Khách bộ hành leo rào qua đường. Ở Ấn Độ, người đi bộ và xe hơi thường không nhường nhau - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, trong một thập kỷ qua đã có khoảng 1,2 triệu người Ấn Độ thiệt mạng trong các tai nạn giao thông, tức trung bình cứ bốn phút có một người chết. Ngoài ra, số người bị thương nặng vì tai nạn giao thông trong 10 năm qua là 5,5 triệu.
Tai nạn đường bộ ở Ấn Độ tăng gấp rưỡi trong vòng 10 năm.
Ấn Độ được coi là có hệ thống đường bộ nguy hiểm và chết chóc nhất thế giới, kết quả của việc các tài xế không được đào tạo, việc thực thi luật pháp lỏng lẻo, đường cao tốc được bảo trì kém và nhiều xe hơi không thông qua các kiểm nghiệm va chạm cần thiết.
Nhân viên ngân hàng Rakesh Pillai nói: “Ở Ấn Độ, hầu hết lái xe không nhường ai hết. Xe hơi không nhường người đi bộ, người đi bộ cũng chẳng việc gì nhường xe hơi”.
Pillai, 31 tuổi, sau bao năm đi xe đạp và xe máy, anh vừa tậu một chiếc Suzuki Wagon R màu trắng đang bán rất chạy ở Ấn Độ. Dù trong nhà chẳng ai biết lái xe nhưng Pillai ngay lập tức lái chiếc xe đi lòng vòng mặc cho việc anh ta suýt đâm trúng hai khách bộ hành, làm trầy xước cửa xe khi ôm cua, đụng trúng tường khi lùi xe.
Chính phủ Ấn Độ đang đề xuất mức phạt nặng hơn, thậm chí phạt tù đối với những lái xe gây nguy hiểm. Kế hoạch năm năm của Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ lập ra một cơ quan chuyên trách về an toàn đường bộ, áp đặt các quy định khắt khe hơn về sản xuất xe hơi và công nghệ, nhất là quá trình kiểm nghiệm va chạm xe.
Lái xe nào vượt quá tốc độ hoặc uống rượu bia rồi lái xe sẽ có nguy cơ bị phạt tới 800 USD và cả nguy cơ ngồi tù. Hiện mức phạt cho chạy quá tốc độ chỉ là 16 USD và uống rượu rồi lái xe là 50 USD.
Đề xuất về siết chặt quản lý an toàn giao thông bắt đầu được chú trọng sau cái chết của Bộ trưởng Phát triển nông thôn Gopinath Munde hồi tháng 6. Ông Munde là một đồng minh thân cận của Thủ tướng Narenda Modi và là chính trị gia cấp cao thứ ba thiệt mạng vì tai nạn giao thông kể từ năm 2000.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận