09/07/2015 02:48 GMT+7

Bùng lên mối lo về an ninh cho châu Âu nếu Hi Lạp rời EU

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Ngày 8-7, thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết, các đề xuất mới nhất của Hi Lạp trong gói nợ thứ 3 đã đạt một bước đi đúng hướng hơn.

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras (đi đầu) bước ra từ nhiệm sở của ông tại Athens - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras (đi đầu) bước ra từ nhiệm sở của ông tại Athens - Ảnh: Reuters

Theo AFP, phát biểu trước quốc hội Pháp, ông Manuel Valls nói: “Yêu cầu lần này là cân bằng và tích cực. Nó cho thấy tinh thần thực sự sẵn sàng tiến về phía trước và cải cách (của Hi Lạp)”. Ông Valls cho rằng đây là “bước quan trọng để có thể tiến tới các thỏa thuận”.

Bùng nổ chi phí nhập khẩu

Cũng theo ông Valls, việc giữ cho Hi Lạp ở lại Eurozone là “vấn đề chính trị quan trọng bậc nhất”. Ông nói: “Việc rời khỏi khối chắc chắn sẽ gây ra sụt giảm doanh thu, bùng nổ chi phí nhập khẩu trong đó có các nhu yếu phẩm, cùng hàng loạt các hệ lụy chính trị và xã hội khác mà không ai trong chúng ta có thể đoán được. Đó có phải là những gì chúng ta muốn xảy đến với người dân Hi Lạp không? Đó có phải là hình ảnh châu Âu chúng ta muốn trưng ra với thế giới không?”

Tuy nhiên ông Valls cũng kêu gọi chính phủ Hi Lạp cần hành động và “tự cứu mình”. Ông cũng nói không phải nước Pháp đang “dung túng” chính phủ Hi Lạp mà chỉ là đang hành động để giúp đỡ một quốc gia trong eurozone “vì những lợi ích chung”.

Hi Lạp đã chính thức đệ trình một đề xuất vay nợ mới thứ 3 lên các chủ nợ châu Âu. Và cho tới trước đêm thứ năm (9-7), nước này phải đệ trình lên các nhà lãnh đạo Eurozone một bản kế hoạch cải cách để được xem xét cho vay gói nợ mới.

Các đề xuất mới của Hi Lạp được cho là sẽ tập trung vào những thay đổi trong vấn đề thuế và lương hưu. Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB đã quyết định vẫn giữ nguyên mức cứu trợ khẩn cấp cho Hi Lạp là 89 tỉ Euro. 

Nguy cơ an ninh lớn

Trong khi đó, nhiều chuyên gia đánh giá nếu Hi Lạp phải rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sự kiện này không chỉ gây ra bất ổn tài chính với toàn khối, mà còn để ngỏ nguy cơ lớn hơn về an ninh khu vực.

Theo AFP, là đối tác an ninh chủ chốt của phương Tây và có vị trí địa lý nằm trên tuyến đường thâm nhập chính yếu của người nhập cư vào châu Âu, hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ công của Hi Lạp được các chuyên gia chính trị nhìn nhận không đơn thuần chỉ ở nguy cơ bất ổn tài chính.

Thứ nhất, nguy cơ nhãn tiền là làn sóng người nhập cư tìm đường vào châu Âu đang ngày càng tăng. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, theo cơ quan Frontex của EU, Hi Lạp đã vượt qua Italy để trở thành điểm dừng chân của nhiều di dân nhất với hơn 48.000 người nhập cư trái phép.

Ông Thanos Dokos, giám đốc Quỹ Hellenic dành cho châu Âu và chính sách đối ngoại có trụ sở tại Athens nói: “Nếu Hi Lạp suy yếu đáng kể, họ sẽ không thể quản lý những trách nhiệm của mình một cách hiệu quả nữa. Hiện đã có tình trạng thiếu nhiên liệu cho hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển và không còn khả năng hiện đại hóa thiết bị nữa”.

Ông Thanos Dokos tiếp tục: “Chúng ta có thể hình dung tất cả những việc này rồi sẽ còn tồi tệ hơn sau khi Hi Lạp rời eurozone. Nhất là khi hiện tại ngân sách dành cho việc kiểm soát biên giới và ngăn chặn người nhập cư đã rất eo hẹp”.

Lo ngại Nga can thiệp

Vấn đề đi hay ở lại khối của Hi Lạp còn quan trọng với phương Tây bởi vị trí phía đông nam của nước này có vai trò trọng yếu với EU kể từ khi Hi Lạp gia nhập Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) những năm 1950.

Theo đó Mỹ được toàn quyền sử dụng căn cứ quân sự Souda trên đảo Crete trong việc thu thập tin tức tình báo và dùng nơi này làm bàn đạp cho các hoạt động quân sự trên toàn khu vực Bắc Phi và Địa Trung Hải.

Mỹ cũng đã sử dụng hàng loạt các căn cứ quân sự khác của Hi Lạp trong những đợt không kích tấn công Libya năm 2011.

Điều này khác hẳn với quốc gia láng giềng của Hi Lạp là Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng gia tăng các hạn chế hoạt động với căn cứ không quân của Mỹ tại vùng Incirlik tại miền nam nước này.

Mới đây ông Christos Manolas, cựu quan chức quân đội Hi Lạp, trả lời báo điện tử EU Observer cho biết: “Hi Lạp là quốc gia duy nhất trong khu vực đã gia nhập EU từ những năm 80 và gia nhập NATO từ những năm 50. Đó là quốc gia tạo ra an ninh chứ không phải hưởng thụ an ninh”.

Mặc dù NATO sẽ không sớm mất đi quyền sử dụng các căn cứ quân sự nhưng nguy cơ Hi Lạp rời khỏi eurozone, rơi vào khủng hoảng kinh tế sâu và ngày càng tách rời các đồng minh phương tây của nước này đang làm dấy lên những lo ngại ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Một số chuyên gia phân tích chính trị phương Tây bày tỏ lo ngại, tình hình ở Hi Lạp có thể sẽ được Nga tận dụng để chia rẽ các nước châu Âu.

Chuyên gia Andrea Montanino, giám đốc chương trình kinh tế và thương mại toàn cầu của viện nghiên cứu chính sách Atlantic Council (Mỹ) nói: “Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể cung cấp các cứu trợ nhân

đạo cho Hi Lạp để đổi lấy sự ủng hộ của nước này với Nga. Điều này sẽ là vấn đề vì mọi quyết định ở châu Âu về những việc như các lệnh trừng phạt thường đòi hỏi sự nhất trí đồng bộ”.

Tình huống này càng trở nên đáng ngại hơn với phương Tây khi họ cùng lúc phải đối diện với nhiều khủng hoảng, từ cuộc xung đột ở Ukraine đến nguy cơ thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chuyên gia Heather Conley của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington nói: “Châu Âu đã dồn quá nhiều tâm sức cho cuộc khủng hoảng Hi Lạp mà bớt đi tập trung trong việc giải quyết những thách thức rất quan trọng khác như Ukraine, vấn đề đang ngày càng bất ổn hơn theo từng ngày”.

Chỉ trích Mỹ

Chuyên gia Conley cũng chỉ trích Nhà Trắng gay gắt về việc đã không nhìn ra những hậu họa tiềm ẩn lớn hơn trong cuộc khủng hoảng nợ công của Hi Lạp và mối đe dọa của việc đó đối với những lợi ích an ninh của Mỹ.

Ông nói: “Chính quyền của ông Obama chỉ nhìn nhận sự việc tại Hi Lạp là một cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi trên thực tế nó lại là vấn đề chính trị. Họ vẫn tiếp tục ngạc nhiên về sự phân chia nam – bắc xảy ra tại châu Âu, vấn đề chủ nghĩa cực đoan, về sự nổi lên của tư tưởng chống toàn cầu hóa và chống Mỹ”.

Cũng theo ông Ông Thanos Dokos, nếu Hi Lạp rời khỏi eurozone, việc đó có thể sẽ đẩy quốc gia này vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo toàn diện, châm ngòi cho bất ổn xã hội và tạo cơ hội phát triển cho đảng phái dân tộc cực đoan Golden Dawn tại nước này.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hi Lạp Nguy cơ an ninh