Thủ tướng Shinzo Abe - Ảnh: Reuters |
Vụ giết hại hai con tin, nhà báo Kenji Goto và doanh nhân Haruna Yukawa, khiến nước Nhật bàng hoàng và đau đớn. Tuy nhiên dư âm của nó sẽ còn kéo dài và tác động đến chính sách của Tokyo.
Tờ Time cho biết vụ giết hại xảy ra trong lúc các tranh cãi về kế hoạch an ninh đầy tham vọng của thủ tướng Abe vẫn đang tiếp diễn càng làm giảm sự ủng hộ của người dân đối với chính phủ.
Hoài nghi kế hoạch an ninh của ông Abe
“Ban đầu sẽ có nhiều người tham gia dưới cờ của ông Abe, nhưng đến cuối con đường, ông sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn hơn - Jeff Kingston, giám đốc cơ quan nghiên cứu châu Á thuộc ĐH Temple tại Tokyo, nhận định - Công chúng vẫn còn đang tiêu hóa các sự kiện kinh khủng vừa qua, nhưng rõ ràng nhiều người đã hoài nghi liệu kế hoạch an ninh của ông Abe có giúp Nhật Bản an toàn hơn”.
Kể từ khi nắm quyền, ông Abe đã nỗ lực thúc đẩy chi tiêu quốc phòng, cởi bỏ các giới hạn đang kềm hãm quân đội và theo đuổi một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn. Một phần kế hoạch là nhằm đối phó với sự trỗi dậy về quân sự và các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên nỗ lực đã gặp phải rắc rối lớn khi ông Abe đến Trung Đông tháng trước. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chỉ trích Tokyo đã đánh mất sự trung lập khi cam kết viện trợ 200 triệu USD tại đây và đem mạng sống hai con tin người Nhật ra ngã giá. Cả hai con tin sau đó bị chặt đầu.
Brad Glosserman, giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Honolulu cho biết cuộc khủng hoảng con tin có thể khiến người Nhật muốn tránh xa các rắc rối. Đây là tư tưởng đã hình thành kể từ sau thế chiến thứ hai.
“Đây không phải chuyện qua rồi thôi - chuyên gia quan hệ quốc tế Nancy Snow thuộc Đại học Keio ở Tokyo nhận định thêm - Bài học cho Nhật Bản là không ai có thể miễn nhiễm trước các rắc rối của thế giới”.
Nhiều người cũng quay sang chỉ trích cách phản ứng của chính quyền Tokyo trong vụ bắt con tin đòi tiền chuộc và đã không lường trước được tình hình. Một số bài báo cho rằng chính quyền Tokyo có thể đã biết vụ bắt cóc từ tháng 11-2014.
Một số thông tin còn nói rằng chính phủ có thể đã tìm cách bịt miệng truyền thông để tìm cách thương lượng với bọn bắt cóc.
Động lực để tăng cường quân sự?
Tuy nhiên thủ tướng Nhật cho rằng vụ khủng hoảng con tin cho thấy nhu cầu cần phải tăng cường vai trò quân sự của Nhật trên thế giới. Ông Abe dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc cởi trói cho quân đội tại cuộc tranh luận của quốc hội dự kiến diễn ra trong tháng này. Nhật hiện không tham gia chiến dịch quân sự chống IS do Mỹ dẫn đầu tại Trung Đông.
“Nhật Bản sẽ tiếp tục sứ mệnh cùng cộng động thế giới chống bọn khủng bố” - ông Abe tuyên bố cứng rắn sau vụ giết hại con tin, thậm chí khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Trung Đông.
Ngoài ra, ông Abe cũng cho biết có thể sử dụng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho mục đích bảo vệ công dân ở nước ngoài. Vụ giết hại con tin cho thấy dù được luật pháp cho phép, quân đội Nhật hiện không có thiết bị, kỹ năng hoặc tổ chức hỗ trợ việc giải cứu người ở cách xa nửa vòng trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận