24/10/2014 08:01 GMT+7

​Trung Quốc chưa quyết định số phận của Chu Vĩnh Khang

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Trái với mong đợi, Hội nghị trung ương IV Trung Quốc, bế mạc hôm qua, chưa đưa ra quyết định chính thức đối với nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.

Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang - Ảnh: Reuters
Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang - Ảnh: Reuters

Theo Tân Hoa xã, Hội nghị trung ương IV ra quyết định khai trừ đảng năm quan chức, bổ nhiệm ba quan chức vào Ủy ban Trung ương đảng và thông qua “một số quyết định quan trọng về việc thúc đẩy toàn diện pháp trị trong cả nước”.

Các quan chức bị rút thẻ đảng bao gồm cựu thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, cựu bí thư Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, bí thư thành phố Quảng Châu Vạn Khánh Lương, chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân. Đa số các quan chức nêu trên đều là đồng minh thân cận của Chu Vĩnh Khang.

Giới quan sát dự đoán các hình thức kỷ luật đối với ông Chu sẽ được đưa ra tại Hội nghị toàn thể lần thứ IV của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) diễn ra ngày 25-10 tại Bắc Kinh.

Hội nghị cũng quyết định đưa ba ủy viên dự khuyết Mã Kiến Đường, Vương Tác An và Mao Vạn Xuân vào danh sách Ủy ban Trung ương đảng.

Hội nghị thông qua các bước cải cách nhằm giúp thẩm phán độc lập hơn và hạn chế sự can thiệp của các lãnh đạo đối với tòa án. Đây là lần đầu tiên “pháp trị” trở thành chủ đề chính của Hội nghị trung ương Trung Quốc.

Hội nghị trung ương IV đề xuất thiết lập cơ chế lưu hồ sơ, thông báo và truy cứu trách nhiệm đối với các lãnh đạo nhúng tay vào các vụ án hoặc can thiệp vào trình tự tư pháp.

Hội nghị thiết lập cơ chế thẩm tra tính hợp pháp của các quyết sách quan trọng, kiểm tra trách nhiệm các cấp (từ cao xuống thấp) và chế độ truy cứu trách nhiệm trọn đời đối với cá nhân, đội ngũ đưa ra các quyết sách quan trọng.

Các chính sách, quyết sách hành chính quan trọng, buộc phải tuân theo các trình tự theo quy định pháp luật: có sự tham gia của công chúng, nhận xét của chuyên gia, đánh giá rủi ro, được thẩm tra một cách hợp pháp và thảo luận tập thể.

Theo Tân Hoa xã, hội nghị lần này bao gồm sáu nhiệm vụ chính:

1. Hoàn thiện thể chế pháp luật đặc sắc Trung Quốc lấy việc lấy hiến pháp làm trung tâm, tăng cường việc thực thi pháp luật.

2. Quản lý hành chính theo pháp luật, đẩy mạnh việc thiết lập một chính phủ pháp trị.

3. Bảo đảm tư pháp công minh, nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống pháp luật.

4. Nâng cao quan niệm pháp trị của người dân, thúc đẩy thiết lập một xã hội pháp trị.

5. Đẩy mạnh xây dựng đội ngũ công tác pháp trị.

6. Đẩy mạnh và cải tiến sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thúc đẩy toàn diện pháp trị.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên