31/07/2008 16:32 GMT+7

Hạch tay hay u bao hoạt dịch?

BS LÊ THÚY TƯƠI
BS LÊ THÚY TƯƠI

TTO - Từ năm 16 tuổi mu bàn tay phải của tôi có nổi một cục hạch, đường kính khoảng 1,5cm (không biết gọi là hạch có đúng không), hoàn toàn không đau, không nhức (ấn vào cũng không sao), không có biểu hiện gì khác thường về sức khỏe, hạch nổi khoảng 3-4 tháng thì hết.

Sau đó năm 17, 18 tuổi thì nó lại nổi rồi hết cũng khoảng 3-4 tháng, có lúc ở tay phải, lúc ở tay trái, cũng có lúc ở hai tay (mỗi lần hạch xuất hiện cách nhau khoảng 2-3 tháng).

Bây giờ thì tôi 20 tuổi và hạch đang nổi ở tay trái, lần này hạch đã nổi 13 tháng và to hơn những lần trước (đường kính gần 2,5cm) và cũng hoàn toàn không đau.

Vì cứ nghĩ nó sẽ hết như những lần trước nên tôi không đi khám, nhờ Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ cho biết tôi bị hạch gì, có lành tính không, có cần mổ không và chi phí điều trị là bao nhiêu?

Lê Nguyễn Đông Thuận

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Cứ như bạn kể thì tôi đoán bạn bị u nang bao hoạt dịch. Thông thường gặp tại khớp cổ tay, khớp bàn ngón và khớp liên đốt ngón tay. U nang bao hoạt dịch là một khối tròn, mềm, sờ nhẵn, ít di động, có lúc nhỏ đi, lúc to ra, có thể đau hay không. Khi đau, nhiều người lo lắng tưởng là hạch hoặc khối ung thư! Riêng những suy nghĩ kiểu đó đã gây chấn động tâm lý, có người bấn loạn.

U nang bao hoạt dịch có thể do cử động khớp nhiều (như chơi thể thao không khởi động) làm bao khớp lỏng lẻo, dịch khớp thoát ra gây hiện tượng thoát vị mà biểu hiện lâm sàng là khối u mà bạn gọi là hạch. U nang bao hoạt dịch không gây viêm, không đau thì chưa cần điều trị. Đây là bệnh lành tính.

Tuy nhiên cần lưu ý u nang bao hoạt dịch có thể bị viêm.

Trên cơ thể mỗi một khớp động đều được bọc trong một bao khớp. Lớp màng lót trong của bao này gọi là màng hoạt dịch tiết ra một chất dịch quánh để bôi trơn khớp. Khi màng hoạt dịch bị viêm sẽ gây bệnh viêm màng hoạt dịch. Viêm màng hoạt dịch có thể là cấp tính (xảy ra đột ngột và trong thời gian ngắn), do chấn thương, sử dụng khớp quá nhiều hoặc do nhiễm khuẩn, hoặc có tính chất mãn tính (tái phát hoặc dai dẳng) như trong viêm khớp dạng thấp.

Nếu màng hoạt dịch bị viêm sẽ tiết dịch với lượng bất thường làm khớp bị sưng lên, đau, thường nóng và đỏ. Để xác định nguyên nhân gây bệnh, phải hút dịch khớp để làm xét nghiệm hoặc sinh thiết màng hoạt dịch.

Bạn Thuận thân mến, hiện bạn chưa cần làm gì. Có điều khi vận động bàn tay cần lưu ý đừng làm động tác quá mạnh. Nếu bạn vẫn còn lo lắng thì hãy đến khoa ngoại của bệnh viện để được tư vấn thêm.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS LÊ THÚY TƯƠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên