15/04/2017 10:22 GMT+7

Nắng gay gắt, bệnh gia tăng

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Liên tục một tuần qua nắng nóng trải dài từ Bắc chí Nam. Trong khi miền Bắc có đợt không khí lạnh nhẹ tăng cường làm cho thời tiết dịu mát hơn thì tại khu vực Nam Bộ nắng nóng tiếp tục căng, dự báo có thể còn kéo dài đến nửa đầu tháng 5.

Nam thanh niên mặc áo mưa để chống nắng khi chạy xe trên đường ở TP.HCM trưa 14-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nam thanh niên mặc áo mưa để chống nắng khi chạy xe trên đường ở TP.HCM trưa 14-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dù đến thời điểm này, nhiệt độ cao nhất ghi nhận được tại khu vực Nam Bộ mức 36,8 độ C được dự báo chưa phải là nhiệt độ cao nhất của mùa khô (nhiệt độ trên ghi nhận tại Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ngày 11-4) nhưng với đặc điểm bức xạ mặt trời cao, trời quang mây, độ ẩm thấp khiến nắng nóng ở Nam Bộ rát da thịt.

Trẻ nhập viện tăng 20%

Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết số bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy nhập viện tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 có xu hướng tăng trong khoảng một tuần nay.

Trước đó, mỗi ngày khoa này chỉ có khoảng 120-130 trẻ nằm điều trị, nay đã lên đến 150-160 trẻ.

Nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh tiêu hóa nhiều chủ yếu do thời tiết nắng nóng, vấn đề bảo quản thực phẩm chưa được tốt…

Bác sĩ Tùng cho rằng nếu thời tiết nắng nóng kéo dài trong một tuần nữa, nhiều khả năng số trẻ mắc bệnh tiêu chảy nhập viện sẽ tiếp tục gia tăng.

Tại Cần Thơ, khu vực các hồ bơi đông nghịt. Do lượng người xuống bơi quá đông, các bác sĩ cảnh báo việc tập trung quá đông vào hồ bơi có thể làm gia tăng nguy cơ các bệnh tai mũi họng.

Bác sĩ Hồ Lê Hoài Nhân - Bệnh viện Tai Mũi họng Cần Thơ - cho biết hơn một tuần nay người bệnh bị viêm họng đến khám gia tăng.

Trong thời tiết nắng nóng bác sĩ lưu ý dễ bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết khi trẻ em và người lớn tắm tại các hồ bơi, nước có thể bị nhiễm khuẩn, chất clo khử hồ bơi có thể làm ảnh hưởng niêm mạc mũi gây viêm mũi dẫn đến viêm tai.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, cũng do thời tiết nắng nóng, lượng bệnh nhi mắc các bệnh như: nhiễm siêu vi, viêm hô hấp trên cũng gia tăng so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhi mắc viêm hô hấp trên đến khám hơn 2.300 ca (so với cùng kỳ 2016 tăng 500 ca), số trường hợp bệnh nhi nhiễm siêu vi là 893 ca (tăng trên 200 ca). Số lượng trẻ em nhập viện do thời tiết cũng tăng theo 20% so với tháng rồi.

Tại các vùng biên giới thuộc tỉnh An Giang, bác sĩ Lữ Văn Trạng - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc - cho biết nhiều ngày qua thời tiết nắng gắt nên số lượng trẻ bị bệnh đến khám tăng nhiều.

Trong tổng số bệnh nhi đến khám, điều trị từ ngày 1 đến 14-4 có 292 ca thì đa số là bệnh viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em, tăng 20% so với tháng trước.

Tại Sóc Trăng, tình hình bệnh ở trẻ em nhập viện điều trị cũng tăng bất thường. Theo ThS.BS Âu Hữu Đức - trưởng phòng tổng hợp quản lý chất lượng Bệnh viện Sóc Trăng, trong tháng 3 số bệnh nhi bị sốt, tiêu chảy, ho tăng hơn 30% so với tháng 2.

Những ngày đầu tháng 4, tình hình vẫn không khả quan hơn do ảnh hưởng của nắng nóng, những bệnh liên quan đường hô hấp tiếp tục chiếm tỉ lệ cao.

Nắng nóng nhất tại Nam Bộ tính đến thời điểm này (thời gian từ ngày 10 đến 13-4). Tình hình nắng nóng còn duy trì ít nhất 4 ngày nữa, nhiệt độ cả miền Đông và Tây Nam Bộ mức từ 35-360C, có nơi 370C. 
Nguồn:
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ. 
Đồ họa: N.KH.
Nắng nóng nhất tại Nam Bộ tính đến thời điểm này (thời gian từ ngày 10 đến 13-4). Tình hình nắng nóng còn duy trì ít nhất 4 ngày nữa, nhiệt độ cả miền Đông và Tây Nam Bộ mức từ 35-36 độ C, có nơi 37 độ C. Nguồn: Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - Đồ họa: N.KH.

Học sinh, người dân khốn khổ

Tại các trường ở TP.HCM, các em vừa học vừa vã mồ hôi, nhức đầu vì quá nóng. Một số phụ huynh có con học ở Trường tiều học Chu Văn An ( Bình Thạnh) cho biết con của mình về nhà bị hăm lở khắp nách và bẹn do quá nóng.

Nhiều phụ huynh ở Trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) phản ảnh mấy ngày qua nắng nóng trong khi hệ thống điện của trường liên tục bị sự cố khiến quạt, máy lạnh ở nhiều lớp không thể hoạt động.

Sĩ số học sinh ở mỗi lớp khá đông, trong khi diện tích phòng học nhỏ khiến lớp học chẳng khác gì… lò bánh mì. Việc phải học trong tình trạng này khiến các em rất mệt, thậm chí có em ngã bệnh. Chất lượng học tập không cao, trong khi hiện nay học sinh đang tập trung ôn thi học kỳ 2.

ThS.BS Âu Thanh Tùng - trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết thời tiết nắng nóng làm tăng tiết mồ hôi dẫn đến mất nước và các chất điện giải, có thể dẫn đến tình trạng ngủ không ngon giấc, ăn không ngon, đặc biệt đối với người lớn tuổi, trẻ em và người lao động, sinh hoạt vui chơi ngoài trời.

Một số bệnh lý dễ mắc phải khi thời tiết nắng nóng như bệnh về tiêu hóa do thức ăn để bên ngoài dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, bệnh về da, đặc biệt ở vùng da dễ bị tăng tiết mồ hôi như vùng lưng, kẽ tay, kẽ chân, vùng nách, vùng bẹn…

Không khí nóng, khô ảnh hưởng đến bề mặt niêm mạc đường thở, dẫn đến dễ mắc các bệnh viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản...

Nóng nhưng đừng tắm quá lâu, nhiều lần

BS Phan Thế Anh - khoa cấp cứu lưu, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - cho biết đối với người lớn tuổi, mùa nóng dễ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, rối loạn điện giải, đau nhức xương khớp.

Thời tiết nhiệt độ cao, nóng bức dễ dẫn đến bị mất nước do đổ mồ hôi, điều này còn dẫn tới nguy cơ tim đập nhanh và huyết áp tăng cao, đặc biệt là với những người có tiền sử huyết áp thấp, có thể bị choáng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) - cho biết mùa nóng phụ huynh lưu ý không nên cho trẻ tắm quá nhiều lần trong ngày hoặc tắm quá lâu. Nhà, phòng cần mở cửa thoáng mát.

Không để trẻ ở suốt ngày trong phòng máy lạnh. Khi thay đổi môi trường có sự chênh lệch nhiệt độ (từ phòng máy lạnh ra ngoài hoặc ngược lại), nên cho trẻ khoác thêm áo. Với gia đình cho con ngủ trong phòng máy lạnh, cần giữ nhiệt độ ổn định ở mức 26-27 độ C, không được thấp hơn và chú ý tránh chế độ gió lùa trực tiếp vào người.

Nông dân bị ảnh hưởng sản xuất

Tình hình nắng nóng cũng ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân. Ông Lương Minh Quyết, giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết do thả giống sớm, ảnh hưởng nắng nóng nên đã có trên 300ha diện tích nuôi tôm ở thị xã Vĩnh Châu bị thiệt hại.

“Đây là thời điểm nắng nóng nhất trong năm, bất lợi cho việc nuôi tôm nên ngành khuyến cáo bà con không thả giống trong tháng 4 và tháng 5”.

Cũng do thời tiết nắng nóng thất thường, đàn gia cầm mắc bệnh đang có nguy cơ đe dọa các địa phương. Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết vừa tiêu hủy toàn bộ đàn gà hơn 3.000 con mắc bệnh cúm gia cầm H5N1 của 1 hộ chăn nuôi.

Ông Phan Hữu Hội - chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang - cho biết hiện nay cơ quan này phải quan trắc môi trường nước vùng nuôi nghêu và nuôi tôm ở các huyện ven biển mỗi ngày do nắng nóng, độ mặn tăng cao.

“Chỉ lo mấy ngày tới chênh lệch nhiệt độ ban ngày quá cao, còn ban đêm xuống thấp sẽ gây thiệt hại cho các vùng nuôi tôm. Còn nghêu thì ít lo hơn” - ông Hội nói.

Nỗi lo của ngành thủy sản đang nằm ở các vùng nuôi tôm sú và tôm thẻ. Tỉnh Tiền Giang có 4.000ha nuôi tôm. Hiện nông dân đã thả nuôi được khoảng 50% diện tích. Trong những ngày tới nếu độ mặn và nhiệt độ tăng thì nguy cơ thiệt hại đối với tôm nhỏ là rất lớn.

Với tôm lớn nông dân có thể di dời đến nơi khác để tránh mặn, tránh nóng. Còn với tôm còn nhỏ thì buộc phải chấp nhận thiệt hại chứ không có cách nào tránh được.

Ngành thủy sản vừa quan trắc hằng ngày, vừa vận động nông dân nuôi tôm không để ao bị cạn nước, phải bơm nước vào thật nhiều để nhiệt độ nước không tăng quá bất thường làm tôm chết.

Điện lực đối phó nắng nóng

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM, những ngày nắng nóng vừa qua nhu cầu sử dụng điện của người dân gia tăng. Sản lượng điện cao nhất ghi nhận được vào ngày 12-4 hơn 76 triệu kWh (tăng khoảng 10% so với cùng ngày của tháng 3), dự báo nhu cầu sử dụng điện còn tiếp tục gia tăng khi tình trạng nắng nóng kéo dài.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM cam kết sẽ đảm bảo cung cấp điện, không tiết giảm điện. Tương tự, nhu cầu sử dụng điện tại 21 tỉnh thành phía Nam (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) cũng tăng từng ngày, tăng gần 8% so với trung bình tháng 3.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên