13/06/2017 15:00 GMT+7

​Nghe kém, điếc: khuyết tật có thể phòng tránh được

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Nghe kém (giảm thính lực) ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp, khả năng học tập, làm việc và sức khỏe tâm thần của người bệnh.

Một nửa số các trường hợp giảm thính lực có thể phòng tránh được khi được phòng ngừa sớm.

Nguyên nhân

Giảm thính lực có thể xảy ra ở một tai hoặc cả 2 tai, có thể là bẩm sinh hoặc mắc phải. Giảm thính lực bẩm sinh xuất hiện ngay sau khi trẻ mới sinh hoặc sau một thời gian ngắn sau sinh, nguyên nhân có thể do yếu tố di truyền hoặc do biến chứng của các bệnh lý trong thai kỳ của bà mẹ hay các tai biến khi chuyển dạ, bao gồm: bà mẹ bị các bệnh rubella, giang mai và một số bệnh nhiễm trùng khác trong thời kỳ mang thai hoặc dùng các thuốc gây độc cho tai (thuốc chống sốt rét, một số loại kháng sinh…) trong thai kỳ; trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ bị ngạt ngay lúc được sinh ra, trẻ bị vàng da sơ sinh.

Giảm thính lực mắc phải xảy ra ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do biến chứng của các bệnh nhiễm trùng như viêm màng não, sởi, quai bị (trong các trường hợp này, giảm thính lực thường xuất hiện ngay trong thời kỳ thơ ấu nhưng cũng có thể xuất hiện trễ hơn, khi trẻ lớn); bệnh về tai: viêm tai giữa mạn tính, viêm tai giữa thanh dịch; chấn thương đầu, chấn thương tai; sử dụng các thuốc độc cho tai; tiếp xúc với tiếng ồn (nghe nhạc quá to, vận hành các máy móc có nhiều tiếng ồn…); dần dần giảm thính lực ở người cao tuổi… Trong các nguyên nhân vừa nêu, viêm tai giữa mạn tính là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thính lực ở trẻ em tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Giảm thính lực gây tác hại nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp, khiến trẻ chậm nói, gây khó khăn cho việc học tập của trẻ kể cả học nghề, dẫn đến trẻ bị mù chữ, không nghề nghiệp. Hậu quả là khi trẻ trưởng thành sẽ bị thất nghiệp gây gánh nặng về kinh tế cho đât nước, xã hội. Ngoài ra, do không giao tiếp được với người xung quanh nên người mang khuyết tật này có cảm giác bị cách ly, cô đơn, dễ dẫn đến bệnh trầm cảm.

Phòng ngừa

Một nửa số các trường hợp nghe kém có thể phòng tránh được nếu được dự phòng sớm ngay từ đầu bằng những biện pháp đơn giản: tiêm ngừa vắc-xin phòng các bệnh sởi, quai bị, viêm màng não, rubella cho trẻ em; tiêm ngừa vắc-xin phòng rubella cho nữ thanh niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; thực hiện tầm soát thính lực cho các trẻ sơ sinh có nguy cơ cao (trẻ sơ sinh nhẹ cân, trẻ bị ngạt khi sinh, trẻ bị vàng da sơ sinh…) để phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời; tầm soát, điều trị bệnh giang mai và một số bệnh nhiễm khác cho phụ nữ mang thai; giữ vệ sinh tai, khám và phát hiện, điều trị sớm các bệnh về tai; tránh sử dụng các thuốc độc cho tai nếu không có chỉ định của thầy thuốc; giảm tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn (sử dụng nút tai hoặc mũ chụp tai khi làm việc trong môi trường tiếng ồn, tránh nghe nhạc quá lớn, tránh sử dụng dụng cụ tai nghe liên tục trong thời gian dài...).

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên