24/05/2017 15:08 GMT+7

Những người hùng thầm lặng ở Manchester

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Ngay khi tin vụ đánh bom ở Manchester Arena được công bố trên mạng xã hội, các “Lục Vân Tiên” đã sẵn sàng mở rộng vòng tay giúp những người gặp nạn.

Chị Paula Robinson đã đưa các thiếu niên nữ vào khách sạn chờ người nhà đến đón - Ảnh: Getty Images
Chị Paula Robinson đã đưa các thiếu niên nữ vào khách sạn để chờ người nhà đến đón - Ảnh: Getty Images

Tấm lòng nhân hậu của người dân Manchester như ngọn lửa bừng sáng trong đêm 22-5 sau khi vụ đánh bom tự sát xảy ra sau buổi biểu diễn của nữ ca sĩ người Mỹ Ariana Grande.

Những hành động đầy tình người và nghĩa khí của họ đang được lan truyền để cho thấy rằng người dân Anh không khuất phục trước hành vi khủng bố đê hèn.

Mạng xã hội kêu gọi giúp người     

Trên các mạng xã hội Twitter và Facebook đã xuất hiện các hashtag như #RoomForManchester để cưu mang những người bị kẹt lại trong thành phố hay giúp đỡ đưa những người sống sót trở về nhà.

Nhiều khách sạn thông báo cho lưu trú miễn phí, nhất là đối với trẻ em đi xem biểu diễn mà không có cha mẹ đi theo.

Một người truy cập có nickname @rachelkellis thông báo: “Nếu bạn cần giường, uống trà hay sạc pin điện thoại, tôi ở cách nhà thi đấu Manchester khoảng 15 phút đi đường. #RoomForManchester”.

Nickname khác @charleylamble rao: “Nếu ai cần nghỉ lại ở Manchester, nhà tôi chào đón bạn. #RoomForManchester”.

Các nhân viên làm việc ở Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đến Manchester tham dự hội thảo đã tình nguyện đến ngay hiện trường vụ nổ và các bệnh viện để giúp đỡ các nạn nhân.

Bác sĩ đa khoa Faizan Awan cư trú ở Manchester viết trên Twitter: “Nếu bạn cần giúp về công việc lâm sàng đối với các nạn nhân, xin vui lòng báo cho tôi biết. Tôi có thể đến trong vòng 10 phút”.

Bác sĩ Stuart Hosking-Durn ở Viện-trường Morecambe Bay thông báo: “Nếu bạn cần giúp đỡ, chúng tôi có một nhóm ở Manchester”.

Thiên thần của Manchester

Tối 22-5, chị Paula Robinson 48 tuổi và chồng có mặt gần ga tàu Victoria cạnh nhà thi đấu Manchester Arena. Họ đã chứng kiến hàng chục thiếu niên hoảng hốt bỏ chạy khỏi hiện trường vụ nổ.

Chị đã chặn các thiếu niên nữ lại rồi dẫn các em vào khách sạn Holiday Inn Express gần hiện trường. Sau đó, chị thông báo trên mạng xã hội: “Chúng tôi đang giữ khoảng 50 em chờ người đến đón. Các em an toàn, chúng tôi đang chăm sóc”.

Chị cẩn thận để lại số điện thoại trên mạng để cha mẹ các em biết để liên hệ đến đón con về nhà.

Thông báo của chị nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đến sáng ngày 23-5, chị thông báo tất cả các em đều đã được gia đình đón về.

Báo Huffington Post đưa tin người dùng trên mạng và báo chí Anh đã ngưỡng mộ gọi chị Paula Robinson là “người anh hùng đích thực”, “thiên thần của Manchester”.

Chuyện hai anh hùng vô gia cư

Câu chuyện của hai người đàn ông không nhà Stephen Jones và Chris Parker còn đặc biệt hơn.

Stephen Jones 35 tuổi trước đây làm thợ hồ, sống không nhà cửa hơn một năm nay. Đêm xảy ra vụ nổ, anh đang ngủ cạnh hiện trường đã choàng tỉnh sau khi nghe tiếng nổ dữ dội.

Với gương mặt hốc hác, anh kể lại trên kênh truyền hình ITV hôm 23-5: “Bọn trẻ đầy máu me nằm khắp nơi vừa la vừa khóc… Chúng tôi phải rút đinh khỏi tay chúng và ngay cả trên mặt một bé gái”.

Anh tâm sự: “Tôi sống không nhà nhưng không có nghĩa tôi không có trái tim. Họ cần giúp đỡ. Bản năng tôi thúc giục phải giúp họ”.

Còn anh Chris Parker 33 tuổi ngủ trên đường phố Manchester gần một năm nay. Anh thường đến bên ngoài phòng biểu diễn của nhà thi đấu Manchester để mong có người bố thí.

Anh rơi nước mắt kể với hãng tin Press Association: “Tôi nghe một tiếng bùm, rồi một giây sau thấy quầng sáng màu trắng bùng lên và khói, sau đó tôi nghe tiếng la”.

Ban đầu anh nằm bẹp dí dưới đất, sau đó anh đứng dậy và thay vì bỏ chạy, bản năng thôi thúc anh chạy đến cứu người.

Anh kể: “Người ta nằm khắp nơi. Tôi nhìn thấy một bé gái… không còn chân. Tôi lấy áo thun bọc em lại và hỏi cha mẹ em đâu”.

Anh cũng đã cố trấn an một phụ nữ khoảng 60 tuổi bị thương rất nặng ở chân và đầu, sau cùng bà ấy đã chết trên tay anh.

Đến giờ anh vẫn nghe ong ong trong đầu tiếng kêu la của các nạn nhân và cảm nhận mùi tử khí lan trong không khí.

Câu chuyện của hai anh hùng vô gia cư Stephen Jones và Chris Parker đã gây xúc động trên mạng. Nickname @ManCityConcil kêu gọi: “Các bạn hãy giúp đỡ người anh hùng đường phố này, anh đáng được hưởng”.

Hai quỹ quyên góp đã được công bố. Đến tối 23-5, quỹ đã vượt qua ngưỡng 20.000 euro. Bà mẹ của Chris Parker thông báo trên Facebook đã tìm lại con trai mà bà đã mất liên lạc. Bà không biết con trai bà đang sống cảnh không nhà.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên