23/10/2015 15:24 GMT+7

Đặc nhiệm Mỹ đột kích cứu 70 con tin từ IS ra sao?

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Các đặc nhiệm thuộc Lực lượng Delta của bộ binh Mỹ đã phối hợp với biệt kích người Kurd để giải cứu thành công 70 con tin từ nhà tù của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq.

Đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại Iraq - Ảnh: FP

Theo hãng tin ABC News, 30 đặc nhiệm Mỹ thuộc Lực lượng Delta đóng vai trò cố vấn cho hàng chục tay súng xuất sắc nhất của lực lượng người Kurd trong chiến dịch giải cứu con tin tại nhà tù IS ở Hawijah, Iraq. Năm máy bay trực thăng Mỹ cũng tham gia chiến dịch này.

“Chiến dịch được thực hiện sau khi chúng tôi nhận được mật báo rằng các con tin sắp bị thảm sát hàng loạt” - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết.

Nhiều ngày trước, chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq thông báo cho quân đội Mỹ về việc 20 tay súng người Kurd bị giam giữ ở nhà tù gần Hawijah.

Giao tranh dữ dội

Sau khi kiểm tra thông tin tình báo, quân đội Mỹ quyết định hỗ trợ lực lượng người Kurd mở chiến dịch giải cứu. Nhiệm vụ của các đặc nhiệm Mỹ thuần túy là tư vấn và hỗ trợ các chiến binh người Kurd.

Tổng cộng 30 đặc nhiệm đi kèm 30 tay súng người Kurd, chưa kể các phi công Mỹ lái trực thăng hỗ trợ. Đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thông qua chiến dịch này.

“Chúng tôi là cung cấp phương tiện vận chuyển, thông tin tình báo và tư vấn. Nhiệm vụ là đưa họ đến đó, hỗ trợ họ. Nhưng chúng tôi cũng có quyền tự vệ” - một quan chức Lầu Năm Góc kể.

Cuộc tấn công diễn ra vào bao đêm, năm trực thăng Mỹ chở các đặc nhiệm Lực lượng Delta và người Kurd áp sát hai tòa nhà ở Hawijah, nơi IS sử dụng làm nhà tù.

Trước đó, máy bay chiến đấu Mỹ đã liên tiếp thả bom và bắn tên lửa vào các tòa nhà do IS kiểm soát xung quanh nhà tù. Đợt không kích này đã mở đường cho năm chiếc trực thăng tiến tới hiện trường. Các tay súng người Kurd xông vào bên trong nhà tù và lập tức khủng bố IS bắn trả dữ dội.

“Lẽ ra các đặc nhiệm Mỹ chỉ có nghĩa vụ hỗ trợ các binh sĩ người Kurd chứ không tham chiến. Nhưng lúc đó giao tranh quá dữ dội, họ nhìn thấy các binh sĩ người Kurd bị thương nên quyết định tiến vào chiến đấu” - một quan chức Mỹ cho biết.

Kết quả là 10-20 tay súng IS bị bắn chết, bốn binh sĩ người Kurd bị thương và một đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng. Đây là lần đầu tiên một lính Mỹ thiệt mạng tại Iraq kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định rút quân khỏi Iraq hồi năm 2011. Một số tay súng IS bị bắt sống.

Không thay đổi sứ mệnh

Khi tiến vào nhà tù, lực lượng Mỹ và người Kurd rất ngạc nhiên khi thấy có tới 70 con tin bị giam giữ, thay vì 20 người Kurd như xác định ban đầu. Tất cả đều là người Ả Rập Sunni, bao gồm 20 thành viên của lực lượng đặc nhiệm Iraq và sáu người bị IS coi là “kẻ phản bội”. Họ lập tức được chở về Erbil.

Sau khi những chiếc trực thăng Mỹ dời đi, máy bay chiến đấu Mỹ ném bom phá hủy nhà tù này. Đây là chiến dịch quân sự lớn nhất của Mỹ tại Iraq kể từ khi đặc nhiệm Lực lượng Delta tấn công nhà riêng của Abu Sayyaf, “giám đốc tài chính” của IS hồi tháng 5. Khi đó Mỹ thu giữ được nhiều tài liệu tình báo quý giá.

Báo chí Mỹ khẳng định chiến dịch giải cứu con tin cho thấy sự nguy hiểm lực lượng Mỹ phải đối mặt ở Iraq, dù Tổng thống Barack Obama khẳng định binh sĩ Mỹ sẽ không tham gia chiến đấu mà chỉ hỗ trợ, tư vấn cho quân đội Iraq và người Kurd trong cuộc chiến chống IS.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Cook giải thích binh sĩ Mỹ sẽ không thay đổi vai trò hỗ trợ và huấn luyện ở Iraq. “Nhưng họ có quyền tự vệ và bảo vệ đồng minh, ngăn chặn nguy cơ người vô tội thiệt mạng. Đó là những gì đã diễn ra trong chiến dịch này” - ông Cook nhấn mạnh.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên