Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xem cách quản lý người người bệnh trên máy tính ở Trạm y tế xã Phú Thanh - Ảnh: MINH AN |
Báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết hiện tỉnh có 152 trạm y tế đã được xây dựng kiên cố, 100% được trang bị máy vi tính và nối mạng Internet.
Các trạm y tế đều có bác sỹ, cán bộ chuyên trách y học cổ truyền, nữ hộ sinh; 98% thôn, bản có nhân viên y tế. 93% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người...
Tỉnh đề nghị các bộ, ngành và chính phủ sớm hỗ trợ đầu tư phục hồi Thái Y Viện (của Triều Nguyễn); triển khai dự án bệnh viện tâm thần khu vực miền Trung; đầu tư thêm trang thiết bị cho cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Ung Bướu; tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cho Đại học Y Dược Huế.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế và giao cho các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ. Trước mắt, cần ưu tiên để sớm đầu tư Bệnh viện tâm thần khu vực miền Trung tại Huế.
Trưa 30-3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm Trạm y tế xã Phú Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) - Ảnh: MINH AN |
Trao đổi với các y, bác sĩ tại Trạm y tế xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng cho rằng nhìn chung các trạm y tế ở Thừa Thiên - Huế có tỷ lệ người dân đến khám, chữa bệnh cao hơn rất nhiều so với cả nước.
“Anh em ở đây rất sáng tạo, không chỉ đưa công nghệ thông tin vào mà có rất nhiều mô hình, các sáng kiến phù hợp với yêu cầu khám, chữa bệnh và phòng bệnh của bà con, trên tinh thần vì người dân.” - Phó Thủ tướng nhận xét.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Phú Thanh, cũng như nhiều trạm y tế ở Thừa Thiên Huế, là trong số 50% người dân tại xã chưa bao giờ đi khám, sau khi trừ đi số người đi khám ở tuyến trên thì có tỷ lệ không nhỏ những người dân chưa bao giờ đi khám nếu không thấy có bệnh. Và phần mềm quản lý khám, chữa bệnh hiện nay tại các trạm y tế cơ sở ở Thừa Thiên Huế cũng mới chỉ thống kê được số người đến khám, chữa bệnh mà chưa nắm được tình trạng sức khỏe của từng người dân trong xã.
“Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa nhưng nhiều người không bao giờ đi khám nếu không thấy có bệnh, còn khi đi khám thì bệnh đã nặng, điều trị rất tốn kém thậm chí không chữa được”, Phó Thủ tướng nói.
Từ thực tế trên, Phó Thủ tướng đề nghị Thừa Thiên Huế triển khai nhanh hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia với các hợp phần quản lý sức khỏe cá nhân kèm theo trên cơ sở những kinh nghiệm từ việc ứng dụng công nghẹ thông tin để theo dõi, cập nhật số liệu khám, chữa bệnh suốt 10 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận