Động đất ở Nepal gây thiệt hại về người và của, nhân loại cũng mất đi những di sản văn hóa vô giá - Ảnh: Reuters |
Hãng bảo hiểm Swiss Re vừa công bố con số đáng sợ trên nhưng nhận định rằng số liệu thiệt hại trong năm 2015 vẫn ít hơn mức trung bình hằng năm trong 10 năm qua là 192 tỉ USD.
Ngoài ra, thiệt hại do thảm họa thiên nhiên gây ra chiếm 74 tỉ USD trong tổng số thiệt hại kể trên.
Mất tiền, mất mạng
Thảm họa công nghiệp đáng chú ý trong năm là vụ nổ ở Thiên Tân, đông bắc Trung Quốc. Vụ nổ kho chứa hóa chất vào ngày 12-8 khiến 161 người chết tại thành phố này được ước tính là thảm họa gây thiệt hại lớn nhất trong năm nay.
Các công ty bảo hiểm đã phải chi trả hơn 2 tỉ USD cho thiệt hại nhưng việc tính toán thiệt hại trong vụ này vẫn chưa dừng lại.
Còn đối với các thảm họa thiên nhiên, cơn bão lạnh giá hồi tháng 2 ở Mỹ cũng khiến các công ty bảo hiểm phải chi trả đậm, ước tính chừng 2,7 tỉ USD.
Năm 2015 cũng được coi là năm nóng kỷ lục với các đợt nắng nóng đã gây ra cái chết cho hơn 5.000 người.
AFP dẫn báo cáo của Swiss Re cho hay tình trạng thiếu mưa gây ra hạn hán và cháy rừng cũng gây ra thiệt hại đáng kể. Hơn 3.000 người thiệt mạng tại Ấn Độ và Pakistan trong năm nay khi nhiệt độ tăng cao tới trên 480C.
AFP dẫn lời kinh tế gia trưởng của Swiss Re là Kurt Karl: “Tác động kinh tế tổng thể của những thảm họa này vô cùng nặng nề ở những khu vực bị ảnh hưởng. Thường những vùng này ít được chuẩn bị sẵn sàng và có mức độ tiếp cận bảo hiểm thấp”.
Tại Nepal, trận động đất hồi tháng 4 đã khiến hơn 9.000 người bị thiệt mạng, phá hủy hơn 500.000 căn nhà và khoảng 8.000 trường học.
Thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 6 tỉ USD. Tuy nhiên, theo Swiss Re, các công ty bảo hiểm chỉ chi trả 160 triệu USD trong thảm họa này vì nhiều công trình và người dân không mua bảo hiểm.
Cũng theo báo cáo của Swiss Re, ít nhất 26.000 người đã thiệt mạng trong các thảm họa xảy ra năm nay như các đợt nắng nóng, động đất, lũ lụt và những thảm họa khác.
Con số này nhiều hơn gấp đôi con số thiệt mạng năm 2014 là khoảng 11.000 người. Con số 26.000 người chết năm nay bao gồm cả những người di cư thiệt mạng khi đang cố để đến được bờ biển châu Âu.
Do biến đổi khí hậu
Theo một báo cáo khác của Liên Hiệp Quốc công bố hồi tháng 11, các thảm họa liên quan đến thời tiết trong vòng hai thập kỷ qua cũng đã khiến hơn 600.000 người thiệt mạng, gây ra thiệt hại kinh tế hàng ngàn tỉ USD.
Báo cáo này của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo tần suất và tác động của những thảm họa thời tiết này sẽ tăng lên.
Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho biết Mỹ là nước có số thảm họa thời tiết cao nhất trong 20 năm qua nhưng Trung Quốc và Ấn Độ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Đơn cử như lũ lụt đã tác động đến cả tỉ người trong hai thập kỷ qua.
Tần suất các thảm họa cũng tăng lên. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc ghi nhận trung bình có khoảng 335 thảm họa thời tiết mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua, gấp đôi mức độ trong 10 năm trước đó.
Nếu chia con số này cho 365 ngày trong năm thì thảm họa thời tiết diễn ra gần như hằng ngày. Các thảm họa ở đây được tính là các vụ khiến 10 người chết trở lên và ảnh hưởng đến hơn 1.000 người, cần đến sự hỗ trợ bên ngoài.
Báo cáo cho biết thêm có những bằng chứng mạnh mẽ rằng việc khí hậu ấm lên đã tạo ra các đợt nóng khắc nghiệt hơn và thường xuyên hơn, tạo ra mưa lớn hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt và hạn hán.
Nhà báo Camille Boudin trả lời trên Đài France 3 cho biết riêng tại Pháp, từ nay đến năm 2040 các nhà bảo hiểm sẽ phải chi trả số tiền thiệt hại do thảm họa tự nhiên nhiều gấp đôi, lên đến mức cả trăm tỉ USD.
Số tiền tăng cao một phần do người ta đóng bảo hiểm cao hơn, nhưng tính toán cho thấy có đến 30% trong tổng số tiền mà bảo hiểm phải chi trả là do thảm họa bất thường của tự nhiên.
Mở bán bảo hiểm chuyên về sóng thần, động đất Tính toán cho thấy 2/3 doanh nghiệp có doanh thu bị lệ thuộc vào tình hình thời tiết, ở các mức độ khác nhau. Vì thế Tập đoàn bảo hiểm Liberty của Mỹ thậm chí đã mở bộ phận ở Paris chuyên lo về bảo hiểm liên quan biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, nhiều tập đoàn bảo hiểm bắt đầu chào bán các gói bảo hiểm gắn với sóng thần, động đất hoặc bão lũ... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận