12/05/2017 15:30 GMT+7

​8 loại hạt tốt cho phụ nữ mang thai

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Hạt óc chó, đậu phộng, hạnh nhân, hạt sen… rất tốt cho phụ nữ mang thai.

1. Óc chó (Walnut)

Hạt óc chó giúp phụ nữ có thai bổ sung Omega-3, vitamin E, phốt pho, acid folic và Acid amin L-arginine. Đặc biệt hàm lượng Omega-3 trong quả óc chó lớn hơn 3 lần trong cá hồi, giúp thúc đẩy sự phát triển đại não của thai nhi và trẻ nhỏ. Đặc biệt acid folic trong hạt óc chó kích thích sự phát triển não bộ của thai nhi.

2. Các loại đậu (Beans)

Gồm đậu trắng, đậu xanh, đậu vàng, đậu đỏ, đậu đen, đậu ngự… là nguồn dinh dưỡng sức khỏe cho mẹ và thai nhi vì chúng chứa các thành phần dinh dưỡng gần giống protein động vật. Đậu cũng rất giàu kẽm là một khoáng chất cần thiết để giảm nguy cơ sinh non, nguy cơ trẻ nhẹ cân và chuyển dạ quá lâu gây mệt mỏi kiệt sức cho sản phụ.

3. Hạt hạnh nhân (Almond)

Folate và acid folic trong hạnh nhân là rất cần thiết cho bào thai vì nó ngăn ngừa dị tật bẩm sinh từ lúc thai nhi còn trong bụng mẹ. Hạnh nhân còn là một nguồn tuyệt vời của vitamin E, chỉ cần ăn 25g mỗi ngày có thể cung cấp 70% nhu cầu cơ thể. Chúng cũng chứa một lượng magiê, kali, kẽm, sắt và nhiều Omega-3, một acid béo chưa bão hòa đơn lành mạnh. Chúng cũng chứa nhiều canxi hơn so với các loại hạt khác. Hơn nữa, hạnh nhân rất giàu kẽm và magiê giúp làm giảm nguy cơ sinh non và kích thích sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.

4. Đậu phộng (Peanut)

Trong đậu phộng có chứa hơn 10 loại acid amin cần thiết cho cơ thể con người, giúp kích thích tái tạo tế bào não, tăng cường trí nhớ và làm tăng sự phát triển tư duy. Tuy nhiên khi ăn đậu phộng, không nên bỏ lớp vỏ màu hồng vì nó tốt cho máu và tăng cường sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Cách ăn tốt nhất là nên luộc chín hoặc nấu chín đậu phộng với cháo. Nên tránh ăn đậu phộng chiên vì sự đốt cháy chất dầu sẽ tạo ra nhiều chất aldehyd có hại cho sức khỏe mẹ và bé.

5. Hạt dẻ (Chestnut)

Hạt dẻ chứa nhiều chất đạm, chất béo, canxi, sắt, phốt pho, kẽm và vitamin có khả năng điều tiết lưu lượng máu, kích thích thận hoạt động tốt và đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ bắp. Phụ nữ mang thai ăn hạt dẻ thường xuyên sẽ được khỏe mạnh, có xương tốt hơn và còn giúp làm giảm mệt mỏi trong thai kỳ.

6. Hạt hướng dương (Sunflower)

Hạt hướng dương có chứa nhiều protein hơn các loại hạt khác nhưng mức calo lại thấp hơn. Hơn nữa, hạt hướng dương có chứa nhiều vitamin E và acid béo chưa bão hòa có khả năng cải thiện sức đề kháng, giúp phụ nữ phát tiển tốt và an toàn cho thai nhi trong giai đoạn mang thai và ngăn ngừa sảy thai. Trong hạt hướng dương còn có sắt, kẽm, kali, magiê giúp phòng và tránh chứng thiếu máu. Tránh ăn những hạt có nhiễm nấm mốc, loại quá hạn, hoặc các hạt có tẩm nhiều muối và gia vị.

7. Hạt dưa hoặc hạt bí ngô (Watermelon and Pumpkin)

Ăn hạt dưa cũng như hạt bí không chỉ ngon, mà còn có thể cung cấp cho cơ thể rất nhiều khoáng chất như sắt, kali, nhiều vitamin, chất béo chưa bão hòa và năng lượng... Hạt dưa và hạt bí ngô còn giúp giảm nguy cơ trầm cảm, phụ nữ có thai sẽ có cảm giác thư giãn tinh thần, thần kinh ổn định, có ý thức tỉnh táo và sáng suốt hơn.

8. Hạt sen (Lotus)

Hạt sen có tác dụng phòng chống sảy thai vì nó có tác dụng bảo vệ bào thai trong tử cung và chống lại nguy cơ sảy thai ở phụ nữ, nhất là các thai phụ có dấu hiệu thiếu máu và không đủ chất dinh dưỡng cung cấp cho bào thai trong 3 tháng đầu. Hạt sen rất giàu calci, phosphor, protein có lợi cho thần kinh, thận và lách, nó làm tăng lưu lượng máu đến tử cung để nuôi dưỡng thai nhi đồng thời kích thích sự phát triển của hệ thần kinh và não bộ của bào thai trong những tháng đầu.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên