24/03/2016 15:44 GMT+7

Indonesia yêu cầu Trung Quốc không xâm phạm lãnh hải

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Indonesia ngày 24-3 yêu cầu các tàu Trung Quốc không xâm phạm lãnh thổ nước này, một ngày sau khi tuyên bố sẽ truy tố các thủy thủ Trung Quốc bị bắt.

Một chiếc tàu tuần dương của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Một chiếc tàu tuần dương của Trung Quốc - Ảnh: Reuters

"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nhưng không hy sinh chủ quyền" - Reuters dẫn lời Bộ trưởng an ninh Indonesia Luhut Pandjaitan ngày 24-3 nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cùng ngày cho biết nước này vẫn đang chờ lời giải thích từ phía Bắc Kinh về hành động của chiếc tàu tuần dương Trung Quốc liên quan trong vụ việc.

Chính quyền Jakarta hôm 23-3 cũng tuyên bố sẽ truy tố tám thủy thủ Trung Quốc bị bắt khi đánh bắt cá trái phép trên vùng biển của Indonesia.

Không chỉ bác bỏ yêu cầu thả người của Trung Quốc, Jakarta cáo buộc Bắc Kinh làm gia tăng căng thẳng trong khu vực khi can thiệp để giành lại chiếc tàu bị bắt.

Theo các quan chức Indonesia, vụ việc diễn ra thứ bảy tuần trước khi chiếc tàu tuần tra của bộ ngư nghiệp nước này phát hiện và truy đuổi chiếc tàu cá Kway Fey tại khu vực quần đảo Natuna.

Một chiếc tàu tuần dương của Trung Quốc sau đó can thiệp khi chiếc tàu đang bị lực lượng Indonesia lai dắt, cố tình va chạm với chiếc tàu cá nhằm giúp nó trốn thoát.

Bộ trưởng Pandjaitan ngày 23-3 khẳng định các thuyền viên Trung Quốc bị bắt sẽ bị truy tố, theo Guardian.

Ông Pandjaitan cũng cho biết Indonesia sẽ tăng cường sự hiện diện tại Natuna bằng việc điều thêm quân và các tàu tuần tra hiện đại hơn và sẽ nâng cấp các thiết bị quốc phòng hiện đại cho căn cứ hải quân tại khu vực này.

Trong khi đó, ông Arif Havas Oegroseno, một quan chức chính phủ chịu trách nhiệm vấn đề an ninh hàng hải Indonesia, cũng cảnh báo ý đồ tạo ra một tình thế mới của Trung Quốc khi can thiệp vào việc bắt giữ của Jakarta.

Ông Oegroseno khẳng định khu vực Natuna mà Trung Quốc khẳng định là “vùng đánh bắt cá truyền thống” của mình không được thừa nhận trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982.

“Điều này hoàn toàn là bịa đặt, mơ hồ. Từ khi nào, năm nào nó trở thành nơi truyền thống của Trung Quốc?”- ông Oegroseno nhấn mạnh.

Ông Oegroseno cũng chỉ trích hành động va chạm để giải cứu tàu của phía Trung Quốc gián tiếp vi phạm công ước của Tổ chức hàng hải quốc tế.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên