10/03/2017 16:59 GMT+7

​Đề phòng và sơ cứu say nắng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương

Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt thường là hậu quả của việc tập luyện hay làm việc nặng trong môi trường nóng, đi kèm với việc không uống đủ nước.

Trẻ nhỏ, người già, những người béo phì và những người rối loạn bài xuất mồ hôi sẽ có nguy cơ cao bị say nắng. Say nắng cũng là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. 

Triệu chứng của say nắng

Đặc trưng của say nắng là nhiệt độ trung tâm của cơ thể lớn hơn 40,55 độ C và ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên. Các triệu chứng khác bao gồm: đau nhói đầu; chóng mặt và choáng váng; không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng; da đỏ, nóng và khô; yếu cơ hoặc chuột rút; buồn nôn và nôn; nhịp tim (mạch) nhanh, tim (mạch) có thể đập mạnh hoặc yếu; thở nhanh và thở nông; thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt; co giật; hôn mê.

Sơ cứu ban đầu say nắng

Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy ngay lập tức đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế, song song với đó cũng cần phải tiến hành sơ cứu ngay. Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là một khu vực râm mát và cởi bỏ bất cứ quần áo nào thấy không cần thiết.

Đo nhiệt độ trung tâm cơ thể của bệnh nhân và bắt đầu tiến hành sơ cứu bằng cách làm mát để hạ nhiệt độ trung tâm cơ thể xuống. Nếu không có nhiệt kế, tiến hành sơ cứu bằng cách: quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân (đây là những khu vực có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm mát sẽ giảm được nhiệt độ của cơ thể); đưa bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát.

Các yếu tố nguy cơ say nắng

Say nắng rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt. Các nhóm nguy cơ cao khác bao gồm người ở bất cứ lứa tuổi nào không uống đủ nước, có bệnh mạn tính, hoặc những người uống quá nhiều bia rượu.

Say nắng có liên quan chặt chẽ với chỉ số nhiệt. Khi độ ẩm và nhiệt độ không khí tăng lên trên 60% sẽ làm cản trở việc bài tiết mồ hôi do đó làm cản trở khả năng tự làm mát của cơ thể. Vì vậy, điều quan trọng là chú ý tới chỉ số nhiệt được báo cáo. Nếu phải tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng chỉ số nhiệt được báo cáo lên 15 độ.

Nếu bạn sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể bị say nắng khi nắng nóng kéo dài, đặc biệt nếu điều kiện khí quyển trì trệ (không có gió) và chất lượng không khí kém. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng đảo nhiệt” (nhựa đường và nhà bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ khác kết hợp với các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt bao gồm: tuổi (trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi rất dễ bị tổn thương do nhiệt bởi vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những lứa tuổi khác); tình trạng sức khỏe (các bệnh lý tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, bệnh hồng cầu hình liềm, nghiện rượu, bỏng nắng và bất cứ tình trạng nào gây sốt... đều rất dễ bị tổn thương do nhiệt); thuốc (khi sử dụng các thuốc kháng histamin, thuốc giảm cân, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần, các thuốc kích thích, thuốc chống động kinh, thuốc tim mạch và huyết áp và các thuốc điều trị bệnh tâm... làm tăng nguy cơ tổn thương do nhiệt); người có bệnh đái tháo đường.

Đề phòng say nắng

Khi chỉ số nhiệt độ cao, tốt nhất là nên ở trong môi trường điều hòa. Nếu bạn phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt theo các bước sau: mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, và đội một chiếc mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng cao (trên 30SP); uống nhiều nước để tránh mất nước; thực hiện các biện pháp dự phòng bổ sung nước khi tập luyện hoặc đi bộ ngoài trời; thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời; tránh sử dụng các chất lỏng có cafein hoặc cồn bởi vì cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt; đi khám bác sỹ trước khi tăng chế độ uống nước hàng ngày nếu bạn có bệnh gan, thận, tim hoặc động kinh (là những bệnh lý cần hạn chế uống nước), hoặc có vấn đề về giữ/tích nước.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sơ cứu say nắng