08/03/2017 12:00 GMT+7

​Bảo vệ răng miệng trong thời kỳ mang thai

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Đồng Nai

Những thay đổi trong quá trình mang thai là rất quan trọng, đặc biệt là vấn đề về răng miệng.

Những bệnh thường gặp là sâu răng, viêm nướu, viêm nướu cấp, viêm nướu triển dưỡng… thường được gọi là viêm nướu do thai nghén, với các biểu hiện: nướu sưng đỏ, đau, dễ chảy máu... Đôi khi nướu răng có thể xuất hiện những khối u (u nướu) nhưng thường ít gặp. 

Nguyên nhân gây các bệnh răng miệng trong thai kỳ

Chủ yếu là do có những thay đổi trong cơ thể:

- Thay đổi về hormone: thường vào tháng thứ 2 của thai kỳ, lượng hormone estrogen và progesterone tăng nhanh làm gia tăng lưu lượng máu tới nướu gây nên tình trạng viêm nướu trầm trọng hơn bình thường. Biểu hiện là đau răng, chảy máu nướu khi đánh răng... hiện tượng này có thể nặng hơn vào tháng thứ 7, 8 và giảm dần vào tháng thứ 9 của thai kỳ. 

- Thay đổi về canxi: nhu cầu canxi cho thai nhi rất cao nên có thể rơi vào tình trạng thiếu canxi làm răng trở nên xốp hơn và làm tăng nguy cơ bị sâu răng. 

- Thay đổi về chế độ dinh dưỡng: những tháng đầu của thai kỳ, việc ốm nghén có thể gây nôn, thèm ăn chua ngọt... nhiều hơn bình thường, việc ăn nhiều thức ăn chứa glucô cũng là một trong những nguyên nhân gây sâu răng cao trong thời kỳ mang thai. 

Cách điều trị và phòng ngừa

Thường đa số các triệu chứng sẽ biến mất khi thai kỳ kết thúc. Tốt nhất cần có các biện pháp chăm sóc thật hợp lý từ trước khi mang thai và kéo dài trong suốt thai kỳ để tránh tình trạng bệnh tái phát nặng hơn. 

- Dùng miếng băng, gạc sạch có kem đánh răng để lau sạch răng nếu bị nôn ói khi chải răng. 

- Nên đánh răng với kem có chứa fluor ít nhất 2 lần một ngày để làm sạch mảng bám trên bề mặt của răng, dùng bàn chải chải nhẹ lên lưỡi để làm sạch các mảng bám trên lưỡi, sử dụng dung dịch súc miệng để tăng khả năng diệt khuẩn, làm sạch miệng. 

- Nên sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch kẽ răng thay vì dùng tăm sẽ làm hở các kẽ răng, dễ dắt thức ăn gây sâu răng. 

- Hạn chế các thực phẩm có nhiều đường, nên sử dụng rau, trái cây tươi, uống nhiều sữa, bổ sung canxi, ăn ít muối và chất béo. 

- Nên đi khám răng định kỳ, lấy cao răng thường xuyên để sớm phát hiện các bệnh răng miệng và có các biện pháp điều trị thích hợp. 

Tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng

Để không bị mắc các bệnh về răng miệng thì biện pháp phòng ngừa vẫn là yếu tố quan trọng nhất, trong đó vệ sinh răng miệng đúng cách và ý thức tự giữ gìn vệ sinh răng miệng cho bản thân tốt sẽ phòng tránh được các bệnh sâu răng, viêm nướu có thể xảy trong thời kỳ mang thai, nếu thai phụ có hàm răng chắc khỏe sẽ là một trong những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển cuả thai nhi. 

Một số vấn đề cần lưu ý

- Cần tránh nhổ răng vào 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ để tránh bị hư thai và sinh non. 

- Không nên sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh bừa bãi vì có những loại thuốc chống chỉ định cho phụ nữ mang thai như Tetracyclin sẽ làm ảnh hưởng đến màu răng (răng sẽ bị sậm màu). 

- Không nên chụp XQ có thể gây sảy thai hoặc dị tật ở thai nhi...

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên