08/04/2015 08:04 GMT+7

​10.000 công chức Trung Quốc “nhảy việc”

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hơn chục ngàn công chức nhà nước Trung Quốc ồ ạt nộp đơn sang lĩnh vực tư nhân xin việc khi cuộc chiến chống tham nhũng đang càn quét sâu vào khu vực nhà nước.

Xếp hàng chờ nộp đơn thi công chức hằng năm ở Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Truyền thông Hong Kong và Trung Quốc cho biết những công bộc này đã không ngần ngại quay lưng với chiếc vé vàng “công chức” để chuyển sang các ngành nghề như đầu tư bất động sản, các tổ chức tài chính và các công ty liên quan đến lĩnh vực mạng của tư nhân.

Hơn 10.000 công chức ra đi

Từ khi mùa tuyển dụng nhân sự ở Trung Quốc bắt đầu hồi tháng 2-2015, hơn 10.000 công chức nhà nước đã nộp lý lịch xin việc thông qua mạng tuyển dụng Zhaopin.com, mạng tuyển dụng lớn nhất nước này.

Theo thống kê của trang web này, số công chức nộp đơn tìm việc trong các doanh nghiệp tư nhân tăng 30% so với cùng kỳ năm 2014.

Báo South China Morning Post dẫn lời nhân viên tư vấn Hoàng Nhược Sơn của trang web cho biết số công chức tìm việc mới hiện đứng đầu danh sách, lấn át hẳn các nhóm đối tượng khác.

Theo cô Hoàng, số “công bộc” này đang hi vọng sẽ dùng kinh nghiệm và những mối liên hệ xã hội họ có được khi còn làm trong khu vực nhà nước để xin được việc làm nhanh hơn.

Đây là một hiện tượng gây bất ngờ đối với giới tuyển dụng lẫn các công ty trung gian. “Trước đây chúng tôi không chú ý lắm đến nhóm này vì rất ít công chức chịu bỏ việc. Tuy nhiên, đó là hiện tượng bất thường trong năm nay, nhiều người trong số họ đang muốn thay đổi công việc” - cô Hoàng cho biết.

Nhật báo Hoa Thương của Trung Quốc dẫn lời cô Kiều Hoàng Nhi, một công chức thuộc doanh nghiệp năng lượng sở hữu nhà nước ở Thượng Hải, cho biết cô muốn “nhảy việc” vì quan ngại cuộc chiến chống tham nhũng diệt cả “hổ lẫn ruồi” mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang chạm đến những doanh nghiệp trong lĩnh vực cô đang làm.

Nếu như vậy thì “chén cơm ăn bằng sắt” (từ mà người Trung Quốc thường dùng chỉ nghề “công bộc”) của cô đang bị lung lay. “Nhiều công chức bậc trung như tôi cũng đang lo lắng điều này” - Kiều cho biết.

Một lý do khác khiến bỏ việc được anh Liêu Thanh giải thích như sau: nghề công chức hiện nay rất khó sống vì người dân đang xem “công chức là những kẻ lạnh lùng, lười nhác và tham lam”.

Quay lưng với “nghề vàng”

Trước đây, người dân Trung Quốc từng mang nặng nỗi ám ảnh phải sở hữu bằng được một chiếc vé “công chức”. Tạp chí Tài Kinh mô tả đây là chiếc vé đảm bảo tương lai vững chắc cho người có nó, với những ưu đãi như mua nhà giá thấp, công việc ổn định, được hưởng ưu đãi bảo hiểm y tế, xã hội...

Chính vì thế, hàng chục triệu người Trung Quốc, trong đó không ít là sinh viên mới ra trường, đã chen chân trong cuộc thi công chức hằng năm, dù phải cạnh tranh khốc liệt với tỉ lệ 1 chọi 87. Thậm chí trong năm 2010, khoảng 16 triệu người trên toàn Trung Quốc đã nộp đơn tranh 16.000 vị trí trong các cơ sở thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên tình trạng đó đã giảm dần trong những năm qua do nhiều người không còn mặn mà với nghề công chức. Nhật báo Hoa Thương của Trung Quốc cho biết trong năm 2014, chỉ còn 1,4 triệu người nộp đơn tranh 22.000 vị trí công chức ở 16/23 tỉnh thành của Trung Quốc. 

Bà Phùng Lệ Quyên, làm việc cho trang web 51job.com chuyên dịch vụ tuyển dụng nhân lực ở Trung Quốc, cho biết những công chức trẻ có chưa tới năm năm kinh nghiệm cũng đang ồ ạt quay lưng với nghề công chức.

Theo bà Phùng, nguyên do là “mức lương công chức” hiện nay đã minh bạch hơn, hành vi của công chức bị soi kỹ hơn, phải chịu nhiều áp lực từ công việc họ đang đảm trách cũng như áp lực của dư luận xã hội. Triển vọng nghề nghiệp cũng “không còn chắc chắn” như trước đây.

Thêm vào đó, những cải cách trong hệ thống lương hưu công chức mà Trung Quốc thực hiện gần đây đồng nghĩa với việc họ sẽ lãnh được ít tiền hơn khi nghỉ hưu.

“Việc làm trong lĩnh vực nhà nước không còn hấp dẫn nhiều người nữa” - bà Phùng kết luận.

Theo nhật báo Thượng Hải, thực tế cho thấy số công chức có chuyên môn dễ tìm việc hơn nhóm công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, nhất là những người ở cấp quản lý cơ sở càng khó tìm việc trong khu vực tư nhân.

Bỏ việc vì áp lực

Cô Giang Doanh - phó giám đốc phòng tài chính cấp quận ở tỉnh Chiết Giang - tiết lộ nhóm “công bộc” như cô chấp nhận bỏ việc vì thường chỉ nhận được đồng lương thấp nhất nhưng phải gánh vác công việc nặng nề nhất với áp lực cao nhất.

“Chúng tôi chỉ có khoảng năm ngày nghỉ mỗi năm, nhưng phần lớn chúng tôi đều không dám nghỉ vì sợ các sếp của mình sẽ không hài lòng” - Giang cho biết. Cô đã nuôi mộng tìm một công việc mới từ năm 2014 nhưng chưa tìm được công việc vừa ý.

 

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên