Đao phủ Mohammed Emwazi xuất hiện trong một video hành quyết - Ảnh: Independent |
Theo AFP, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho biết cuộc không kích diễn ra ở Raqa, “thủ đô” của IS ở Syria.
Vẫn chưa rõ gã đao phủ tên thật là Mohammed Emwazi đã chết hay chưa. “Chúng tôi đang đánh giá kết quả chiến dịch và sẽ cung cấp thêm thông tin” - ông Cook nói.
Lầu Năm Góc khẳng định Emwazi đã tham gia vào các video quay cảnh sát hại hai nhà báo Mỹ Steven Sotloff và James Foley, nhà hoạt động nhân đạo Mỹ Abdul-Rahman Kassig, hai nhà hoạt động nhân đạo Anh David Haines và Alan Henning, nhà báo Nhật Kenji Goto và một số con tin khác.
CNN và báo Washington Post dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết một chiếc máy bay không người lái đã phóng tên lửa vào vị trí của Emwazi. Hắn là một lập trình viên ở London (Anh), sinh ra tại Kuwait trong một gia đình gốc Iraq.
Gia đình Emwazi chuyển đến Anh vào năm 1993 khi hắn lên 6 tuổi. Hắn từng học công nghệ thông tin tại trường ĐH Westminster. Được truyền thông Mỹ và Anh đặt biệt danh là “John thánh chiến”, Emwazi lần đầu tiên xuất hiện trong đoạn video hồi tháng 8-2014, quay cảnh cắt đầu nhà báo Foley, 40 tuổi.
Đoạn video khủng khiếp đó khiến cả thế giới kinh hoàng và phẫn nộ. Emwazi luôn xuất hiện trong các đoạn video hành quyết với bộ đồ và mặt nạ đen. Emwazi còn có quan hệ với một nhóm cực đoan có biệt danh là “Những cậu bé London”, ban đầu được Al-Shabab, chi nhánh của Al-Qaeda ở Đông Phi, đào tạo.
Phản ứng trước thông tin trên, mẹ nhà báo Sotloff là bà Shirley Sotloff nói: “Kể cả nếu hắn đã chết thì con trai tôi cũng không sống lại” - bà Shirley Sotloff buồn rầu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận