01/03/2015 15:31 GMT+7

Chiếc váy "nhiều chuyện" lan tỏa chóng mặt

PHẠM HỒNG PHƯỚC
PHẠM HỒNG PHƯỚC

TTO - Câu hỏi "chiếc váy này có màu gì" đăng trên mạng xã hội đã tạo ra một cuộc "khẩu chiến" với hàng triệu người theo dõi. Điều gì đã thật sự xảy ra?

Tùy theo mức độ cân bằng trắng (white-balance) mà màu sắc chiếc váy gốc (bên phải) thay đổi khác nhau.

Tưởng nói đùa mà tranh luận thiệt

Nói gì thì nói phải công nhận rằng bà con trên mạng xã hội cũng có lúc "quởn" thiệt. Vào hôm 25-2-2015, một người có nickname là Swiked (mà sau này có nguồn tin nói đó là nhạc sĩ Scotland 21 tuổi Caitlin McNeill) đã đưa lên mạng xã hội Tumblr tấm ảnh chụp một phần sau lưng một chiếc váy với lời cầu cứu mọi người cho biết ý kiến là chiếc váy màu gì. Swiked nói mình và các bạn đang khẩu chiến với nhau, kẻ nói váy màu vàng kim (gold) và trắng, người nói nó màu xanh dương và đen.

Tưởng đùa chơi chơi thôi mà các mạng xã hội khác đã bị những thành viên của mình lôi vào cuộc, biến câu hỏi tưởng như đùa này thành một trận chiến màu sắc váy (dress color war). Chỉ nội ở mạng Tumblr, vào sáng 1-3-2015, tức chỉ sau 3 ngày, đã có hơn 540.000 người Like cho cái post này. 

Điều đáng nói là có những người đã cất công tìm kiếm các tri thức khoa học để giải thích rằng thật sự có hiện tượng đổi màu.

Mà đúng vậy thật. Màu sắc trong tự nhiên có thể biến đổi tùy theo môi trường hay những với những yếu tố khác nhau.

Cường độ và sắc thái của ánh sáng cũng như màu sắc môi trường chung quanh luôn làm thay đổi tông màu. Hai chiếc đĩa cùng màu xám sẽ xuất hiện với màu đậm nhạt khác nhau nếu để giữa cái nền màu đen hay trắng. Chất lượng màn hình hiển thị cũng làm cho màu sắc khác đi. Màn hình bị lỗi phần cân bằng màu chắc chắn sẽ hiển thị màu sai với gốc.

Ai cũng biết là thế gian nhiều màu sắc, nhưng cũng chỉ dựa trên 3 màu cơ bản hay 3 màu gốc (3 vùng quang phổ) mà mắt người nhận ra được: đỏ cam, xanh lục và xanh lam. Tùy theo sự hòa trộn của các màu này và với những cường độ khác nhau mà tạo ra những màu sắc khác nhau (như màu đỏ trộn màu lục thành màu vàng, ba màu cơ bản trộn thành màu trắng,…).

Vì thế, chỉ cần môi trường và phương tiện hiển thị bất bình thường là màu sắc được hiển thị không chuẩn, thậm chí lâm vào cảnh "chữ tác đánh chữ tộ", màu này bị chuyển sang màu khác.

Có một chứng bệnh về mắt gọi là loạn sắc giác (hay mù màu). Do di truyền (gien) hay có vấn đề ở não, chấn thương mắt…người bệnh không phân biệt được một số màu sắc (khuyết sắc) hay hoàn toàn không phân biệt được màu sắc (mù màu). Ở người mắc chứng khuyết sắc, có người không phân biệt được màu xanh lục và màu đỏ (thiệt là nguy hiểm khi lái xe trên đường phố), hay giữa màu vàng và màu xanh lam.

Chiếc váy gốc với người mẫu trên trang web của nhà bán lẻ thời trang Anh Roman Originals.

Bàn loạn từ thị giác đến kinh tế học 

Vấn đề ở đây không đơn giản là một trò đùa. Có người khen (hay tự biện minh cho sự tham gia của mình) đây là một trò vui bổ ích, vì có cơ hội cho mọi người bổ sung tri thức về các cơ chế màu sắc, thậm chí như biết thêm về chứng bệnh mù màu. Nhưng điều nhiều người bình tĩnh, đặc biệt là giới chuyên môn, quan tâm là độ lan tỏa sâu rộng và nhanh chóng của sự việc này.

Nó rõ ràng là một loại "viral thing" (chuyện có sức lây lan nhanh như virus). Hiện tượng có nhiều triệu người tham gia tranh cãi về màu sắc của chiếc váy này cần được xem xét, lý giải với nhiều góc cạnh khác nhau.

Nhiều người sẽ bị rơi vào tình trạng rối rắm, có thể lo lắng cho tình trạng đôi mắt của mình khi thấy quá nhiều người trên mạng nói chiếc váy đó màu xanh sọc đen, trong khi có không ít người khác lại khẳng định nó màu trắng sọc vàng kim. Vậy thì ai mới là người bị mắc chứng loạn sắc giác?

Thật ra chẳng nên chịu kéo dài cái nỗi lăn tăn đó làm chi, chỉ cần bạn kiểm tra lại màn hình hiển thị mà mình đang dùng, nếu nó vẫn hiển thị chính xác các màu sắc của các hình ảnh quen thuộc trước nay thì bây giờ xem ảnh gốc (phải bảo đảm đó là ảnh gốc) của chiếc váy "virus" đó, màu sắc hiển thị ra sao sẽ chứng minh "chất lượng mắt" của bạn.

Nhà bán lẻ thời trang Roman Originals của Anh cho biết chiếc váy trong bộ sưu tập The Dress này có màu gốc là xanh dương sọc ren đen (họ không hề có màu trắng sọc vàng kim, chỉ có màu ngà sọc ren đen). Bạn có thể kiểm chứng tại website của họ: http://www.romanoriginals.co.uk/

Trang web của nhà bán lẻ thời trang Roman Originals vừa giới thiệu bộ sưu tập váy The Dress.

Nếu bạn nhìn thấy chiếc váy The Dress Lace Bodycon ghi màu xanh Royal-Blue đó thành màu khác, xin chia buồn cùng bạn: hoặc là bạn phải đổi màn hình khác, hoặc phải chạy u tới bệnh viện mắt.

Ai hưởng lợi?!

Trang doanh nghiệp Entrepreneur gọi đây là một ý đồ "quảng cáo hiện đại" sử dụng chiêu "viral content" (nội dung có sức lan lỏa như virus) khai thác thế mạnh của mạng truyền thông xã hội. Liệu có phải là trùng hợp ngẫu nhiên không khi cái post cầu cứu của Swiked xuất hiện ở Anh vào lúc nhà bán lẻ thời trang Roman Originals vừa giới thiệu sự trở lại của bộ sưu tập The Dress với chiếc váy "nhiều chuyện" đó?

Và kết quả nhãn tiền là trong mấy ngày qua, số người truy cập vào trang web của họ tăng đột biến. Nhờ được quảng bá quá khéo léo, vui vẻ và đầy tính công nghệ thời thượng mà kiểu váy thiệt tình là xinh đẹp này đã được nhiều người biết đến và bán "đắt như tôm tươi".

Xét về góc độ kinh doanh, cuộc chiến màu váy là một tuyệt chiêu quảng cáo. 

Nhưng điều tôi quan tâm là trang công nghệ The Verge viết rằng: cái mà vật lý không giải thích là tại sao trên Trái đất này, Internet lại phản ứng một cách tràn ngập như vậy đối với màu sắc của một chiếc váy? Cái này phải các chuyên gia xã hội học mới giải thích nổi, và không biết nên vui hay buồn?

Cùng một màu xanh dương và đen gốc, nhưng có sắc độ hiển thị khác nhau tùy vào ánh sáng và vị trí mặc trên người.
Sau cuộc chiến màu váy sôi động trên Internet, cửa hàng bán bộ sưu tập váy The Dress hí hửng chưng hàng đợi khách.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên