Năm 2014 có đến 38 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tránh xung đột, bạo lực, và đây là con số cao nhất từ trước tới nay - Ảnh: Reuters |
Những người này còn được gọi là người tị nạn ngay trên quê hương mình (IDP).
Trong báo cáo công bố ngày 6-5, Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC) và Trung tâm Giám sát về dịch chuyển nội địa (IDMC) cho biết quốc gia có nhiều người chạy loạn nhất là là Iraq, Nam Sudan, Syria, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Nigeria, chiếm 60% tổng số người chạy loạn trên toàn thế giới.
Trong đó, Iraq là nước có nhiều người phải chạy đi nơi khác lánh nạn nhất, với 2,2 triệu người do lo sợ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Tại Syria và Nam Sudan, mỗi nước có 1,1 triệu người phải đi lánh nạn do xung đột và bạo lực.
Tại châu Âu, xung đột ở Ukraine cũng khiến gần 650.000 người sơ tán, và đây là số người sơ tán cao nhất châu Âu trong hơn 10 năm qua.
Các nước khác có nhiều người tị nạn ngay trên quê hương mình là Somalia, Colombia và Pakistan.
Ông Volker Türk thuộc Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết xung đột kéo dài khiến những người này cảm thấy mệt mỏi, bất an và tuyệt vọng. Nhiều người sẽ tìm cách vượt biên, trở thành người tị nạn.
"Như chúng ta đã thấy trong những năm gần đây, chẳng hạn ở Địa Trung Hải, do tuyệt vọng, nhiều người đã tìm mọi cách để thay đổi đời mình, kể cả việc đặt cược sinh mạng bằng cách vượt biển trên những chiếc tàu nguy hiểm", ông nói.
Theo Liên Hiệp Quốc, năm ngoái số người sống như người tị nạn đã vượt quá 50 triệu, cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận