28/02/2009 06:23 GMT+7

Charles Nguyễn Cường: Làm việc cần cù và đứng đắn

Đ.Q.
Đ.Q.

TT - Ngày 28-2, giáo sư tiến sĩ Charles Nguyễn Cường vinh dự nhận giải thưởng thành tựu trọn đời “2009 Lifetime Achievement Award” tại buổi tiệc tổ chức ở Silver Spring, Maryland (Mỹ).

Đây là giải thưởng của Liên hội Kỹ sư và kiến trúc sư tại thủ đô Washington (The District of Columbia Council of Engineering and Architectural Societies - DCCEAS) mà theo giải thích của ông Ruplu Bhattacharya, chủ tịch DCCEAS, là “giải thưởng cao nhất của chúng tôi dành cho những người có những đóng góp quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời của họ”.

UyFudIoj.jpgPhóng to
GS.TS Charles Nguyễn Cường trong khuôn viên Đại học Catholic Hoa Kỳ (ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ nhiều năm nay, tên tuổi và đóng góp cho cộng đồng người Việt của GS.TS Charles Nguyễn Cường đã vang danh cả trong và ngoài VN. Ông là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất hiện làm trưởng khoa tại một trong những đại học lớn của Mỹ là Đại học Catholic (CUA) ở Washington. Sau khi được tổng thống George W. Bush bổ nhiệm vào ban giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF) từ năm 2004, GS.TS Cường đã tham gia nhiều trong sự phát triển hợp tác giáo dục Mỹ - Việt.

GS.TS Nguyễn Cường sinh trưởng tại Đà Nẵng, năm 1972 du học ở CHLB Đức rồi tốt nghiệp kỹ sư. Năm 1978 ông định cư ở Mỹ và hoàn tất bằng tiến sĩ hạng ưu tại Đại học George Washington năm 1982.

Từng nhận nhiều giải thưởng quốc tế về công nghệ kỹ thuật, GS.TS Nguyễn Cường có đóng góp xuất sắc trong nhiều ngành như vũ trụ, toán học, y khoa... mà một trong các công trình quan trọng là kiểm soát người máy trong công nghệ chế tạo. Ông còn là người sáng lập tạp chí Intelligent Automation And Soft Computing và cũng là tác giả của hơn 100 nghiên cứu khoa học, bài báo, hiệu đính sách... Ngoài ra, GS.TS Cường cũng đảm trách một số ủy ban và hội nghị khoa học trọng yếu.

Trong cộng đồng VN ở nước ngoài, GS.TS Nguyễn Cường được xem như một trong số những người Việt thành công rực rỡ ở xã hội Mỹ. Sức sáng tạo và nhiệt huyết của ông vẫn tràn trề. Tâm sự với Tuổi Trẻ, ông cho biết trong 20 năm tới vẫn dự tính theo đuổi chuyên ngành của mình với hi vọng sẽ được thăng tiến nữa. Để biết thêm về tiểu sử và thành công của GS.TS Nguyễn Cường, mời bạn thăm trang mạng http://engineering.cua.edu/dean.

Nhân dịp GS.TS Charles Nguyễn Cường được vinh danh trong cộng đồng khoa học với giải thưởng thành tựu trọn đời (“2009 Lifetime Achievement Award”), Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

* Giải thưởng thành tựu trọn đời năm 2009 mà GS.TS được nhận vào ngày 28-2 này có ý nghĩa thế nào?

- Mỗi năm Liên hội Kỹ sư và kiến trúc sư tại thủ đô Washington chọn các cá nhân trong số những kỹ sư, kiến trúc sư xuất sắc để vinh danh. Giải thưởng thành tựu trọn đời là phần thưởng cao nhất dành cho những người có đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực chuyên môn và mang ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời họ. Tôi lấy làm vui mừng vì đã được chọn trong năm nay và cũng rất ngạc nhiên khi biết tin. Đây là niềm hãnh diện cho cá nhân tôi, gia đình chúng tôi và trường đại học chúng tôi.

* Còn về trao đổi giáo dục, hợp tác khoa học kỹ thuật với VN của ĐH Catholic và của Trường kỹ sư nơi GS.TS đang làm trưởng khoa?

- Thăm viếng một số trường đại học ở VN, tôi mới được biết có nhiều sinh viên rất giỏi nhưng không đủ tài chính để qua Mỹ du học. Bởi thế ba năm qua, tôi đã về VN rất nhiều lần để thiết lập các chương trình giáo dục. Hiện tại Trường kỹ sư chúng tôi có “Chương trình 2+2” với các trường ở VN như: ĐH Quốc tế, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

Với học bổng bán phần (50%), các sinh viên sẽ học ĐH tại VN 2-3 năm rồi chuyển qua trường của chúng tôi học thêm hai năm cuối để lấy bằng cử nhân kỹ sư. Hiện nay trường tôi có bốn sinh viên VN của ĐH Quốc tế. Còn có chương trình để sinh viên VN qua đây làm thạc sĩ và tiến sĩ. Chúng tôi đang có hai sinh viên làm tiến sĩ đến từ ĐH Bách khoa Đà Nẵng.

ĐH chúng tôi cũng có chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật với các ĐH VN kể trên để các GS VN sang nghiên cứu. Tháng sáu tới, tôi lại về làm việc cùng một số trường ĐH ở Hà Nội trong chương trình của ĐH Catholic.

* Với ngần ấy năm du học, làm việc ở xứ người, GS.TS có kinh nghiệm gì để thành công như hiện nay?

- Trong 37 năm qua, du học ở Tây Đức và sinh sống ở Hoa Kỳ, tôi có thể nói yếu tố chính cho thành công của mình là làm việc cần cù, luôn thật lòng và không dối trá. Mình lại là người nước ngoài, muốn lên các địa vị lãnh đạo, ví dụ như trường hợp của tôi, phải giỏi tối thiểu gấp đôi người bản xứ mới được uy tín và tin tưởng từ đồng nghiệp để họ cử mình làm lãnh đạo.

Ở Mỹ có hai cách để làm lãnh đạo: “Play politics” (tham gia chính trị) và “Non-politics” (chuyên môn thuần túy). Tôi tin là người nhập cư muốn thành công phải theo con đường “Non-politics”, dù lúc đầu vất vả song ngày càng vững chắc. Bởi thế, dù có nhiều vấn đề chính trị trong trường, tôi đã được cấp trên tin cẩn và bổ nhiệm ba nhiệm kỳ (mỗi lần bốn năm) ở chức trưởng khoa từ năm 2001 đến nay.

* Với các sinh viên ở VN, theo GS.TS, họ cần chuẩn bị gì để du học ở Mỹ? Với các nhà khoa học đồng nghiệp ở VN, GS.TS có thể chia sẻ gì?

- Muốn thành công về khoa học ở Mỹ, trước tiên mọi người phải thông thạo tiếng Anh, sau đó cần có căn bản vững chắc về toán, khoa học và công nghệ thông tin. Các sinh viên khi còn ở VN học càng nhiều về toán và khoa học càng tốt. Còn nếu có cơ hội, nên lấy nhiều tín chỉ về vi tính cả phần cứng và phần mềm. Với các GS VN, để cộng tác với các GS ở Mỹ, nên nghiên cứu và công bố càng nhiều càng tốt trên các tạp chí nổi tiếng ở Mỹ (IEEE, ASME...). Quan trọng nhất trong một resume là kinh nghiệm nghiên cứu và công bố các bài báo.

* Thưa GS.TS, liệu công việc của một nhà khoa học có hoàn toàn khô cứng...

- Tôi rất thích văn nghệ. Lúc trẻ tôi chơi guitar và hát trong các ban nhạc ở VN và Tây Đức. Tôi có rất nhiều bạn bè trong làng văn nghệ trong và ngoài nước. Tôi còn thích đàn dương cầm, đi du lịch, đánh tennis, trượt tuyết... Theo tôi, nguồn gốc chính để hạnh phúc là việc không ưu tư. Muốn thế, ta đừng chú trọng quá về tiền bạc và danh vọng vì chính chúng làm ta ưu tư rất nhiều.

Cũng nhờ tin tưởng, kính trọng nhau, hạnh phúc của gia đình chúng tôi rất vững chắc. Tôi lập gia đình đã được 20 năm, hiện chúng tôi có bốn cháu. Tôi còn có hạnh phúc trong công việc suốt 27 năm làm việc, vì tôi không nghĩ mình làm việc mà tôi thấy là mình vui chơi. Xin được dùng tiếng Mỹ để nói “They pay me to have fun” (Người ta trả lương để tôi vui chơi!).

Đ.Q.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên