10/05/2016 08:19 GMT+7

Mafia Ý tàn bạo như IS

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đối với nữ nhiếp ảnh gia Letizia Battaglia, bọn mafia không lịch lãm như trong những bộ phim kinh điển Bố già hay Gia đình Sopranos, mà rất tàn bạo.

Hiện trường một vụ mafia xử 3 thành viên không tuân thủ luật chơi vào năm 1983 - Ảnh: L.B.
Hiện trường một vụ mafia xử 3 thành viên không tuân thủ luật chơi vào năm 1983 - Ảnh: L.B.

“Nỗi sợ không quan trọng bằng dân chủ và cái đẹp

Nữ nhiếp ảnh gia Letizia Battaglia

 

Theo nữ nhiếp ảnh gia người Ý 81 tuổi, phim ảnh dường như đã lãng mạn hóa bọn tội phạm khét tiếng này trong khi họ tàn bạo không thua những tên khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

“Người Mỹ thích bộ phim Gia đình Sopranos. Họ muốn không tin mafia ngoài đời thực giống như những gì họ thấy trên truyền hình, nhưng sự thật là bọn chúng nguy hiểm như IS vậy" - bà Battaglia mở đầu câu chuyện trên Đài CNN.

"Khi nhìn thấy những thành viên IS, tôi thấy chúng giống mafia ở chỗ chẳng màng đến mạng sống. Bọn mafia chẳng quan tâm đến thứ gì ngoại trừ lợi ích, tiền và chẳng ngại làm hại người khác trên đường chúng đi”.

Bà Battaglia, người vùng Sicily, đã dành cả cuộc đời để chụp các nạn nhân vô tội hoặc không vô tội, của bọn mafia.

“Những tác phẩm của tôi thấm đẫm máu” - bà nhìn nhận. Những hình ảnh đáng sợ phơi bày các góc tối chưa từng thấy về tổ chức tội phạm này sẽ được thể hiện trong cuốn sách sắp xuất bản của bà.

Thấm đẫm máu

Bà Battaglia trưởng thành ở Palermo trong thời kỳ đẫm máu nhất của mafia ở Ý, khi bọn tội phạm đang tìm cách mở rộng hoạt động buôn lậu vũ khí và ma túy.

“Tác phẩm của tôi đầy người chết. Những khi nghĩ lại lúc đó, tôi còn cảm thấy buồn nôn. Nhìn những cái chết đầy bạo lực như vậy thật kinh khủng” - bà kể lại.

Đến tận bây giờ, mỗi khi nghe chuông điện thoại reo bà đều sợ lại có chuyện gì đó tồi tệ xảy ra. Nhưng cú sốc lớn nhất bà từng trải qua là vụ ám sát hai người bạn của bà, thẩm phán Giovanni Falcone và Paolo Borsellino, năm 1992 khiến bà cảm thấy giận dữ.

“Những thẩm phán tốt, cảnh sát tốt, người tốt đã bị giết. Một số là bạn tôi. Cả đời tôi cũng không thể chấp nhận được chuyện này” - bà khẳng định.

Bà Battaglia vẫn thường một mình đi đến hiện trường tội phạm. “Tôi chụp bằng đam mê. Tôi muốn ghi lại mọi thứ tôi nghĩ là bằng chứng chống lại mafia” - bà giải thích.

Theo giáo sư John Dickie (chuyên nghiên cứu về Ý tại Đại học London), tác phẩm của bà Battaglia phản ánh chân thực tình trạng bạo lực khi mafia vùng Sicily đang vươn vòi thâu tóm mạng lưới buôn ma túy toàn cầu.

“Bà không chỉ chụp ảnh chính trị gia, tử thi mà còn phản ánh sự ảnh hưởng của những cái chết đã trở nên quen thuộc, đặc biệt là đối với trẻ con” - ông Dickie nhận định.

Ảnh của bà tạo ra sức tác động lớn, từng được dùng làm bằng chứng trong việc buộc tội cựu thủ tướng Giulio Andreotti thông đồng với mafia năm 1993, nhưng cũng nhiều lần khiến bà gặp nguy hiểm.

“Đôi lúc tôi cũng sợ, khi chúng gọi điện hay viết thư cho tôi dọa rằng nếu tôi không rời Palermo, tôi sẽ bị giết - bà Battaglia kể - Tôi từng chạy trốn khỏi Palermo vài lần nhưng tôi luôn quay lại. Nỗi sợ không quan trọng bằng dân chủ và cái đẹp”.

Vì vậy, xen giữa những hình ảnh đẫm máu mà bà chụp cũng có những bức ảnh tràn đầy hi vọng với những khoảnh khắc của tình yêu, những thiếu nữ, trẻ em.

“Tôi cố gắng kể câu chuyện tình yêu của mình cho vùng đất này - bà nói - Tôi đã yêu và được yêu. Tôi luôn nhắc mọi người rằng vẫn còn những điều tốt đẹp dưới bầu trời này và trên hết tôi luôn tìm kiếm cái đẹp và cố gắng chụp lại nó”.

Nữ nhiếp ảnh gia Letizia Battaglia - Ảnh: qcodemag.it
Nữ nhiếp ảnh gia Letizia Battaglia - Ảnh: qcodemag.it

Tội phạm hiện đại

Mafia hiện tại ở Ý đã có nhiều thay đổi. Bà Battaglia kể rằng ngày nay khó chụp được ảnh mafia hơn vì chúng mặc vest, tốt nghiệp đại học, làm việc trong ngân hàng hoặc giới chính trị.

Số người chúng giết cũng ít hơn nhưng về bản chất, chúng vẫn tồn tại và đang trở nên nguy hiểm hơn, lớn mạnh hơn.

“Mafia sinh ra ở Sicily nhưng giờ chúng có lợi ích ở khắp nơi. Thông qua buôn bán ma túy, chúng có các khoản đầu tư ở miền bắc nước Ý và trên cả châu Âu” - nữ nhiếp ảnh gia chỉ rõ.

“Những năm 1970 là cuộc chiến điên cuồng của mafia chống lại xã hội, có quá nhiều nạn nhân bị sát hại, quá nhiều nỗi đau và nghèo đói. Ngày nay, mafia xảo quyệt hơn, chúng không còn giết thẩm phán, chính trị gia hay cảnh sát nữa.

Mafia vẫn luôn quan tâm đến các lợi ích và giờ chúng có thể đạt được điều đó mà không cần bắn người. Chỉ cần chúng chọn ra các đại diện trong chính trị để bảo vệ các lợi ích của chúng là đủ” - bà giải thích.

Bằng việc len lỏi vào hệ thống chính trị và kinh tế, mafia ngày nay trở nên nhiều quyền lực hơn, dù rằng cách hoạt động của chúng vẫn man rợ như ngày nào và số người phải đóng tiền bảo kê cho chúng lớn hơn bao giờ hết.

“Bây giờ không chỉ có máu mà nó còn là tham nhũng - bà Battaglia cảnh báo - Điều quan trọng là phải hiểu được sự thật để giành lại công lý và tín nhiệm. Chúng ta cần những người làm báo giỏi để làm được điều này”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên