13/01/2017 14:30 GMT+7

​Để nhận biết các “bất thường” trong hoạt động tâm thần

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Giải tỏa cảm xúc, xua tan muộn phiền, mệt mỏi cũng là một cách để giảm bớt những triệu chứng về bệnh tâm thần trong nhịp sống hối hả của thời đại hiện nay.

Cách đây 20 năm, tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, số bệnh nhân đến khám và điều trị chủ yếu là các bệnh “điên”, “khùng”, được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh tâm thần phân liệt và bệnh “phong xù” được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh động kinh. Còn những biểu hiện của stress, trầm cảm, suy nhược thần kinh... không nhiều. Nhưng hiện nay, các bệnh này đã diễn biến theo chiều hướng nhiều hơn theo xu thế phát triển của xã hội.

Sau đây là một số ít các gợi ý về các biểu hiện bất thường trong hoạt động tâm thần hay gặp nhất:

- Đối với bệnh trầm cảm: có biểu hiện stress không vượt qua được, rồi lo lắng những điều nhỏ nhặt mà trước đó có thể cho qua được, khó đi vào giấc ngủ, hay giật mình, thối chí,  khó tập trung hoàn thành công việc của mình, không ham muốn, lặng lẽ thở dài như than thân trách phận… Đây là những biểu hiện rất nguy hiểm.

Đáng tiếc, vì công ăn việc làm, nhiều bệnh nhân trầm cảm cố gắng che giấu tình trạng bệnh của mình, chỉ đi khám khi đã quá nặng, thì lúc đó sẽ tốn nhiều tiền và thời gian hơn.

- Đối với trẻ em: thanh thiếu niên ngày nay cũng chịu nhiều áp lực nên có thể bị stress nhiều hơn và cũng bị trầm cảm như người lớn nhưng cách thể hiện ra ngoài có khác đôi chút. Đó có thể là sinh hoạt thất thường, tự cư xử với bản thân đôi khi quá đáng, đôi khi tự buông trôi hay ghét những những gì trước kia là sở thích, học hành giảm sút…

Lưu ý nhiều bất thường trong hoạt động tâm thần ở trẻ em thanh thiếu niên xuất phát từ gia đình. Có thể do phụ huynh chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi, bận rộn, áp lực công việc...

- Đối với người già: dễ thấy nhất là bắt đầu quên vị trí đồ đạc của mình, quên lối đi, quên những điều con cháu nhắc nhở, thích nói chuyện ngày xưa, ăn cơm rồi mà nói chưa ăn… Có người thì nét mặt ngơ ngơ, ngược lại có người hay nghi ngờ trộm cắp, thậm chí ghen ghét vô cớ, giận dỗi…

- Đối với bệnh tâm thần phân liệt: tự nhiên không muốn tiếp xúc, tự tách riêng mình với mọi người, kể cả người thân, sao nhãng công việc, kể cả vệ sinh bản thân. Đôi lúc phát hiện nói lầm thầm một cách bí ẩn hoặc khoe khoang hay cự cãi những điều phi lý không có trong thực tế…

Nếu trong cuộc sống chúng ta có gặp những biểu hiện như thế từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp… thì hãy cùng sẻ chia, tâm sự để giúp họ giải tỏa cảm xúc, xua tan muộn phiền, mệt mỏi cũng là một cách để giảm bớt những triệu chứng về bệnh tâm thần trong nhịp sống hối hả của thời đại hiện nay.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên