20/03/2017 19:21 GMT+7

Xem hình ảnh robot phẫu thuật trong điều trị ung thư dạ dày

HỮU KHOA
HỮU KHOA

TTO - Sáng 20-3, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM tiến hành ca phẫu thuật ung thư dạ dày cho một bệnh nhân nam, sinh năm 1963, quê Đồng Tháp. Ca phẫu thuật này do robot thực hiện.

Bác sĩ tích cực tham gia ca phẫu thuật ung thư dạ dày bằng robot - Ảnh: HỮU KHOA
Bác sĩ tham gia ca phẫu thuật ung thư dạ dày bằng robot - Ảnh: HỮU KHOA

Bệnh nhân này được chẩn đoán bị ung thư hang vị (là ung thư phổ biến nhất trong các loại ung thư dạ dày). Bệnh nhân đã quyết định lựa chọn phẫu thuật Robot với các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân.

Các bác sĩ cho biết ung thư dạ dày thường có nhiều hạch nhỏ mà nguyên tắc phẫu thuật điều trị bắt buộc phải lấy hết các hạch này để đảm bảo tính điều trị triệt căn cũng như giảm khả năng tái phát bệnh về sau.

Ưu điểm của phẫu thuật robot trong ung thư dạ dày là robot có màn hình 3D với độ phân giải cao lên đến 12 lần giúp bác sĩ phẫu thuật có thể quan sát rõ nét các cấu trúc trong ổ bụng đặc biệt là các hạch di căn từ đó lấy triệt các hạch này.

Bác sĩ tích cực tham gia ca phẫu thuật ung thư dạ dày bằng robot - Ảnh: HỮU KHOA
Ê-kip đông đảo các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật ung thư dạ dày bằng robot - Ảnh: HỮU KHOA

Việc quan sát được rõ nét còn giúp tránh tối đa việc tổn thương các mô lành lân cận, giảm nguy cơ các biến chứng và đặc biệt là ít chảy máu.

Do tổn thương tối thiểu nên bệnh nhân sẽ hồi phục sau mổ nhanh hơn, sớm xuất viện và nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường. Cánh tay robot linh hoạt có thể gập, duỗi, xoay 540 độ giúp thực hiện thao tác phẫu thuật dễ dàng trong phẫu trường hẹp.

Bác sĩ tích cực tham gia ca phẫu thuật ung thư dạ dày bằng robot - Ảnh: HỮU KHOA

Bệnh nhân bị ung thư hang vị dạ dày được phẫu thuật lần này ở giai đoạn 3. Dự kiến các bác sĩ sẽ cắt 2/3 dạ dày, nạo vét hạch triệt để bằng robot phẫu thuật.

Thời gian phẫu thuật khoảng 4 tiếng. Phẫu thuật robot sẽ cho phép bác sĩ phẫu thuật bóc tách các hạch ung thư triệt để, tinh tế hơn và hạn chế mất máu, tổn thương các mô lành, hạn chế tối đa nguy cơ di căn, tái phát ung thư.

Robot điều khiển toàn phòng mổ - Ảnh: HỮU KHOA
Robot điều khiển toàn phòng mổ - Ảnh: HỮU KHOA

BS CKII Hoàng Vĩnh Chúc, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân, trưởng kíp phẫu thuật cho biết: Ung thư da dày là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư ở đường tiêu hóa.

Cách phòng ngừa ung thư dạ dày là: hạn chế ăn các thực phẩm hun khói, ướp nhiều muối, các loại dưa, mắm... Nên ăn nhiều rau, trái cây, ngừng hút thuốc lá. 

Kiểm tra dạ dày nội soi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ ở những người có yếu nguy cơ cao như tiền căn gia đình có người ung thư dạ dày, tiền căn nhiễm helicopacter pylori.

Sau phẫu thuật bệnh nhân cần được cho nhịn ăn 2 - 3 ngày để ổn định niêm mạc dạ dày và chỗ khâu nối dạ dày.

Trong khoảng thời gian đó bệnh nhân sẽ được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Sau đó bệnh sẽ được cho uống sữa, súp, cháo loãng trong khoảng 5 ngày tiếp theo.

Sau mổ bệnh nhân nên vận động sớm để ruột hoạt động lại, tránh dính ruột về sau, nên hạn chế thức ăn dầu mỡ, nên ăn thành nhiều bữa nhỏ trong  ngày.

HỮU KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên