09/05/2016 16:02 GMT+7

​Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM

Trong các bệnh nhiễm khuẩn có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ, ngoài nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp còn phải kể đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Thời gian gần đây, số trẻ em nhập viện mắc các bệnh đường tiêu hóa có dấu hiệu gia tăng. Biểu hiện ban đầu là tiêu chảy, sốt nên gia đình thường tự mua thuốc cho trẻ uống, đến giai đoạn sốc (sốt cao, xuất huyết dạ dày) mới đưa vào bệnh viện.

Thời kỳ lây truyền kéo dài suốt giai đoạn nhiễm khuẩn, thường từ vài ngày đến vài tuần. Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cấp tính với các đặc điểm điển hình như tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sốt, buồn nôn và nôn. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày, cũng có thể là từ 1 - 10 ngày tuỳ theo thể trạng của từng người. Khi nhiễm khuẩn, trẻ đi đại tiện phân lỏng, có thể lẫn với chất nhày và có bạch cầu. Những người không được điều trị kháng sinh sẽ có thể đào thải vi khuẩn ra ngoài trong vòng từ 2-7 ngày.

Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, một số bà mẹ không biết rằng: ăn uống kiêng khem quá mức khi trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa sẽ khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng và khó hồi phục bệnh. Vì vấn đề dinh dưỡng đối với trẻ lúc này là quan trọng.

Đối với trẻ còn bú mẹ, cần tăng thêm bữa bú và thời gian bú. Trẻ không bú được, vắt sữa mẹ và cho ăn bằng thìa.

Đối với trẻ đã ăn dặm, cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Nấu các món ăn mềm, dễ tiêu hóa, hấp thu, giàu dinh dưỡng: cháo, súp, sữa, nước trái cây. Thường xuyên thay đổi món ăn để hợp với khẩu vị của trẻ.

Cho trẻ uống thêm nước: nước hoa quả tươi, nước sôi để nguội và nước oresol pha đúng cách để bù nước và điện giải khi trẻ bị tiêu chảy.

Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống bù nước, dung dịch oresol, nước trái cây pha loãng, nước cháo muối; ăn uống bình thường theo nhu cầu.

Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường hoặc bệnh nặng hơn như: tiêu chảy kèm sốt, phân có nhày lẫn máu. Hoặc trẻ lừ đừ, vã mồ hôi, tay chân lạnh, bỏ bú, không ăn uống được, nôn mửa nhiều. Tiêu chảy nhiều lần (5-6 lần/giờ), phân toàn nước, nước phân đục, không tiểu tiện hoặc tiểu rất ít... nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng bệnh, cần ăn chín, uống sôi, nấu chín kỹ các thức ăn có nguồn gốc từ gia cầm, gia súc; chỉ uống sữa đã tiệt khuẩn, tránh để thức ăn bị nhiễm khuẩn lại sau khi đã nấu chín. Khi vật nuôi bị ốm vì bất cứ nguyên nhân gì cũng không nên cho trẻ ôm ấp, gần gũi chúng. Nên thực hiện nghiêm yêu cầu bàn tay sạch, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn. Nếu có người bị nhiễm bệnh, cần đưa đến các cơ sở y tế, tránh tự ý dùng kháng sinh mà chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên