01/10/2016 08:41 GMT+7

​Rối loạn tiêu hóa: Xử trí và phòng bệnh cho trẻ dưới một tuổi

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp ở trẻ dưới một tuổi với những biểu hiện nôn trớ, đầy hơi, trào ngược, chướng bụng, đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón…

Những biểu hiện này xuất hiện trong quá trình nuôi trẻ liên quan đến bữa ăn, thức ăn và cách cho con ăn. Những rối loạn này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa, làm cho trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển về trí tuệ, thể chất, nếu để trẻ bị tiêu chảy nhiều lần kéo dài dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải… Do đó, các bậc phụ huynh cần biết cách xử trí và phòng bệnh cho trẻ.

Một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa cần quan tâm

- Nôn trớ: sau khi sinh dạ dày của bé còn nhỏ, ở tư thế nằm ngang nên khi bú xong thức ăn dễ trào ra ngoài khi bế trẻ ở tư thế không thích hợp. Tình trạng nôn trớ của bé gọi là nôn trớ sinh lý, có khoảng 75-80% trẻ em bị nôn trớ sẽ tự khỏi sau một tuổi.

- Táo bón: biểu hiện trẻ đi ngoài không thường xuyên có thể 2 -3 ngày đi một lần, phân khô rắn đóng khuôn, trẻ thường biếng ăn, nôn trớ, quấy khóc, đau bụng, không tăng cân, chậm lớn…

- Tiêu chảy: tiêu chảy là hiện tượng đi ngoài ra phân lỏng thường do vi khuẩn (Echoli), ký sinh trùng, đặc biệt tiêu chảy ở trẻ dưới một tuổi thường do Rotavirus gây ra. Biểu hiện của tiêu chảy là: đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, trẻ chán ăn, nôn trớ, sốt, mất nước rối loạn điện giải, mức độ nặng điều trị không kịp thời có thể gây tử vong…

Cách xử trí và phòng bệnh

* Khi trẻ bị nôn trớ các bà mẹ cần thực hiện:

- Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần bú không quá no.

- Cho trẻ bú đúng tư thế, giúp trẻ ngậm sâu vào quầng vú mẹ, không để trẻ ngậm vú lửng lơ. Vì để trẻ bú không đúng cách làm cho trẻ nuốt nhiều hơi dẫn đến đầy hơi và nôn trớ.

* Khi trẻ bị táo bón các bà mẹ cần làm:

- Cho trẻ uống nhiều nước trong ngày (nên dùng nước đun sôi để nguội).

- Không cho trẻ ăn dặm quá sớm (trước 5 tháng tuổi).

- Trẻ đến tuổi ăn dặm cần cho ăn thêm rau, quả như: khoai lang, mồng tơi, cà rốt, cải bắp, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi …

- Chọn sữa thích hợp, pha sữa đúng cách, không pha sữa quá đặc.

* Khi trẻ bị tiêu chảy các bà mẹ cần làm:

- Cho trẻ bú nhiều hơn bình thường.

- Cho trẻ uống Oresol bù điện giải tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện mất nước cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị.

- Cho trẻ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus.

Hiện nay có hai loại vắc-xin uống ngừa tiêu chảy do Rotavirus:

• Vắc-xin Rotarix (dạng uống): có tác dụng phòng ngừa viêm dạ dày-ruột do Rotavirus. Phác đồ phòng ngừa uống 02 liều, liều đầu tiên cho trẻ uống lúc 6 tuần tuổi, liều 2 cách liều 1 ít nhất 1 tháng, liếu lượng uống1,5ml/lần. Lưu ý: 2 liều vắc-xin Rotarix uống dự phòng phải hoàn thành trước 6 tháng tuổi, trẻ đã uống liều đầu tiên bằng Rotarix thì liều thứ 2 cũng phải uống bằng Rotarix.

• Vắc-xin Rotateq (dạng uống): Có tác dụng phòng ngừa viêm dạ dày-ruột do Rotavirus. Phác đồ phòng ngừa cho trẻ uống 3 liều vắc-xin, liều đầu cho trẻ uống khi 8-12 tuần tuổi các liều tiếp theo cách nhau ít nhất 1 tháng, hoàn thành liều thứ 3 trước khi trẻ được 8 tháng tuổi, liều uống 2ml/lần.

Điều quan trọng là không nên trì hoãn việc uống vắc-xin phòng ngừa Rotavirus, vì chủ động uống vắc-xin giúp bảo vệ sức khỏe cho bé yêu của bạn.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên