15/01/2013 06:14 GMT+7

Pháp tham chiến ở Mali

MỸ LOAN - TẤN KHOA
MỸ LOAN - TẤN KHOA

TT - Ngày 14-1(giờ Mỹ), Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận về xung đột ở Mali trong khi đang diễn ra một cuộc tấn công quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát một phần đất nước nhỏ bé này từ tay phiến quân Hồi giáo.

Pháp tiếp tục không kích Mali

34plP42k.jpgPhóng to
Máy bay chiến đấu Mirage 2000D của Pháp. Những ngày qua Pháp đã dùng máy bay không kích quân Hồi giáo ở Mali - Ảnh: Reuters

Theo AFP, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố khởi động chiến dịch “Mèo sa mạc” mở màn cho sự can thiệp quân sự của Pháp vào Mali từ ngày 11-1. Ngày 13-1, máy bay chiến đấu Pháp đã mở rộng phạm vi tấn công của mình vào các khu vực do quân Hồi giáo kiểm soát khi tiếp tục giội bom xuống thành phố Gao ở Mali.

Quyết định này gây bất ngờ cho dư luận quốc tế và cả dân Pháp vốn đã quen với cảnh sống yên bình. Reuters dẫn lời chuyên gia Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, nhận định đó là hệ quả của các cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở miền nam Mali. “Đã có sự thay đổi đột ngột trong diễn biến tình hình tại Mali”.

Chiến sự ác liệt

AFP cho biết hơn 60 quân Hồi giáo đã thiệt mạng dưới những đợt bom của quân đội Pháp xuống các căn cứ của lực lượng này ở gần thành phố Gao. Người dân ở đây mô tả nhiều thi thể nằm dọc một con đường dẫn vào thành phố và căn cứ của quân Hồi giáo. “Buổi tối, những người Hồi giáo nấp trong nhà dân mới lộ diện để nhặt thi thể đồng đội. Tất cả các căn cứ của họ ở Gao đã bị phá hủy và các phiến quân đang tháo chạy” - một cư dân cho biết.

CNN dẫn nguồn tin an ninh cho biết ở thành phố trọng yếu Konna, các nhóm Hồi giáo cực đoan đã giành được quyền kiểm soát từ hôm 10-1. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó họ đã phải thoái lui do bị quân chính phủ tấn công phối hợp trên không và trên bộ. Đài truyền hình Mali cho biết quân chính phủ cũng chịu tổn thất nặng nề trong các cuộc đụng độ trước đó. Khoảng 11 binh sĩ thiệt mạng và 60 người khác bị thương ở Konna. Một phi công Pháp cũng đã thiệt mạng trưa 11-1 trong trận càn đối với nhóm khủng bố ở thành phố Mopti, gần Konna.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết cuộc tiến quân của các nhóm Hồi giáo cực đoan đã bị chặn đứng. Paris cũng đề nghị Algeria cho phép máy bay Pháp bay vào không phận của nước này để không kích những căn cứ của quân Hồi giáo ở phía bắc Mali.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết máy bay chiến đấu của Pháp đã thả bom các doanh trại và nhiều mục tiêu khác của quân Hồi gíáo. Paris cũng đã triển khai khoảng 550 lính bộ binh ở Mali. Lực lượng này sẽ phối hợp với binh lính của các quốc gia châu Phi xung quanh cùng tham chiến.

Mạo hiểm?

Quyết định can thiệp của Pháp vào Mali đang bị cho là hành động mạo hiểm, có thể khiến các nhóm Hồi giáo cực đoan trả thù khủng bố ở “trái tim” nước Pháp như họ đe dọa. Theo CNN, các nhóm quân Hồi giáo thừa nhận bị tổn thất nặng nề trong các cuộc đối đầu với quân đội chính phủ và Pháp, song họ tuyên bố sẽ không dừng cuộc chiến.

Nhà nghiên cứu Jean Pierre Maulny tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (trụ sở ở Paris) nhận định: “Pháp đang đối mặt với nguy cơ mắc kẹt tại Mali trong một thời gian dài”. Sajjan Gohel, giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (trụ sở London), cho rằng để tránh bị lún sâu thì “mục đích của sứ mệnh ở Mali nên được giới hạn về quy mô, nhưng phải đặt ra những chiến lược cụ thể”.

Các đồng minh phương Tây như Mỹ và Anh đều lên tiếng ủng hộ hành động can thiệp của Pháp. Lầu Năm Góc đang cân nhắc đề nghị hỗ trợ kỹ thuật và tình báo cho Pháp trong chiến dịch tại Mali. Còn Thủ tướng Anh David Cameron đã điều hai máy bay vận tải C-17 giúp vận chuyển binh sĩ và vũ khí đến Mali.

Hollande xây dựng hình ảnh mới

Tổng thống Pháp Hollande thường bị chỉ trích là thiếu quyết đoán. Do đó vụ không kích ở Mali khiến nhiều người vô cùng kinh ngạc, bởi ông Hollande ra quyết định can thiệp chỉ trong nửa ngày. Tuy chưa rõ tương lai chiến dịch sẽ đi tới đâu, nhưng giới quan sát cho rằng sự kiện Mali có lẽ là một bước ngoặt trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Hollande: cứng rắn và quyết liệt hơn.

“Đây là lần đầu tiên ông Hollande biết nắm bắt thời cơ để hành động nhanh chóng mà không cần thủ tục dông dài như thường lệ. Trong một chừng mực thì điều này đã thay đổi hình ảnh của ông ngay lập tức” - báo New York Times dẫn lời chuyên gia quốc phòng François Heisbourg tại Quỹ Nghiên cứu chiến lược ở Paris nhận định.

MỸ LOAN - TẤN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên