18/08/2017 15:40 GMT+7

​Tiểu đường, một căn bệnh phổ biến hiện nay

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn

Tiểu đường là một nhóm các bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi đường huyết cao do khiếm khuyết về bài tiết insulin của tuyến tụy tạng và hoạt động của insulin hoặc cả hai.

Bệnh gắn liền với các biến chứng ở nhiều cơ quan như não, thần kinh, thận, mắt, mạch máu và đặc biệt là tim mạch. Các biến chứng này kết hợp cùng với các yếu tố căng thẳng về tâm lý không chỉ làm cho chất lượng cuộc sống bị suy giảm mà còn làm hao tổn cả tuổi thọ của con người.

Nghiên cứu cho thấy người bị mắc bệnh tiểu đường ở tuổi từ 40 đến 49 sẽ mất đi trung bình 10 năm cuộc sống.

Các yếu tố ảnh hưởng đến đường huyết

- Lượng đường hấp thu vào máu

Khi đường được hấp thu vào máu qua ăn uống làm tăng đường huyết. Tuy cơ thể có cơ chế điều hòa nhưng nếu lượng đường hấp thu vào quá nhiều có thể làm tăng đường huyết.

- Hoạt động của các mô trong cơ thể

Trong cơ thể có 2 cơ quan chính có vai trò quan trọng trong điều hòa đường huyết là gan và cơ vân. Hai cơ quan này có nhiệm vụ như là kho dự trữ đường của cơ thể. Khi đường huyết tăng, chúng nhận thêm đường và khi đường huyết hạ, chúng đưa thêm đường vào máu. Nhờ đó đường huyết giữ được tình trạng ổn định.

- Vai trò của các tuyến nội tiết và hệ thần kinh giao cảm

Insulin và glucagon là hai hormone chính điều hòa đường huyết bằng cách đưa thêm đường vào máu dưới tác dụng của glucagon hoặc lấy bớt đường ra khỏi máu dưới tác dụng của insulin; các kho dự trữ đường là gan và cơ vân. Ngoài ra, các hormone khác như GH, T3, T4 cũng là các chất làm tăng đường huyết. Hệ thần kinh giao cảm cũng có vai trò làm tăng đường huyết qua việc kích thích các catecholamin.

Khi đường huyết tăng cao vượt quá ngưỡng và khả năng của thận, đường sẽ được đào thải theo nước tiểu gây nên bệnh tiểu đường.

Triệu chứng và chẩn đoán xác định bệnh

Bệnh tiểu đường thường có 4 triệu chứng chính:

- Ăn nhiều: người bệnh ăn nhiều hơn bình thường, hay đói phải ăn thêm;

- Uống nhiều: người bệnh hay khát nước, uống nước nhiều;

- Tiểu nhiều: người bệnh đi tiểu nhiều về số lượng và số lần. Nước tiểu có thể có ruồi bu, kiến đậu;

- Gầy sút nhanh: người bệnh bị sút cân nhanh mặc dù vẫn ăn nhiều.

Bốn triệu chứng trên đây là các triệu chứng điển hình và thường thấy rõ ở những bệnh nhân tiểu đường type I. Ở các bệnh nhân tiểu đường type II, những triệu chứng trên có thể không rõ ràng và trong một số trường hợp người bệnh có thể chỉ có một trong các triệu chứng như gầy, sút cân và thường đi khám bệnh vì biểu hiện các biến chứng như hay có mụn nhọt, hay bị tê chân tay, mờ mắt do đục thủy tinh thể...

Chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường thường căn cứ vào một trong ba tiêu chuẩn:

- Đường huyết lúc đói hay nhịn đói qua đêm ≥ 7 mmol/L hay ≥ 126 mg/dL.

- Đường huyết bất kỳ ≥ 11,1 mmol/L hay ≥ 200 mg/dL và có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh tiểu đường.

- Đường huyết ≥ 11,1 mmol/L hay ≥ 200 mg/dL trong nghiệm pháp tăng đường huyết bằng cách uống 75 g glucose và đo đường huyết sau 2 giờ.

Biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường thường gây các biến chứng cấp tính như hôn mê tăng thẩm thấu, hôn mê nhiễm toan-ceton và biến chứng mạn tính hay gặp sau nhiều năm mắc bệnh.

- Hôn mê tăng thẩm thấu thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type II. Khi đường huyết tăng quá cao, trong lúc đó bệnh nhân uống nước không đủ để bù lại dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước nghiêm trọng, áp lực thẩm thấu của máu tăng theo gây ra hôn mê.

Biến chứng này thường xảy ra ở người bệnh tiểu đường khi có thêm một tình trạng bất thường khác như nhiễm khuẩn, uống không đủ nước, dùng thuốc lợi tiểu gây mất nước hoặc dùng thêm thuốc làm tăng thêm đường huyết như loại thuốc nhóm steroide. Triệu chứng bao gồm tình trạng ý thức chậm chạp rồi dẫn đến hôn mê kèm theo dấu hiệu mất nước nặng.

Xét nghiệm đường huyết tăng cao đến 1.000 ng/L, tương ứng với 55,5 mmol/L. Điều trị chủ yếu bằng cách bù nước nhanh, trung bình khoảng 10 lít, bù điện giải và kiểm soát đường huyết bằng insulin. Các yếu tố gây khởi phát tình trạng hôn mê cũng cần được điều chỉnh.

- Hôn mê nhiễm toan-ceton thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường type I. Biến chứng này xảy ra khi người bệnh tiểu đường bị thiếu quá nhiều insulin gây ra rối loạn chuyển hóa làm máu nhiễm toan và ceton.

Biến chứng cũng thường xảy ra ở người bệnh tiểu đường type I bị nhiễm trùng, chấn thương làm cho việc sử dụng insulin không đủ hoặc bị sai sót trong khi tiêm insulin, tiêm không đủ liều. Cũng có thể xảy ra ở người bệnh tiểu đường type II nếu bệnh nhân có thêm các tình trạng stress như chấn thương, phẫu thuật, sinh nở, nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim cấp tính...

Triệu chứng bao gồm đi tiểu nhiều, buồn nôn và nôn, đau bụng nhất là ở trẻ em; sau đó ý thức kém dần và bệnh nhân đi vào hôn mê. Các dấu hiệu lâm sàng bao gồm dấu hiệu mất nước, nhịp thở nhanh kiểu nhiễm toan gọi là nhịp thở Kussmaul.

Làm xét nghiệm sẽ thấy đường huyết cao vừa, pH máu và bicarbonate máu giảm. Điều trị chủ yếu bao gồm bù nhanh và đủ dịch, kiểm soát đường máu cao và ceton máu cao, tránh hạ kali máu và điều chỉnh các yếu tố khởi phát như nhiễm trùng.

- Biến chứng mạn tính thường gặp sau nhiều năm bị mắc bệnh và xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau như mạch máu lớn, mạch máu nhỏ, thận, thần kinh, nhiễm trùng...

- Biến chứng mạch máu lớn gây tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim cục bộ, xơ vữa động mạch, đau cách khoảng do tắc động mạch...

- Biến chứng mạch máu nhỏ gây bệnh võng mạc do tiểu đường dẫn đến bong võng mạc hoặc chảy máu hoàng điểm dẫn đến mù.

- Biến chứng thận do tiểu đường xảy ra từ mức độ nhẹ là xuất hiện proteine niệu đến mức độ nặng là suy thận.

- Biến chứng thần kinh gây bệnh viêm đa dây thần kinh do tiểu đường, bệnh đơn dây thần kinh do tiểu đường, bệnh hệ thần kinh tự động do tiểu đường. Biến chứng thần kinh dẫn đến tê yếu chân tay, rối loạn cảm giác, loét chi và bị cắt cụt chi.

- Biến chứng nhiễm trùng do tăng đường huyết làm suy giảm hệ thống miễn dịch tế bào, vì vậy bệnh nhân dễ bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm. Người bệnh dễ bị mắc các loại bệnh nhiễm trùng như lao, viêm lợi, nhiễm trùng ngoài da, mụn nhọt nhất là ở vùng chân; phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiểu, viêm hay nhiễm nấm âm đạo.

Phòng ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường

Các biến chứng của bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa bằng các biện pháp:

- Kiểm soát tốt đường huyết. Kiểm soát đường huyết tích cực bằng thuốc và khám bệnh toàn diện định kỳ để phát hiện các dấu hiệu sớm của các biến chứng và điều trị sớm các biến chứng tim, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, loét chân, proteine niệu, mờ mắt...

- Thay đổi lối sống bằng cách tích cực hoạt động thể lực, tránh béo phì, bỏ hút thuốc lá, giảm uống bia rượu.

- Điều chỉnh chế độ ăn với chế độ ăn giảm cân nếu béo phì, nên giảm chất mỡ.

- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

Hiện nay với các điều kiện phát triển của kinh tế xã hội, bệnh tiểu đường cũng đã có xu hướng phát triển gia tăng. Vì vậy mọi người cần biết những thông tin cơ bản có liên quan đến bệnh tiểu đường, triệu chứng, chẩn đoán, các biến chứng và cách phòng ngừa biến chứng nhằm giảm thiểu những tác hại, ảnh hưởng do bệnh gây nên.

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Tiểu đường