiêm (đặt âm 9m so với mực nước sông Đồng Nai) không thể thấy hết được mức bề thế của những đốt hầm. Chỉ khi đến gần mới hiểu rõ mức độ khổng lồ của những đốt hầm này: mỗi đốt hầm nặng 27.000 tấn, vách bêtông dày 1m, dài 92,5m, cao 9m, rộng 33m (đủ cho sáu làn ôtô lưu thông).

Hầm âm 12m so với đáy sông

Theo anh Đặng Hoa Xuân (27 tuổi, trợ lý giám đốc dự án hầm Thủ Thiêm), đốt hầm số 1 - đốt hầm đầu tiên đã hoàn thành - sẽ lắp đặt ở phía Thủ Thiêm (Q.2 hướng về Q.1). Hiện đang vào công đoạn cuối đúc các đốt hầm, nên trên công trường có gần 500 kỹ sư và công nhân làm việc, so với lúc bề bộn nhất thì giảm gần 200 người. Công trường vẫn phải làm hai ca và có nhiều lúc tăng ba ca mới kịp tiến độ.

Tại đốt hầm số 4, chúng tôi thấy các công nhân đang hối hả đưa từng mẻ bêtông đổ lên sàn nóc hầm. Anh Xuân cho biết khác với mẻ bêtông bình thường gồm cát, đá và ximăng, bêtông đúc hầm Thủ Thiêm được trộn thêm nước đá viên (cỡ viên bi xe đạp) để mẻ bêtông xuất xưởng không quá 240C. Với nhiệt độ này, khi đổ bêtông ra sàn không bị co rút làm nứt nẻ bề mặt.

Việc đưa đốt hầm nặng hơn 27.000 tấn về Thủ Thiêm ra sao? Ông Vương Hoàng Thanh - trưởng phân ban quản lý dự án đại lộ đông tây - nói sau khi đúc xong, hai đầu hầm sẽ được bít lại. Công trường sẽ mở đê cho nước sông Đồng Nai tràn vào bể đúc để các đốt hầm nổi lên như một cái phao. Đồng thời, các chuyên gia cũng sẽ bơm nước vào trong hầm với một tỉ lệ nhất định để nóc hầm chỉ nổi lên trên mặt nước khoảng 1m. Tiếp theo đó, các chuyên gia sử dụng các tàu kéo lai dắt từng đốt hầm theo sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về Thủ Thiêm.

Theo kế hoạch, thời gian để đưa một đốt hầm từ Nhơn Trạch về Thủ Thiêm là 3-4 ngày (tùy theo điều kiện thủy văn nước lên hoặc nước xuống). Nhưng vì phải đảm bảo an toàn giao thông thủy nên dự kiến mất gần một tháng mới chuyển xong bốn đốt hầm. Muốn hạ các đốt hầm xuống đáy sông Sài Gòn, các chuyên gia phải tiếp tục bơm nước vào hầm để tạo sức nặng dìm hầm xuống. Mỗi đốt hầm được dìm xuống và lắp đặt tuần tự cho đến khi hoàn tất bốn đốt hầm.

Việc nối các đốt hầm với nhau ở dưới đáy sông là phức tạp và khó khăn nhất. Ông Vương Hoàng Thanh cho biết để đặt đốt hầm đúng vị trí phải sử dụng vệ tinh định vị. Để hầm không nổi trở lại, các kỹ sư đổ bêtông vào hầm và bơm dần nước trong hầm ra. Hầm Thủ Thiêm được lắp đặt âm 12m dưới đáy sông Sài Gòn, trên nóc hầm được đổ một lớp cát, đá nhỏ dày 3m nhằm bảo vệ hầm không bị tàu lớn va quẹt.

Bài học cho các kỹ sư VN

qgmF7lzn.jpgPhóng to
Các đốt hầm Thủ Thiêm - Ảnh: Ngọc Ẩn

Theo ông Vương Hoàng Thanh, "nhìn bên ngoài thấy qui trình vận hành và lắp đặt các đốt hầm trông khá đơn giản, nhưng các chuyên gia của Nhật đã vận dụng sức đẩy Archimede cho công trình xây dựng hầm dưới sông một cách quá tài tình".

Công việc vận chuyển đốt hầm trên quãng đường dài 20km cũng như lắp đặt các đốt hầm ở độ sâu 23-24m (tính từ mực nước xuống dưới đáy sông Sài Gòn) suy cho cùng không có cách nào khác ngoài việc sử dụng sức nước, đây cũng là cách làm có chi phí thấp nhất.

Riêng chuyện xây dựng mặt bằng đúc hầm ở Nhơn Trạch cho thấy nhà thầu bỏ ra chi phí thấp nhất mà đạt hiệu quả cao. Về việc này, anh Đặng Hoa Xuân nhận xét: nhà thầu đào đất đến độ sâu 1,5m và lấy đất đó trộn với ximăng làm mặt bằng vững chắc để chịu được đốt hầm nặng 27.000 tấn mà không bị lún. Trong khi đó, các nhà thầu khác đưa ra phương án "xưa" là đóng cọc bêtông, rất tốn kém và lãng phí.

Đối với việc xây dựng hầm dẫn vào hầm Thủ Thiêm ở đôi bờ Q.1 và Q.2, anh Tạ Thái Hùng - kỹ sư công trường - cho biết nhà thầu áp dụng kiểu thi công kết cấu từ trên xuống. Cụ thể, sau khi xây dựng nóc hầm xong mới bắt đầu đào đất bên dưới chuyển lên trên và sau đó mới thi công đường hầm, thay vì kiểu xây dựng bình thường là đào xuống tận đáy rồi mới xây dựng từ dưới lên. "Kiểu thi công mới này đơn giản mà hiệu quả rất lớn, vào công trình này tôi đã học được bài học này" - anh Hùng nói.

Ông Toshiya Imazato - 43 tuổi, giám đốc dự án hầm Thủ Thiêm, có ba năm rưỡi làm việc ở VN - đã đánh giá cao các kỹ sư và công nhân VN có kỹ năng tiếp thu công việc rất nhanh chóng. Ông vui vẻ nói: "Tôi rất thích làm việc tại VN. Sau công trình hầm Thủ Thiêm có thể tôi sẽ làm việc cho dự án tàu điện metro".

Theo tiến độ, đến tháng mười sẽ đưa các đốt hầm từ Nhơn Trạch về TP.HCM, cùng lúc phải hoàn thành đường dẫn vào hầm. Sau đó là công đoạn lắp đặt hệ thống điện, chiếu sáng, thông gió... Khoảng tháng 6-2009, thông xe hầm Thủ Thiêm.

* Dự án đại lộ đông tây, hầm Thủ Thiêm có tổng chiều dài 21,8km, qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh; trong đó có 1,49km hầm vượt sông Sài Gòn. Xây dựng mới năm cầu vượt với đường bộ, xây dựng mới tám cầu, cải tạo nâng cấp ba cầu cũ, xây dựng năm nút giao thông và 12 cầu bộ hành. Tổng mức đầu tư dự án 660,6 triệu USD.

* Ngày 11-8, theo Ban quản lý dự án đại lộ đông tây và môi trường nước TP.HCM, sẽ nạo vét khoảng 420.000m3 bùn đất ở đoạn lắp đặt bốn đốt hầm dìm Thủ Thiêm ở giữa sông Sài Gòn. Ở phần đất mềm sẽ sử dụng gàu xúc 10m3, trường hợp phần đất cứng sẽ sử dụng gàu 4-6m3. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 3-4 tháng tùy theo điều kiện thời tiết và thủy văn.

*Ban quản lý bến tàu khách liên tỉnh TP.HCM cho biết trong tuần tới sẽ di dời bến tàu cao tốc cánh ngầm từ TP.HCM đi Cần Thơ, Châu Đốc và Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, 16 chiếc tàu cao tốc hiện hữu tại cầu tàu Nguyễn Kiệu - bến Bạch Đằng (Q.1) sẽ dời 30m về cầu tàu số 2 - bến Bạch Đằng. Theo Cảng vụ hàng hải TP.HCM, việc di dời bến tàu cao tốc nhằm bảo đảm cho công trình nạo vét và thi công lắp đặt hầm dìm Thủ Thiêm.

N.Ẩn

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên