18/09/2016 10:15 GMT+7

Khi bà Aung San Suu Kyi thăm Mỹ

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TTO - Tuyên bố của tổng thống Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận Myanmar không chỉ là món quà dành cho cá nhân bà Aung San Suu Kyi, mà còn là sự tưởng thưởng cho những nỗ lực của chính quyền mới ở Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi và ông Obama tại Nhà Trắng ngày 14-9 - Ảnh: REUTERS
Bà Aung San Suu Kyi và ông Obama tại Nhà Trắng ngày 14-9 - Ảnh: REUTERS

Đất nước chúng tôi còn quá nhiều việc để làm, trong đó quan trọng nhất là hòa bình và hòa hợp dân tộc

Bà Aung San Suu Kyi

Chuyến thăm Mỹ giữa tuần này của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi mở ra cơ hội mới cho đất nước hơn 50 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á. Đây là lần thứ hai bà Suu Kyi tới Mỹ kể từ năm 2012 và là lần đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Myanmar.

“Tưởng thưởng”

Trong buổi tiếp người mà mình “ngưỡng mộ từ lâu”, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Washington đã sẵn sàng dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Myanmar.

“Đó là điều cần làm. Người Myanmar phải được tưởng thưởng vì đường lối kinh tế mới và chính phủ mới” - ông Obama nói khi gặp cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng hôm 14-9.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những động thái quan trọng nhất của dỡ bỏ cấm vận là việc thôi không áp dụng “tuyên bố khẩn cấp quốc gia” vốn liệt Myanmar vào loại “đe dọa đặc biệt đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Tuyên bố này bắt đầu có hiệu lực từ năm 1997 và được gia hạn hằng năm. Việc vô hiệu hóa tuyên bố sẽ “giải phóng” 111 tổ chức, cá nhân khỏi danh sách đen mà Mỹ cấm cửa làm ăn, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Myanmar.

Đồng thời, nó cũng dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngọc bích từ Myanmar.

Ngoài ra, ông Obama cũng cho biết Mỹ sẽ dành cho Myanmar một số ưu đãi thương mại, chẳng hạn sẽ đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng Hệ thống ưu đãi phổ quát (GSP), một cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ.

Theo Tổng thống Obama, việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế và khôi phục quy chế GSP cho Myanmar một mặt sẽ góp phần phát triển giao thương và kinh tế của Myanmar, mặt khác “sẽ khích lệ các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tăng cường đầu tư vào Myanmar”.

Ông Obama cho biết việc dỡ bỏ cấm vận sẽ được thực hiện sớm nhưng không nói rõ thời điểm cụ thể. Trên thực tế, chính quyền Tổng thống Obama còn thời gian từ nay đến khi hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2017 để biến lời hứa thành hiện thực.

Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ với Myanmar Times rằng điều này sẽ sớm xảy ra, cùng lắm là “trong vòng một tuần nữa”.

Năm 2012, sau 22 năm gián đoạn, Mỹ đã chính thức bổ nhiệm đại sứ tại Myanmar. Tiếp đó, hàng loạt tổ chức, tập đoàn lớn của Mỹ bắt đầu hiện diện tại quốc gia này, trong đó có USAID, OPIC, Ex-Im Bank...

Tuy nhiên, mối quan hệ thương mại Mỹ - Myanmar cũng như đầu tư của Mỹ tại Myanmar vẫn còn đang rất khiêm tốn.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Myanmar chỉ đạt 227 triệu USD, nhập khẩu 144 triệu USD.

Còn theo số liệu của Chính phủ Myanmar, đầu tư của Mỹ vào quốc gia này hiện mới chỉ là 248 triệu USD, thua xa Trung Quốc đại lục (18 tỉ USD), Singapore (13 tỉ USD) và Hong Kong (7 tỉ USD).

Còn nhiều việc phải làm

Dù đã ghi nhận và tưởng thưởng, Washington vẫn chưa thể “cởi mở” hết thảy với Naypyidaw.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định sẽ vẫn duy trì một số điều khoản hạn chế đối với Myanmar như từ chối cấp visa cho một số trường hợp, cấm buôn bán vũ khí, “cấm cửa” 21 cá nhân, 10 doanh nghiệp có liên quan tới ma túy và 2 cá nhân có liên hệ với CHDCND Triều Tiên...

Nhiều nhà phân tích của Mỹ cũng cảnh báo chính quyền vẫn còn quá sớm để “hào hứng” với Myanmar khi cá nhân bà Aung San Suu Kyi cũng như chính phủ mới còn quá nhiều việc phải làm để chuyển một nhà nước quân sự có truyền thống lâu năm thành một nhà nước dân sự thực thụ, biến một xã hội tù túng, kiểm soát, đầy hận thù, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo thành một xã hội dân chủ, văn minh.

Chính bà Aung San Suu Kyi, tại cuộc gặp với ông Obama, cũng đã thừa nhận là “còn nhiều việc phải làm”. Bà cũng không ngần ngại đề cập tới “chiếc vòng kim cô” - hiến pháp năm 2008, vốn đang trói tay, trói chân bà cũng như chính phủ mới.

“Chúng tôi chưa thể hoàn toàn dân chủ vì hiến pháp trao quá nhiều quyền lực chính trị đặc biệt cho quân đội” - bà Suu Kyi thừa nhận với tổng thống Mỹ.

“Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để sửa đổi hiến pháp, để đất nước chúng tôi thực sự là một liên bang dân chủ, đúng như mơ ước của ông cha” - bà Suu Kyi nói.

Trăn trở của bà Suu Kyi cũng chính là điều mà chính giới Mỹ lo ngại: “hàm lượng” quân sự trong một chính phủ dân sự vẫn còn quá đậm đặc.

Cụ thể, theo hiến pháp Myanmar năm 2008, quân đội được dành quá nhiều đặc quyền, trong đó đáng kể nhất là: quân đội không chịu sự kiểm soát của tổng thống, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang là thống soái tất cả các lực lượng vũ trang quốc gia, chiếm 6 trong tổng số 11 thành viên của Hội đồng an ninh và quốc phòng Myanmar, chiếm 25% số ghế trong quốc hội liên bang và hội đồng địa phương...

Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế lớn của Myanmar nắm giữ các lĩnh vực quan trọng như khoáng sản, giao thông vận tải, dịch vụ, khách sạn... đều có mối quan hệ mật thiết với quân đội.

Chưa hết, chính quyền Myanmar cũng đang phải vật lộn với nhiều vấn đề gai góc do lịch sử để lại như nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... Đây đều là những “tiêu điểm” mà Washington đang “soi” để đi đến quyết định bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Naypyidaw hay chưa.

Nửa năm chính quyền dân sự

Ngày 15-3-2016, với 360 phiếu ủng hộ trong tổng số 652 phiếu, ông Htin Kyaw (69 tuổi, Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ - NLD) được quốc hội bầu làm tổng thống mới, trở thành tổng thống của chính phủ dân sự đầu tiên ở Myanmar sau hơn nửa thế kỷ nước này nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân đội.

Trước đó, Đảng NLD do bà Suu Kyi đứng đầu đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8-11-2015, với gần 80% số ghế ở cả hai viện trong quốc hội.

Sáu tháng qua là khoảng thời gian ngắn ngủi và mới chỉ là giai đoạn chuyển đổi nhưng chính phủ mới cũng đã kịp “ghi” được một số “bàn thắng” ngoạn mục, đặc biệt là trong vấn đề gai góc: hòa hợp, hòa giải dân tộc.

Tháng 5-2016, chính quyền Tổng thống Htin Kyaw đã cải tổ ủy ban chung về đối thoại hòa bình liên bang, chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn trên cả nước do chính phủ trước đưa ra. Tháng 7-2016, cải tổ Trung tâm hòa bình Myanmar và thành lập Trung tâm hòa bình và hòa giải sắc tộc.

Tháng 8-2016, thành lập hội đồng cố vấn do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đứng đầu nhằm tìm ra những giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở bang Rakhine, nơi bị tố cáo ngược đãi người thiểu số Hồi giáo Rohingya...

Thực quyền còn cao hơn tổng thống

Ấp ủ tham vọng trở thành người đứng đầu chính quyền dân sự Myanmar trong hàng chục năm miệt mài đấu tranh cho dân chủ nhưng bà Aung San Suu Kyi không thể bước qua được “vòng kim cô” hiến pháp (vì bà có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài).

Để hợp pháp hóa nhân vật quyền lực nhất đất nước, một chức danh “lạ” ra đời: cố vấn nhà nước.

Theo đó, ngày 6-4-2016, Tổng thống Htin Kyaw đã ký ban hành “luật cố vấn nhà nước”. Luật này, trước đó đã được thông qua ở thượng viện (1-4) và hạ viện (5-4), quy định cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi có nhiệm kỳ tương đồng với Tổng thống Htin Kyaw.

Trên thực tế, quyền lực của bà Suu Kyi còn cao hơn tổng thống. Các sắc lệnh và văn kiện quan trọng của Nhà nước Myanmar đều do Văn phòng cố vấn nhà nước ban hành.

Ngoài ra, bà Aung San Suu Kyi còn lấy tư cách bộ trưởng ngoại giao để bảo đảm can dự tất cả các công việc ngoại giao quan trọng của Myanmar.

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên