07/03/2017 16:30 GMT+7

​Chăm sóc bàn tay: giữ mãi nét tươi trẻ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Sau khuôn mặt, đôi bàn tay thường thu hút sự chú ý bởi chúng nói lên nhiều điều, từ tuổi tác, sức khỏe, nghề nghiệp, lối sống cá nhân, cá tính…

Bàn tay là nơi tiếp xúc rất nhiều với môi trường qua công việc hàng ngày cho nên da bàn tay rất dễ bị tổn thương nếu chúng ta không biết cách chăm sóc và bảo vệ. Vì thế, chăm sóc bàn tay giữ mãi nét trẻ trung, tươi đẹp là điều mà không ít người quan tâm.

Hóa chất, tẩy rửa… “hứa hẹn” của những bệnh viêm da

Phụ nữ thường tất bật với việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa, giặt đồ, rửa chén hàng ngày… khiến bàn tay thường xuyên tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa… Chính những chất này buộc da tay mất đi vẻ đẹp vốn có, thậm chí trở thành nơi để họ hàng nhà nấm đua “sinh con đẻ cháu” (nấm sống ký sinh trên da, khi môi trường thay đổi chúng phát triển rất mạnh, nhất là vùng kẽ móng) gây viêm móng, biến dạng móng và còn nhiều những bệnh khác về da như:

- Viêm da (chàm) tiếp xúc kích ứng

Xảy ra khi các tác nhân hóa học hoặc vật lý làm tổn thương da nhanh hơn khả năng sửa chữa các tổn thương của da. Viêm da (chàm) thường giới hạn rõ với đỏ da, ngứa, sưng phù, mụn nước, bóng nước và khô bong vẩy. 

Các chất gây kích ứng thường là những chất tiếp xúc hàng ngày như nước, chất tẩy rửa, dung môi, acid, kiềm, keo, hóa chất kim loại dạng lỏng và sự cọ xát. 

Độ nặng của viêm da thường thay đổi và phụ thuộc nhiều yếu tố như: nồng độ và độ mạnh của chất gây kích ứng; thời gian và số lần tiếp xúc; mức độ nhạy cảm của da (dày, mỏng, nhờn, khô, cơ địa dị ứng hoặc các bệnh da có sẵn trước đó); môi trường (nhiệt độ, độ ẩm).

Viêm da tiếp xúc kích ứng có thể gặp ở mọi người, nếu tiếp xúc với chất gây kích ứng đủ mạnh gây tổn thương da. Ở những người bị viêm da thể tạng sẽ dễ bị viêm da kích ứng hơn. Trong trường hợp tiếp xúc với các chất gây kích ứng mạnh như acid hoặc kiềm, có thể gây phản ứng viêm ngay tức thì (vài phút đến vài giờ) với biểu hiện đỏ da, phù nề, bóng nước kèm rát bỏng và đau nhức.Trong trường hợp tiếp xúc với các chất gây kích ứng nhẹ như nước, xà phòng, chất tẩy rửa trong thời gian vài tuần hoặc vài tháng, có thể làm da khô, ngứa, bong vẩy và nứt đau.

- Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng là tình trạng da viêm, ngứa do phản ứng dị ứng với chất tiếp xúc với da. Chất này được gọi là dị ứng nguyên. 

Bệnh thường xuất hiện chậm (12-72 giờ) sau khi tiếp xúc và giảm dần nếu da không còn tiếp xúc với dị ứng nguyên nữa.Các dị ứng nguyên thường gặp như kim loại (nickel, cobalt, chrome), kháng sinh (neomycine, bacitracine), chất bảo quản (paraben, phenoxylethanol,…), cao su hoặc latex (chứa thiuram, carba mix), chất tạo mùi (cinnamic aldehyde), một số thực vật,…

Trong trường hợp cấp tính, da vùng viêm trở nên đỏ, sưng phù, mụn nước hoặc bóng nước kèm ngứa hoặc rát bỏng. 

Trong trường hợp mạn tính, da thường khô, bong vẩy, nứt kèm ngứa và đau giống viêm da tiếp xúc kích ứng.

- Viêm da quanh móng mạn tính

Viêm da quanh móng chỉ tình trạng viêm da ở các nếp quanh móng. Viêm da quanh móng mạn tính thường tiến triển chậm, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm và có thể gây tổn thương móng.

Bệnh thường bắt đầu ở một nếp quanh móng sau đó lan dần qua các nếp khác. Nếp móng bị tổn thương sẽ trở nên sưng phù, đỏ, nhô cao và tách ra khỏi đĩa móng. Một số trường hợp có thể ấn ra mủ trắng, vàng hoặc xanh nhất là ở nếp móng gần.

Đĩa móng trở nên bị biến dạng và có rãnh ngang khi phát triển. Móng đổi màu vàng hoặc xanh và dễ gãy. Sau khi phục hồi, móng thường mất đến một năm mới mọc trở lại bình thường.

- Viêm da quanh móng do Candida

Nguyên nhân của viêm quanh móng mạn tính thường do nhiều vi sinh vật và/hoặc các bệnh gây viêm da khác như viêm da tiếp xúc, vẩy nến,… Thường gặp nhất là sự kết hợp giữa vi nấm chủng Candida và vi trùng gram âm. Bệnh thường gặp ở những người mà bàn tay thường xuyên tiếp xúc với nước như nông dân, đánh cá, nội trợ và bán nước giải khát.

Điều trị bằng cách giữ tay khô và sạch, tránh công việc ngâm nước nhiều, giữ móng tay sạch sẽ, rửa sạch bàn tay bằng xà phòng và rửa sạch lại bằng nước, không để da bàn tay quá khô bằng cách thoa giữ ẩm, thoa chống nấm thích hợp ngày 2 lần quanh nếp móng, nếu cần điều trị một đợt thuốc chống nấm đường uống theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da.

Giữ vẻ đẹp, trẻ trung cho bàn tay

Ai ai cũng đều có bị viêm da vùng bàn tay nếu ta không biết cách chăm sóc và bảo vệ. Để giữ vẻ đẹp, tươi trẻ cho làn da tay, bạn cần:

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với xà phòng, chất tẩy, bột tẩy hoặc các hóa chất kích ứng tương tự bằng cách mang găng tay chống nước bằng cao su hoặc vinyl. Găng tay vinyl tốt hơn cao su do một số người có thể dị ứng với cao su. Loại găng tay này luôn có sẵn tại các tiệm bán sơn hoặc đồ điện gia dụng. Hãy chuẩn bị 4-5 đôi găng để luôn có sẵn trong nhà bếp, nhà tắm và phòng giặt. Nếu găng bị thủng hoặc rách, hãy bỏ ngay. Mang một găng tay thủng còn tệ hơn không mang găng tay.

- Lựa chọn găng tay chống nước tốt, để bên trong găng luôn khô. Nếu cần mang thêm một găng tay vải bên trong.

- Mang găng tay chống nước trong lúc lột và vắt chanh, cam, nho, khoai tây, cà chua,…

- Mang găng tay vải hoặc da khi làm công việc khô hoặc làm vườn. Hãy để găng tay dơ chớ đừng để bàn tay dơ. Nên để nhiều găng tay vải cotton khắp nhà để có thể dùng trong việc nhà. Giặt găng tay bằng máy, không bằng tay.

- Rửa tay với nước ấm và xà phòng rất nhẹ. Rửa cho hết sạch xà phòng và lau khô bàn tay nhẹ nhàng. Tất cả xà phòng đều có thể gây kích ứng. Không có loại xà phòng nào nhẹ nhàng cho da ngoại trừ quảng cáo.

Nhẫn có thể làm nặng thêm tình trạng viêm da có sẵn do giữ các chất gây kích ứng bên dưới. Hãy tháo nhẫn khi làm công việc nhà và trước khi rửa tay.

- Khi thời tiết lạnh hoặc nhiều gió, hãy mang găng tay vải bảo vệ bàn tay tránh khô và nứt.

- Thoa chất giữ ẩm mỗi ngày, ngay sau khi rửa tay. Trong trường hợp bị viêm da nên thoa thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da. Đừng tự ý thoa các loại lotion, kem hoặc thuốc khác vì chúng có thể gây kích ứng.

- Thoa chống nắng phổ rộng với SPF ≥ 30 vùng mặt lưng bày tay mỗi ngày dù trời lạnh hoặc có nhiều mây.

- Trong trường hợp da bị viêm, hãy bảo vệ bàn tay ít nhất 4 tháng kể từ khi da đã lành.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ​Chăm sóc bàn tay