24/03/2015 08:43 GMT+7

Lý Quang Diệu: trọng dụng hiền tài là bí quyết thành công

VŨ MINH KHƯƠNG  (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore)
VŨ MINH KHƯƠNG (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore)

TT - Sự ra đi của ông Lý Quang Diệu không phải là một sự kiện đột ngột nhưng đó là một sự kiện đầy cảm xúc.

Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu và phu nhân chụp ảnh cùng giảng viên, nhân viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu. Ông Khương đứng sau lưng vợ chồng ông Lý Quang Diệu - Ảnh tư liệu Vũ Minh Khương

Ông Lý Quang Diệu sẽ được nhớ tới không chỉ như một người lãnh đạo có công lớn trong kiến tạo nên thành công kỳ vĩ của quốc đảo Singapore mà còn bởi nhân cách đặc biệt và lối sống bình dị của ông.

Ông cho rằng người lãnh đạo, dù có công lao và quyền lực rất lớn, không nên lấy tên mình đặt cho đường phố. Một tổ chức duy nhất được ông đồng ý cho lấy tên mình là Trường Chính sách công của Đại học Quốc gia Singapore. Có hai lý do thiết thực cho việc này.

Thứ nhất, ông tin rằng đầu tư phát triển Trường Chính sách công có giá trị đóng góp đặc biệt, đặc biệt là ở châu Á. Các quốc gia trong vùng sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều, xứng đáng với tiềm năng của họ nếu họ có một bộ máy quản lý nhà nước và hệ thống chính sách xứng tầm.

Thứ hai, việc mang tên ông sẽ giúp trường phát triển nhanh hơn, cả về uy tín để thu hút sinh viên và khả năng huy động tài chính đóng góp từ các nhà hảo tâm ở châu Á.

Khi được hỏi về sự trường tồn của Đảng Hành động nhân dân (People Action Party, PAP) do ông sáng lập và đã liên tục cầm quyền trong 50 năm này, ông nói rằng cái ông quan tâm hơn cả là sự thành công của Singapore chứ không phải là sự trường tồn của đảng mình. 

Ông Lý Quang Diệu là người không màng đến tích cóp tài sản. Ông cho làm từ thiện toàn bộ số tiền nhuận bút khoảng 12 triệu đôla ông có từ viết sách và làm diễn giả. Ông muốn khi ra đi thật thanh thản, không vướng bận về vấn đề tiền nong.

Về chính trị, có lẽ Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai đầu của ông, là người cuối cùng trong gia đình ông nắm quyền chính trị. Ông cho rằng vì lợi ích của Singapore và của chính ông, tuyệt đối không để người trong gia đình không có đủ năng lực và khát vọng cống hiến vào cương vị chính quyền.

Khi được hỏi tại sao ông không nâng cấp sửa sang lại ngôi nhà đang ở, ông nói rằng ông sẽ cho phá bỏ nó đi sau khi ông qua đời. Lý do khá đơn giản và nhân văn: ngôi nhà quá cũ rồi, tốn phí bảo dưỡng rất lớn.

Đừng để cho chính phủ tương lai phải chịu gánh nặng tài chính để bảo tồn nó. Về kỷ niệm, ông và gia đình đã cho chụp rất nhiều ảnh rồi.

Hơn nữa, sau khi ngôi nhà được phá bỏ, chính phủ sẽ có quy hoạch mới cho phép nhà trong khu vực được xây cao hơn, do đó sẽ làm giá đất trong khu này cao hơn và người dân trong vùng sẽ phấn khởi hơn.

Ông Lý Quang Diệu là người có những nhận xét rất sâu sắc về Việt Nam. Ông cho rằng dân tộc này có những phẩm chất đặc biệt và sẽ có tương lai tươi sáng. Điều quan trọng là quốc gia này có trọng dụng được hiền tài cho thúc đẩy công cuộc phát triển của mình. Trọng dụng hiền tài luôn là điều tâm đắc nhất và cũng là bí quyết thành công đặc sắc nhất của ông.

Các thành công của Singapore, từ Khu công nghiệp Jurong đến cảng hàng không Singapore đều gắn với tên tuổi của những cán bộ ưu tú mà ông trọng dụng. Điều đặc biệt là hiệu ứng dây chuyền trong trọng dụng hiền tài. Người hiền tài một khi được trọng dụng thường phát hiện và tiến cử thêm nhiều người hiền tài mới.

Theo ông Lý Quang Diệu, những đánh giá sâu sắc và khách quan nên để dành cho hậu thế. Thế nhưng, chúng ta, những người được may mắn sống cùng thời với ông, vẫn có thể bày tỏ những cảm nhận tự đáy lòng của mình.

Mời bạn đọc xem:

>> Kỳ 1: Phong cách lãnh đạo độc đáo của Lý Quang Diệu
>> Kỳ 2: Lý Quang Diệu - người chồng lý tưởng
>> Kỳ 3: Ông Lý Quang Diệu dạy con như thế nào?
>> Kỳ 4: Bí quyết tuyển dụng nhân tài của Lý Quang Diệu

VŨ MINH KHƯƠNG (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên