30/11/2016 09:00 GMT+7

​Đôi điều về vitamin K

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Vitamin K là một loại vitamin tan trong dầu mỡ (có 4 vitamin tan trong dầu mỡ là vitamin A, D, E, K). Vitamin K là tên gọi chung vì có nhiều loại vitamin K, trong đó chủ yếu có vitamin K1, K2 và K3.

Vitamin K1 còn gọi là phytomenadion được tìm thấy trong tự nhiên, ngoài ở động vật như thịt, cá… còn có ở thực vật như cà chua, bắp cải, rau má… 

Vitamin K2 còn gọi là menaquinon cũng thuộc loại tự nhiên, được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích sống ở trong ruột con người. 

Vitamin K3 còn được gọi menadion, là loại tổng hợp bằng phản ứng hóa học và thường được dùng làm thuốc. Vitamin K3 tỏ ra có độc tính hơn so với vitamin K1 và K2.

Vitamin K được gọi là vitamin đông máu vì là một thành phần quan trọng của hệ enzym gan tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), các yếu tố VII, IX, X… Vai trò chính của vitamin K là giúp cho quá trình đông máu diễn ra tốt và hạn chế lượng máu bị mất khi ta bị thương. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin K, máu của ta sẽ không thể đông được, đưa đến xuất huyết và điều này có thể dẫn đến tử vong.

Bình thường, nếu ta ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất và nhất là vi khuẩn ruột tổng hợp đủ vitamin K thì không sợ thiếu loại vitamin này. Đối với người trưởng thành, thiếu vitamin K là tình trạng thuộc loại hiếm. Cơ thể có thể thiếu vitamin K trong những trường hợp như cơ thể kém dưỡng chất từ thức ăn thức uống, bị tắc mật do bệnh gan hay tắc ống dẫn mật (khi bị tắc mật, vitamin K không được hấp thu tốt), hoặc do uống thuốc kháng sinh (giết chết vi khuẩn tổng hợp vitamin K trong ruột)… 

Tình trạng thừa vitamin K thường gặp khi tiêm vitamin K kéo dài có thể gây tán huyết, vàng da và tổn hại não…

Khi được dùng làm thuốc, vitamin K  thường được dùng với dạng thuốc tiêm (tiêm bắp, tiêm dưới da hay đôi khi tiêm tĩnh mạch); cũng có thể dùng vitamin K với dạng uống. 

Những trường hợp bác sĩ chỉ định dùng vitamin K là: xuất huyết và nguy cơ xuất huyết tăng do giảm prothrombin huyết (cần ghi nhận triệu chứng thiếu vitamin K đưa đến nguy cơ xuất huyết chính là xét nghiệm thấy giảm prothrombin); xuất huyết do điều trị thuốc loại coumarin; giảm vitamin K trong trường hợp tắc mật, bệnh gan, bệnh ở ruột hoặc sau khi điều trị dài ngày bằng các kháng sinh phổ rộng, sulfonamid hay các dẫn chất của acid salicylic.

Khi dùng vitamin K làm thuốc cần lưu ý thuốc có thể gây tan huyết ở những người có khuyết tật di truyền là thiếu glucose - 6 - phosphat dehydrogenase, dùng liều cao cho người bị bệnh gan nặng có thể làm suy giảm thêm chức năng gan. 

Liều dùng cho trẻ sơ sinh không nên vượt quá 5 mg trong các ngày đầu khi mới chào đời, vì hệ enzym gan của trẻ chưa trưởng thành. Hiếm gặp các tác dụng không mong muốn. 

Khi dùng đường uống, vitamin K có thể gây khó chịu đường tiêu hóa, kể cả buồn nôn và nôn. Tiêm, đặc biệt là dùng đường tĩnh mạch có thể gây nóng bừng, toát mồ hôi, hạ huyết áp, chóng mặt, mạch yếu, hoa mắt, tím tái, phản ứng dạng phản vệ, dị ứng, vị giác thay đổi. Liều lớn hơn 25 mg có thể gây tăng bilirubin huyết ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ đẻ non. Tiêm tĩnh mạch cũng có thể gây các phản ứng nặng kiểu phản vệ (thậm chí ở cả người bệnh chưa từng dùng thuốc), dẫn đến sốc, ngừng tim, ngừng hô hấp và tử vong.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: vitamin K