05/11/2016 19:58 GMT+7

Diệt lăng quăng mới ngăn từ gốc sốt xuất huyết, Zika

P.S.NGÂN
P.S.NGÂN

TTO - Chiều 5-11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành về hoạt động, đầu tư trong lĩnh vực y tế của tỉnh, trong đó có việc phòng chống các dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika.

Zika được phát hiện lần đầu tiên ở Uganda năm 1947 trên loài khỉ - Ảnh: AP
Zika được phát hiện lần đầu tiên ở Uganda năm 1947 trên loài khỉ - Ảnh: AP

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Tiến lưu ý hiện nay Khánh Hòa vẫn đang là một “điểm nóng” về sốt xuất huyết và tỉnh đã có người dương tính với Zika.

Để phòng ngừa, ngăn chặn lây lan các dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika, theo bà Tiến, việc diệt muỗi mới chỉ là giải quyết “phần ngọn”. “Phần gốc” là phải diệt lăng quăng và muỗi sinh ra lăng quăng. Bởi chỉ trong vòng hai tuần, lăng quăng đã thành muỗi và tiếp tục lây bệnh dịch ấy.

Còn đối với “dự án thí điểm” nuôi thả muỗi trên đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang, nhằm phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Zika, bà Tiến đề nghị: “Chúng ta khuyến khích nghiên cứu khoa học nhưng cũng cần hết sức cẩn thận về kết quả và trong thực hiện”.

Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, hiện nay về số ca mắc sốt xuất huyết toàn tỉnh ghi nhận là 4.159 ca, tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước (4.410 ca) nhưng số bệnh nhân tử vong vì sốt xuất huyết ở Khánh Hòa là 3 người, tăng hơn cả năm 2015 (1 ca).

Hiện ở tỉnh Khánh Hòa đã xác định có hai người bị nhiễm virút Zika (gồm một nữ 64 tuổi, phát hiện nhiễm Zika tháng 4-2016 và một nam 32 tuổi).

Theo tiến sĩ Viên Quang Mai, giám đốc Viện Pasteur Nha Trang, may mắn là người vợ đang mang thai (8 tháng) của nam bệnh nhân này đã không nhiễm Zika.

P.S.NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên