Nhiều người trẻ bị ám ảnh về bề ngoài và không ý thức được những rủi ro khi phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh: Reuters |
Tại Thái Lan, chuyện “dao kéo” từ tuổi còn trẻ đem lại hi vọng về một tương lai tươi sáng.
Một nhóm bác sĩ ở Singapore mới đây đã làm một nghiên cứu đánh giá việc giới trẻ nước này nhìn nhận ra sao về phẫu thuật thẩm mỹ. Thông tin được đăng tải trên chuyên san y khoa Singapore cho thấy một kết quả khá bất ngờ.
Đối tượng được thăm dò bao gồm 1.164 học sinh trung học và 241 sinh viên y khoa ở độ tuổi 16-21. Trong số này, 14 em thừa nhận từng phẫu thuật thẩm mỹ, chủ yếu ở khuôn mặt. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nói con số này có thể cao hơn vì có thể các em không thành thật khi trả lời.
Hơn 1/3 trong số này đồng tình việc giới trẻ phẫu thuật thẩm mỹ, gần 2/3 cho biết sẽ rất xấu hổ nếu những người không phải trong gia đình hoặc bạn thân phát hiện các em đã “dao kéo”.
Quá trẻ để “dao kéo”?
Đài Loan cấm phẫu thuật thẩm mỹ cho người dưới 18 tuổi Đài Loan hồi tháng 2 năm nay đã cấm các ca phẫu thuật thẩm mỹ không cần thiết đối với người dưới 18 tuổi để bảo vệ người trẻ trước những rủi ro về sức khỏe. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và các bác sĩ sẽ không còn được nâng mũi hay độn ngực cho người dưới 18 tuổi nữa. Bơm môi và cắt mí cũng bị cấm. Bác sĩ có thể bị phạt tới 16.500 USD và một năm cấm hành nghề nếu vi phạm hoặc thậm chí là tước giấy phép vĩnh viễn. |
Theo Strait Times, phẫu thuật thẩm mỹ thuần túy vì sắc đẹp chứ không phải vì các lý do y khoa đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước như Mỹ và Hàn Quốc.
Còn tại Singapore, nhóm nghiên cứu đã giật mình khi thấy rằng nhiều em không ý thức được những nguy hiểm tiềm ẩn.
Nghiên cứu cho thấy 52% học sinh trung học không hề nhận biết được bất cứ rủi ro nào và 36% sinh viên y khoa nghĩ rằng phẫu thuật thẩm mỹ là vô hại.
Đã có người chết ở Singapore vì phẫu thuật làm đẹp. Cũng có nhiều câu chuyện rùng rợn về việc phẫu thuật khiến bệnh nhân còn tồi tệ hơn trước lúc “dao kéo”. Thêm vào đó, không phải lúc nào những vụ phẫu thuật hỏng cũng có thể sửa lại được.
“Đáng ngại hơn là một phần lớn học sinh trung học tự cho rằng mình biết về các rủi ro thì lại nêu ra các rủi ro không chính xác” - nghiên cứu viết. Chủ tịch Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Singapore Karen Sng nói không nên khuyến khích các em nhỏ tuổi đi vào con đường “dao kéo” bởi mỗi ca phẫu thuật đều đem lại rủi ro.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Nguyễn Văn Thanh Huy, một người Việt sống và làm việc lâu năm tại Singapore, cho biết: “Theo tôi được biết, hiện phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến hơn trong giới trẻ Singapore. Tuy nhiên, nếu họ muốn dao kéo, họ sẽ sang Hàn Quốc bởi chi phí ở Singapore khá cao. Singapore cũng không nổi tiếng về phẫu thuật thẩm mỹ nên việc sang Hàn Quốc là lựa chọn số một”.
Có ý kiến cho rằng nếu đã có luật cấm người dưới 18 tuổi mua rượu, thuốc lá thì cũng nên có luật cấm trẻ em hoặc thiếu niên dưới độ tuổi này đi phẫu thuật thẩm mỹ. Giới chuyên gia cho rằng tốt hơn hết là nên ngăn chặn các em đi sửa đổi khuôn mặt hoặc cơ thể để chạy theo ý thích nhất thời. Ở độ tuổi này, cơ thể các em đang lớn lên và chứng kiến sự thay đổi lớn về thể chất cũng như hormone.
Cái đẹp... đè bẹp cái sợ
Trong khi đó tại Thái Lan, sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân về phẫu thuật thẩm mỹ đã khiến nhu cầu về “dao kéo” tăng đáng kể thời gian qua, đem về cho ngành phẫu thuật làm đẹp khoảng 20 tỉ baht/năm (620 triệu USD) cùng việc các thẩm mỹ viện lớn nhỏ mọc lên như nấm.
Trong quá khứ, theo The Nation, người Thái thường cảm thấy xấu hổ nếu bị bạn bè hoặc họ hàng phát hiện việc họ đi phẫu thuật thẩm mỹ. Xã hội Thái khi ấy có ác cảm đối với việc “dao kéo” và thường dè bỉu những người phải đi chỉnh sửa là những người bất hạnh với gen di truyền.
Bác sĩ Supot Sumritvanitcha, giám đốc Bệnh viện Yanhee ở Bangkok, nói: “Thông thường người ta sẽ nói dối với bạn bè hay họ hàng rằng đi du lịch nước ngoài trong vòng hai tuần. Thực tế họ đến Hong Kong hoặc Nhật Bản để phẫu thuật thẩm mỹ. Khi trở về, họ trông đẹp hơn”.
Mọi chuyện bây giờ đã đổi khác. Bề ngoài và cá tính trở nên ngày càng quan trọng hơn đối với những người muốn tìm kiếm cơ hội và một công việc mơ ước.
Một số bậc phụ huynh đưa con mình đi phẫu thuật thẩm mỹ từ rất sớm, có khi là từ 15 tuổi để mở ra tương lai tươi sáng cho con mình hoặc để xâm nhập ngành công nghiệp giải trí. Nâng mũi và cắt mí là hai hình thức thông dụng nhất đối với tuổi thiếu niên ở Thái.
Chị Trần Minh Hiền, một người Việt sống lâu năm ở Thái và đang làm nhân viên marketing cho một công ty ở Bangkok, cho biết giới trẻ tại đây hiện rất cởi mở về phẫu thuật thẩm mỹ.
Chị Hiền nói với Tuổi Trẻ: “Trong xã hội mà các thần tượng của giới trẻ đều trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, đều đẹp lung linh; nơi mà những nghề nghiệp giới trẻ đang theo đuổi và yêu cầu phải đẹp như tiếp viên hàng không, người mẫu, diễn viên thì chuyện họ phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn hảo hơn không có gì là khó hiểu”.
Ngoài ra, theo chị, giới trẻ Thái thật ra ý thức được về rủi ro: “Các chương trình truyền hình lúc nào cũng nhắc nhở về tác hại của việc phẫu thuật thẩm mỹ cũng như việc tiêm botox và những biến chứng có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhu cầu làm đẹp cao hơn, muốn mình đẹp hơn đã lấn át nỗi sợ hãi. Nhiều người thấy bạn bè mình đi nâng mũi cũng phải làm cho bằng chị bằng em”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận