06/06/2017 16:30 GMT+7

​Vài điều cần biết về bệnh điếc nghề nghiệp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Điếc nghề nghiệp là do chấn thương âm thanh ở tai, do tiếng ồn ở môi trường lao động đạt đến mức gây hại, tác động trong một thời gian dài, gây nên những tổn thương không hồi phục những tế bào thần kinh ở tai trong.

Tiếng ồn ảnh hưởng đến thính lực

- Về cường độ và tần số: theo quy ước quốc tế là 90dB+ 2,5 hoặc 85dB. Ở Việt Nam quy định mức tiếng ồn gây hại là 85dB. Cường độ và tần số càng cao thì gây hại càng nhiều và nặng hơn. Tiếng ồn công nghiệp gây hại hơn so với những tiếng ồn có nhịp điệu đều đều.

- Về thời gian từ khi tiếp xúc với tiếng ồn cho đến khi bị điếc: thời gian tối thiểu có thể gây điếc nghề nghiệp là 3-6 tháng; nếu trước thời gian đó mà bị điếc thì coi là tai nạn lao động.

Tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Dựa vào tính chất của bệnh, có thể chia điếc nghề nghiệp làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn thích ứng: một số người phản ứng với tiếng ồn lớn với cảm giác lo lắng và khó chịu, nhịp tim và huyết áp tăng, hoặc tăng axit dạ dày. Những người khác cảm giác khó chịu, tức tối như có cái gì bít cái tai lại. Một vài người nghe thấy tiếng ooo trong tai hoặc nghe kém vào cuối giờ làm, nhưng sau khi nghỉ ngơi sẽ nghe như bình thường. Tuy nhiên thời gian hồi phục ngày càng kéo dài hơn từ nửa giờ đến vài giờ sau.

- Giai đoạn tiềm ẩn: triệu chứng thường gặp trong gia đoạn này là nghe kém hoặc nghe không được những âm có tần số cao như tiếng còi hú, tiếng sáo... và có khuynh hướng nói chuyện to tiếng hơn so với bình thường khi tiếp xúc với người xung quanh. Do chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và công việc nên bệnh nhân không để ý và bệnh tiến triển chậm nên tai có thể tự điều tiết để thích ứng.

- Giai đoạn biểu hiện rõ: đây là giai đoạn mà người bệnh nhận thấy rõ nhất là sức nghe của mình có vấn đề, vì tình trạng nghe kém ảnh hưởng đến giao tiếp trong cuộc sống.

Phòng ngừa

Suy giảm thính lực do tiếng ồn có thể ngăn ngừa được. Khi làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, bạn nên sử dụng dụng cụ phòng hộ: loa che tai, nón che phủ tai, nút bịt ai… Những dụng cụ này thường làm giảm từ 20 đến 15dB, nên sẽ đưa cường độ gây hại xuống mức không gây hại. Nên chọn dụng cụ vừa khít với cấu trúc tai của bạn mà không gây khó chịu hoặc kích thích, không ảnh hưởng đến quá trình lao động.

Về phía người quản lý: nên sắp xếp thời gian cho nhân viên được nghỉ ngơi yên tĩnh trong những giờ nghỉ giữa ca làm hoặc nghe nhạc nhẹ với cường độ thích hợp nhằm giúp cơ quan thính giác được phục hồi nhanh sau những giờ tiếp xúc với tiếng ồn.

Khi nhận thấy bản thân có vấn đề về nghe bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hoặc thính học để được kiểm tra và đánh giá toàn diện về sức nghe.

Khi sự suy giảm thính lực chỉ ở mức độ nhẹ, không ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp thì bạn chỉ cần nhờ mọi người nói chuyện chậm lại và rõ hơn để bạn hiểu được nội dung giao tiếp. Nhưng khi sự suy giảm thính lực ngày càng tiến triển xấu, bạn nên sử dụng máy trợ thính để hỗ trợ việc nghe. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng máy trợ thính để lựa chọn cho bản thân cái máy phù hợp nhất.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên