26/07/2017 18:23 GMT+7

​Châu Âu nổi giận với kiểu đơn phương trừng phạt của Mỹ

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ để bàn giải pháp đối phó với kiểu chơi đơn phương của Mỹ.

Cảnh sinh hoạt trên phố Pushkinskaya ở Rostov On Don của Nga ngày 25-7 - Ảnh: REUTERS
Cảnh sinh hoạt trên phố Pushkinskaya ở Rostov On Don của Nga ngày 25-7 - Ảnh: REUTERS

Ngày 25-7, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên.

Với kết quả 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua các đòn trừng phạt nhằm vào 3 nước nêu trên bất chấp sự phản đối của tổng thống Donald Trump - người đang có chủ trương tìm cách hóa giải quan hệ căng thẳng với Nga.

Mỹ chơi đơn phương

Theo thông cáo từ Đồi Capitol, các nghị sĩ Mỹ quyết định siết chặt trừng phạt Nga bởi nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như vì hành động của Matxcơva tại Ukraine và Syria.

Nghị sĩ Ed Royce của đảng Cộng hòa tuyên bố sau phiên bỏ phiếu: “Như các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận, tay cựu điệp viên KGB đó (tức tổng thống Nga Vladimir Putin) đã tính can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta. Nếu ta không làm gì thì Nga sẽ lại tiếp tục gây hấn”.

Trong khi đó, Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố.

Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác.

Điều này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, giận dữ bởi nó mang tính hành động đơn phương của Mỹ và có thể gây thiệt hại kinh tế cho các nước châu Âu.

Cho đến nay, Mỹ và các nước châu Âu gần như vạch ra “lằn ranh đỏ” trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sao cho không ảnh hưởng đến việc cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Trong ngày hôm nay (26-7), các lãnh đạo châu Âu bắt đầu nhóm họp tại Brussels để tính giải pháp đối phó với quyết định từ Mỹ.

Ngay từ hôm 24-7, ông Margaritis Schinas - phát ngôn nhân của Ủy ban châu Âu (EC) - đã cảnh báo nhắn đến người Mỹ: “Sự thống nhất của khối G7 (nhóm các nước phát triển) về các biện pháp trừng phạt mang tầm quan trọng tối thượng bởi nó đi song hành với việc tôn trọng thực thi Thỏa thuận Minsk”.

Báo Financial Times trong khi đó khẳng định đã có trong tay bản ghi chép được chuẩn bị cho phiên họp ngày 26-7. Theo đó Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker nhấn mạnh rằng EU cần phải sẵn sàng "hành động trong vài ngày”, nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà “không tính đến những quan ngại của EU”.

Theo bản ghi chép trên, các biện pháp mà EU có thể sẽ đưa ra bao gồm yêu cầu tổng thống Donald Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU.

Bên cạnh đó, EU có thể sử dụng luật pháp châu Âu để các lệnh trừng phạt của Mỹ “không được chấp nhận hoặc thực thi” trong EU, cũng như chuẩn bị một số biện pháp đáp trả phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga với cáo buộc Matxcơva liên quan đến tình hình khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine, vấn đề bán đảo Crimea sáp nhập trở lại Nga hồi năm 2014. 

Hàng loạt ngân hàng và công ty Nga, cũng như nhiều công chức nước này đã bị ảnh hưởng do lệnh trừng phạt trên của Mỹ. Các hoạt động đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ của Mỹ vào Crimea cũng bị đình chỉ.

Chờ chữ ký của ông Trump

Dự luật tuy vậy cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trở lại (trước đó Thượng viện đã phê chuẩn dự luật tương tự với tỉ lệ bỏ phiếu đầy áp đảo là 98 thuận/2 chống) trước khi trình Tổng thống Trump ký duyệt hoặc phủ quyết.

Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ Mỹ chưa thông báo thời điểm thảo luận về văn kiện này.

Còn Nhà Trắng có nói rằng tổng thống Trump chưa quyết định liệu ông có phê chuẩn các biện pháp trừng phạt này hay không nhưng chắc chắn ông "sẽ nghiên cứu dự luật kỹ lưỡng".

Ông Trump sẽ phải cân nhắc thiệt hơn trong dự luật trừng phạt Nga thêm nữa bởi nó đặc biệt có thể ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt cho châu Âu thông qua việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc-2.

Dự án này cần được khởi công từ năm 2018 và kết thúc vào cuối năm sau đó. Dự kiến, đường ống dẫn khí này sẽ dài 1.220 km chạy xuyên qua đáy biển Baltic từ Nga đến Đức. 

Thực ra trong dự luật đã được thông qua ở Hạ viện Mỹ có "giảm đô" ở điều khoản chỉ nhắm vào những phần đường ống trên lãnh thổ Nga và loại trừ ra phần đường ống xuất phát từ Kazakhstan, và chỉ "quá cảnh" ở Nga.

Nhưng đổi lại với dự luật này, chính quyền Washington cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt. 

Đây cũng là một vấn đề nhức đầu cho tổng thống Trump trong giai đoạn ông phải chứng minh bản thân và đội ngũ của mình trong sạch trong các quan hệ với Nga ở thời kỳ vận động tranh cử năm ngoái.

Dự luật trừng phạt Iran được quyết trong ngày xảy ra cú cắt đầu của tàu Iran (trái) với tàu tuần duyên Mỹ (phải) - Ảnh: REUTERS
Dự luật trừng phạt Iran được quyết trong ngày xảy ra cú cắt đầu của tàu Iran (trái) với tàu tuần duyên Mỹ (phải) - Ảnh: REUTERS

 

Nga, Iran phản ứng mạnh

Trong ngày hôm nay (26-7), thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố với hãng thông tấn TASS rằng dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga đã hủy hoại cơ hội bình thường hóa mối quan hệ giữa Matxcơva và Washington và đưa mối quan hệ này vào một tình thế khó lường.

"Nga sẽ không để yên mà không có phản ứng", thứ trưởng Ryabkov cảnh báo nhưng cũng nói rằng Nga không để "cảm xúc chi phối" và sẽ tiếp tục tìm thỏa hiệp làm việc với Mỹ ở những lĩnh vực như chống khủng bố.

Còn nghị sĩ Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Konstantin Kosachyov cho rằng Nga cần chuẩn bị một đòn đáp trả mạnh mẽ với các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt lên Matxcơva.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, đồng thời là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của nước này Abbas Araghchi cũng nhấn mạnh dự luật vừa được Hạ viện Mỹ thông qua là "một biện pháp thù địch" chống lại nước CH Hồi giáo Iran, đi ngược lại những nghĩa vụ mà Mỹ phải thực hiện được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Nhà ngoại giao Iran khẳng định Tehran sẽ có biện pháp đáp trả. 

 

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên