01/12/2015 12:36 GMT+7

Gánh nặng ung thư - Kỳ 1: Bán nhà, vét sạch tiền chữa bệnh

NHÓM PV (tienlong@tuoitre.com.vn)
NHÓM PV (tienlong@tuoitre.com.vn)

TT - Nhiều người phải bán nhà, vay mượn nóng, vét sạch từng đồng tiền chắt chiu cả đời để trị bệnh ung thư. Sự sống của họ cũng chới với, lay lắt từng ngày...

Những bữa cháo tình thương của Bệnh viện Ung bướu TP Đà Nẵng - Ảnh: Trường Trung

Trời về đêm, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không ồn ào như ban ngày. Đó cũng là lúc những bệnh nhân “ngoại trú” tìm chỗ ngủ. Mọi khoảnh đất khuất trống của bệnh viện được tận dụng làm giường ngủ sau một ngày vạ vật, mệt mỏi.

Việc điều trị kéo dài, thể xác suy kiệt đã đành nhưng tinh thần cũng không được thoải mái vì phải lo nghĩ về tiền bạc. Nhiều khi tôi chán chường và muốn bỏ cuộc vì nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình

Bà NÔNG THỊ CHIẾN (50 tuổi ở Cao Bằng, một bệnh nhân ung thư)

Ba năm đưa ba người nhà đi chữa ung thư

Trung bình mỗi năm VN có 150.000 - 200.000 người mắc ung thư mới phát hiện, và khoảng 75.000 - 100.000 người chết do ung thư. Những con số này đang báo động toàn xã hội.

Vì sao ung thư trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình, cho xã hội và khi hay tin mắc bệnh ung thư, nhiều người hoàn toàn suy sụp? Ung thư có thể phòng và điều trị thành công không? Loạt bài "Gánh nặng ung thư" sẽ giải đáp những câu hỏi này.

Đã 23g, ông Võ Văn Chí (62 tuổi, Cà Mau) vẫn ngồi canh cho vợ nằm ngủ co ro dưới nền đất lạnh. Tài sản ông bà vỏn vẹn một chiếc chiếu, tấm chăn mỏng. Người vợ lấy túi xách đựng tập hồ sơ bệnh án dày cộm làm gối. Còn ông Chí dùng đôi dép ghép lại, phủ một bộ quần áo lên gối đầu.

Vợ ông là bà Đoàn Ngọc Minh (60 tuổi) bị ung thư bướu độc giai đoạn hai. Ông Chí kể lúc đầu bà Minh chỉ xuất hiện một nốt ruồi nhỏ trên cánh tay. Nghĩ là nốt ruồi bình thường nên không để ý. Năm trước nốt ruồi đổi màu, phình to rồi nứt nẻ, đưa bà đi khám mới phát hiện bị ung thư, cần mổ gấp. Năm nay u lại mọc ra, phải mổ. Hơn hai tháng nay, ông bà dắt díu nhau xuống bệnh viện sống những ngày vất vưởng.

Hắt một hơi thở dài, ông Chí kể ba năm qua ông đưa ba người thân đi Bệnh viện Ung bướu TP điều trị. Trước đó, căn bệnh ung thư phổi lấy đi tính mạng người anh và em trai út của ông. Khi em út ông phát bệnh phải bán hết đất đai, của cải. Một thời gian sau đến lượt người anh của ông phát bệnh rồi mất.

Trời về đêm càng lạnh. Dọc hành lang dài của tòa nhà, mọi người giăng mùng, trải chiếu ngủ. Mỗi người chia nhau một khoảnh để có nơi ăn uống, ngủ nghỉ. Trong đêm, tiếng người bệnh đau nhức rên rỉ nghe nhói lòng.

Bà Võ Thị Một (Long An) nằm khuất trong bóng tối. Bà Một kể bà bị ung thư vú, đã mổ. Chồng bà vừa xoay xở đủ đường đưa vợ lên chữa trị, hai tháng nay không may ông lại phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Sức khỏe chồng bà đang yếu nên chưa điều trị được. Lần này đến lượt bà Một tất tả kiếm tiền chăm chồng. Chạy vạy khắp nơi bà gom được 11 triệu đồng đóng viện phí.

“Nhà có bao nhiêu tiền đã vét chữa bệnh cho tui. Sắp tới nếu ổng mổ chưa biết lấy tiền đâu ra. Giờ còn căn nhà mái tranh nhỏ xíu mà ai mua tui bán chữa chạy cho ổng chú à”, bà Một nức nghẹn.

"Còn nước còn tát"

Những ngày ngồi cùng bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện như Ung bướu, Chợ Rẫy, 115, chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân lam lũ, quần áo xộc xệch phải thanh toán những khoản viện phí ít thì vài ba triệu, nhiều đến cả hai, ba chục triệu. Để có tiền nhiều người chạy đôn đáo vay mượn. Nhiều gia đình bán sạch nhà cửa, ruộng vườn.

Bảy tháng nay, ông Trương Văn Đô (60 tuổi, Đồng Tháp) đưa vợ bị ung thư đại tràng ác tính giai đoạn cuối lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Vợ ông Đô đã mổ hai lần và đang vào thuốc. Cứ 21 ngày vào một lần, tốn 2,7 triệu đồng.

Từ ngày vợ đổ bệnh, bao nhiêu tiền của vay mượn, chắt chiu cả đời giờ dồn hết chữa bệnh. Lâu lâu hết tiền, hai vợ chồng đưa nhau về quê gom đủ dăm bảy triệu rồi lên lại. Căn nhà 60m2 tài sản cuối cùng của hai vợ chồng ông cũng bán sạch. Nhiều lần vợ ông tính bỏ cuộc về nhà mua thuốc nam uống, chống cự được ngày nào hay ngày đó. Thương vợ, ông Đô không đành lòng. “Ai mà nỡ chú, nhìn bả đau đớn thương lắm. Còn nước còn tát”, ông Đô giãi bày.

Nhiều người bỏ công ăn việc làm bám lấy bệnh viện hi vọng kéo dài được sự sống cho người thân. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (38 tuổi, TP Cần Thơ) bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Ba năm nay, anh Lê Thanh Sơn chồng chị bỏ hết công việc, gửi hai con cho ngoại để lên bệnh viện chăm vợ. Không may bệnh tình chị Anh chuyển biến xấu phải chạy thận.

Anh Sơn nói hồi mới phát bệnh, mỗi lần vào thuốc xong hai vợ chồng còn tranh thủ về quê đi làm kiếm tiền thuốc cho đợt sau. Giờ sức khỏe của chị Anh yếu hẳn, vợ chồng anh phải ở lại bệnh viện. “Giờ chỉ biết bám bệnh viện, vái trời cho vợ sống được ngày nào hay ngày đó”, anh Sơn nghẹn ngào.

Chị Nguyễn Ngọc Hương (36 tuổi, quê ở Tịnh Biên, An Giang) nghẹn ngào vì bao nhiêu tài sản của gia đình đã đội nón ra đi do căn bệnh ung thư buồng trứng. Chồng chị đưa chị lên TP.HCM nhập viện chữa trị, để lại ba đứa con nhỏ ở nhà cho hàng xóm chăm sóc - Ảnh: Duyên Phan

Bỏ điều trị do bệnh nặng và nghèo

Chi phí điều trị gần 340 triệu đồng/năm

Tại một cuộc họp báo vào tháng 8-2015 của Viện y tế toàn cầu George, giáo sư Nirmala Bhoo-Pathy thuộc ĐH Malaya (Malaysia) đã ước tính trung bình một bệnh nhân ung thư vú ở Đông Nam Á phải chi tới gần 340 triệu đồng/năm để điều trị. Với GDP bình quân Đông Nam Á năm 2014 khoảng 79 triệu đồng, nhiều người bệnh rơi vào cảnh nghèo đói.

Nhưng không phải bệnh nhân ung thư nào cũng đeo bám việc điều trị. Một khảo sát mới đây của Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho thấy có nhiều người chết do ung thư ở nhóm không được điều trị và điều trị không chính thống bằng phương pháp dân gian (tỉ lệ tử vong từ 66-83,3%). Nguyên nhân bỏ điều trị thường là do quá khó khăn về kinh tế.

Trong nghiên cứu “Tình hình các bệnh ung thư tại Cần Thơ năm 2013” của nhóm tác giả Trường cao đẳng Y tế và Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cho thấy trong 359 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, có đến 47,1% phát hiện ở giai đoạn muộn (III, IV), 36,5% bệnh không xác định giai đoạn. Sau khi phát hiện bệnh ung thư, có 36,8% bệnh nhân không tuân thủ điều trị, trong đó đến 18,2% do hoàn cảnh kinh tế khó khăn; 120 bệnh nhân ung thư tử vong (cao nhất thuộc nhóm không tuân thủ điều trị).

Bác sĩ Huỳnh Thảo Luật - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ - nói: "Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân ung thư bỏ điều trị, phần lớn do phát hiện bệnh muộn nên điều trị kém hiệu quả. Thực tế tại bệnh viện chúng tôi, nhiều bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt khối u nhưng sau đó có kết quả ung thư, bác sĩ tư vấn hẹn họ quay lại tái khám để điều trị tiếp theo phác đồ thì họ không quay lại. Lý do không quay lại vì sợ tác dụng của hóa chất gây khó chịu, kinh tế gia đình khó khăn, không tin tưởng bệnh sẽ khỏi"...

Trong khi đó, theo ông Bạch Quốc Khánh - phó viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, chi phí điều trị cho một bệnh nhân ung thư máu tại bệnh viện ông nếu tính đầy đủ cả bốn đợt điều trị ước từ 150-200 triệu đồng, chi phí này theo ông Khánh là cao so với nhiều loại ung thư khác. Bởi các loại ung thư khác có thể phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dùng thuốc, nhưng ung thư máu thì chỉ có mỗi biện pháp duy nhất là điều trị hóa chất kết hợp với phương pháp điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên nếu bệnh nhân gặp biến chứng trong thời gian điều trị, chi phí sẽ còn nhiều hơn.

Thật sự, chi phí điều trị là gánh nặng của phần lớn bệnh nhân. Khi viết loạt bài này, chúng tôi quay trở lại khoa ung bướu - xạ trị (Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội) để gặp các bệnh nhân ung thư đang khổ sở bởi tiền thuốc điều trị hằng tháng.

Các bệnh nhân Đ.N.T. (68 tuổi), N.T.H.H. (67 tuổi), C.H.V. (72 tuổi), Đ.H.T. (76 tuổi) cho biết họ đều mắc ung thư phổi, được chỉ định sử dụng loại thuốc điều trị nhắm đích có tên là Tarceva và Iressa, giá thuốc mỗi ngày tới 1.350.000 đồng, mỗi ngày uống một viên, dù bảo hiểm y tế đã chi trả 50% tiền thuốc, mỗi bệnh nhân này vẫn phải chi hơn 20 triệu đồng/tháng để kéo dài sự sống, tính ra tiền thuốc gấp 4 lần lương hưu. “Chúng tôi đang bế tắc vì không biết bấu víu vào đâu”, các bệnh nhân than thở...

Sống nhờ bữa cháo tình thương

4g chiều mỗi ngày, trước nhà ăn Bệnh viện Ung bướu TP Đà Nẵng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) hết sức nhộn nhịp. Người tay xách cà mèn, người kẹp nách nhau dắt díu từ các khu điều trị đến đây nhận các bữa cháo từ thiện của bệnh viện.

Chọn một bàn ăn trong góc, bà Lâm Thị Giao thổi từng thìa cháo rồi đút cho chồng là ông Đinh Ngọc Phẩm (65 tuổi, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Những bữa cơm, bữa cháo từ thiện từ lâu trở thành bữa cơm nhà cho vợ chồng ông bà.

Năm 1998 ông Phẩm bị phát hiện ung thư vòm họng. Vợ chồng dẫn nhau vô Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chạy chữa 3 năm.

“Ổng khỏi bệnh, hai vợ chồng tôi phải làm quần quật mới trả hết số nợ 25 triệu vay mượn bà con thời đó. Vậy mà đùng cái phát hiện ra ổng bị ung thư lưỡi”, bà Giao xót xa kể. Một lần nữa bà Giao lại theo chồng vào TP.HCM chạy chữa.

Dù có thẻ bảo hiểm, sổ hộ nghèo nhưng hai vợ chồng vẫn phải bán ruộng đất ở quê nhà. Đến khi nghe thông tin Bệnh viện Ung bướu TP Đà Nẵng chữa trị miễn phí cho người nghèo, hai vợ chồng ra “ở hẳn” ngoài này.

Theo bác sĩ Nguyễn Danh Hiền, trưởng khoa chăm sóc giảm nhẹ và điều trị tích cực Bệnh viện Ung bướu TP Đà Nẵng, không ít bệnh nhân chạy chữa xong căn bệnh ung thư thì lâm vào cảnh trắng tay.

“Thường giai đoạn đầu khi phát hiện bệnh cả người bệnh và người nhà đều bị ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Nếu không có sự chuẩn bị thì quá trình điều trị lâu dài khiến cả người bệnh và người nhà đều mệt mỏi. Thậm chí không ít trường hợp chồng hoặc vợ chịu không nổi gánh nặng sẽ dẫn đến cảnh tan cửa nát nhà, người bệnh suy sụp rất nhanh”, bác sĩ Hiền nói.

NHÓM PV (tienlong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên