01/02/2015 10:31 GMT+7

​Việt - Mỹ cần xây dựng “nền tảng chiến lược”

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)

TT - Những hoạt động kỷ niệm 20 năm Việt Nam - Mỹ bình thường hóa mối quan hệ đã bắt đầu.

Từ Hà Nội đến TP.HCM, từ Washington đến Boston, những cuộc gặp gỡ, trao đổi, ký kết đưa ra nhiều chỉ dấu hứa hẹn mối quan hệ đối tác toàn diện sẽ phát triển mạnh mẽ.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson và cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng (từ trái qua phải) trò chuyện thân mật trước khi buổi hội thảo bắt đầu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong năm 2014, hai nước đã tiến hành 11 cơ chế đối thoại trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, phát triển, dân chủ, nhân quyền và lao động. Việt Nam xem mối quan hệ Việt - Mỹ là quan hệ “đối tác toàn diện”, trong khi ở Mỹ là “đối tác chiến lược toàn diện”.

Với những mối liên lạc và kênh hợp tác ngày càng dày đặc, liệu đã có một “nền tảng chiến lược” giữa Việt Nam và Mỹ? “Nền tảng chiến lược” được hiểu như một sự “bén rễ” mang tính lâu dài, nhấn mạnh sự thấu hiểu và kỳ vọng lẫn nhau về bản chất của mối quan hệ song phương - không chỉ theo nghĩa hẹp là hợp tác về quân sự.

Hiểu theo nghĩa đó, câu trả lời có lẽ là chưa. Bởi vì mối quan hệ hiện tại chủ yếu tập trung vào trao đổi thương mại, công tác ngoại giao và hợp tác quốc phòng mang tính giới hạn. Một cuộc đối thoại tư tưởng theo nghĩa “bén rễ” các thang giá trị, nguyên tắc hành xử trong xã hội, hình dung về hiện tại cũng như con đường phát triển tương lai giữa hai quốc gia vẫn còn đang trong quá trình khởi động và còn nhiều “dư địa” tiềm năng.

Cuộc đối thoại tri thức - tư tưởng giữa hai quốc gia không những là một phần của sự trao đổi văn hóa mà còn là sự hiểu biết lẫn nhau về nhân sinh quan, cách sống và cả tổ chức xã hội, hoạt động kinh tế và điều hành chính sách.

Hiểu được hệ thống chính trị của Mỹ - cả về mức độ phức tạp lẫn quy trình ra quyết định chính sách - sẽ giúp các đối tác Việt Nam biết được “đường đi nước bước” khi làm việc với chính giới và doanh nghiệp Mỹ, cũng như không bất ngờ trước những hành động hay lời nói, đôi khi “kỳ lạ”, ở bên kia bờ đại dương.

Ngược lại, tận mắt thực địa tình hình xã hội của Việt Nam, hay hiểu cội nguồn cách lý giải của những lựa chọn chính sách là cách thức để các giới của Mỹ - cả chính khách, doanh nghiệp lẫn các nhà tri thức, học giả - hiểu, chia sẻ và đồng thuận hơn với những bước đi của Việt Nam nói riêng, và quan hệ Việt - Mỹ nói chung.

Đó còn là phương thức tốt nhất để điều chỉnh và dung hòa những bất đồng hiện tại, và là cầu nối tư duy rút ngắn những dị biệt tương lai.

Những khởi động đầu tiên cho thấy hai bên đang xây dựng nền tảng ban đầu. Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng vọt. Đến năm 2014, con số này là hơn 16.500 sinh viên.

Chương trình Fulbright - như một cầu nối giữa sinh viên, học giả và giới tri thức - và ĐH Fulbright hiện tại là dấu ấn lớn nhất trong những nỗ lực thúc đẩy quan hệ giáo dục. Đây cũng xem như một “bài học thành công” cho các dự án khác đang thành hình.

Một dấu ấn khác là nỗ lực thấu hiểu lẫn nhau theo kênh “người dân với người dân” thông qua Sáng kiến về hạ lưu sông Mekong (Lower Mekong Initiative - LMI). Từ năm 2009, nông nghiệp và an ninh lương thực được bổ sung vào trọng tâm của LMI.

Mỹ và Việt Nam là đồng chủ tịch trong trụ cột về môi trường và nguồn nước của LMI. Tại Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Bến Tre..., những ý tưởng đang được kết nối tìm sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam không chỉ với các vấn đề kỹ thuật, mà còn là định hình quan điểm và thế giới quan về “thách thức biến đổi khí hậu” trong tương lai.

“Nền tảng chiến lược” từ con người, vì con người và cho con người là nền tảng vững chắc nhất để hai nước đi tiếp những chặng đường sắp tới.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên