21/04/2015 09:00 GMT+7

Người chuyển giới có thể tổn thọ 20 năm

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Bất chấp những nguy cơ như có thể tổn thọ, mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh ung thư, bị sốc do dùng hormone tùy tiện hoặc quá liều, đã có 500-1.000 người VN ra nước ngoài chuyển đổi giới tính.

Ông Nguyễn Huy Quang - Ảnh: Ng.Khánh

Người chuyển giới sử dụng hormone để điều chỉnh sinh lý khi giới tính đã hoàn thiện thì rõ ràng có những nguy hiểm.

Đó là chưa kể hormone không có số đăng ký, chưa được kiểm tra tính an toàn, sử dụng khi không có đơn bác sĩ và không được theo dõi thường xuyên càng rất nguy hiểm.

Thực tế đã có những trường hợp tử vong vì sử dụng hormone quá liều

Ông Nguyễn Huy Quang (vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế)

Có hay không việc cho phép xác định lại giới tính vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, nhưng đời sống của 500-1.000 người đã chuyển giới và tương lai có thể nhiều hơn nữa khiến vấn đề này thu hút sự quan tâm của xã hội.

Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho rằng sau khi phân tích những nguy cơ của việc cho hay không cho phép xác định lại giới tính cho người chuyển giới, cá nhân ông nghiêng về phía cho phép nhiều hơn.

Ông Nguyễn Huy Quang nói với Tuổi Trẻ:

- Hiện các bộ ngành đang góp ý cho Bộ luật dân sự sửa đổi, còn Bộ luật dân sự hiện hành (ban hành năm 2005) thì chỉ cho phép xác định lại giới tính đối với hai trường hợp là người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính, người có giới tính chưa được định hình chính xác.

Vì Bộ luật dân sự đã quy định như vậy, các văn bản về hộ tịch, hướng dẫn chuyên môn về xác định lại giới tính liên quan tới nhau, nên đến nay chưa trường hợp nào ngoại trừ hai nhóm kể trên được xác định lại giới tính.

Khi chưa có sự thay đổi Bộ luật dân sự, các vấn đề liên quan đến chuyển giới chưa có khung pháp lý cao nhất- là luật- cho phép.

* Thưa ông, có thống kê nào về số lượng người VN đã chuyển đổi giới tính? Công dân đã chuyển giới, theo ông, sẽ gặp những khó khăn nào khi sống trong tình cảnh giấy tờ là nam mà ngoại hình là nữ và ngược lại?

- Tôi cho rằng người chuyển giới là người đã hoàn thiện về giới tính, nam là nam và nữ là nữ, chỉ khác là trong tâm tư, suy nghĩ, hành vi của họ lại thấy họ là nam trong khi cơ thể là nữ hoặc ngược lại, do đó họ có nhu cầu chuyển đổi giới tính.

Đến nay có thống kê cho rằng 500-1.000 người VN đã ra nước ngoài, chủ yếu là đi Thái Lan, chuyển giới.

Đó là một thực tế, thực tế đó đòi hỏi cách giải quyết vì 500-1.000 người hiện nay có thể biến thành 2.000-5.000 người sau này, nếu không giải quyết sẽ trở thành một vấn đề xã hội không giải quyết được.

Để giải quyết thì vấn đề là cho phép hay không cho họ xác định lại giới tính? Tôi cho rằng nếu không cho họ sẽ như người vô hình không được xã hội, luật pháp thừa nhận, gây tổn thương tâm lý, tình cảm của người đó và vô hình trung sẽ tạo ra kỳ thị, phân biệt đối xử.

Việc không cho phép khiến có người phải đi chui, nếu họ đến những cơ sở chưa được cấp phép, có rủi ro biến chứng khi thực hiện chuyển giới thì bảo vệ họ như thế nào?

Ngay cả sinh hoạt bình thường của họ cũng bị ảnh hưởng. Những dịch vụ có kiểm tra giấy tờ như đi máy bay, đi thi, đi học đều khó khăn hoặc bị đình trệ, ảnh hưởng đến người chuyển giới và cả những người liên quan.

* Ông có nói là cho phép hay không cho phép đều có thể dẫn đến những hệ lụy, vậy cụ thể là hệ lụy gì?

- Khi phân tích cho phép hay không cho phép thì đều tính đến tác hại. Đầu tiên là tác hại do sử dụng hormone thường xuyên ở người đã hoàn thiện giới tính, nay tác động để chuyển nam thành nữ, nữ thành nam nên người chuyển giới có thể bị nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh ung thư. Tuổi thọ của họ cũng bị ảnh hưởng, trung bình bị giảm khoảng 20 năm.

Mặt khác khi đang là nam/nữ, họ có tâm tư suy nghĩ mình có giới tính ngược lại, họ khao khát chuyển đổi nhưng khi được sống “thật” thì có người thất vọng, trầm cảm, có người tự tử. Chưa kể việc chuyển giới không giúp thay đổi chức năng sinh sản, người chuyển giới (ngoại trừ hỗ trợ của y học) thường không có con.

Tuy nhiên, đây là một thực tế xã hội, nhìn dưới góc độ quản lý thì làm sao hạn chế tác hại cho cộng đồng.

Nếu cho phép thì người chuyển giới có thể gặp những vấn đề kể trên, nhưng vấn đề chỉ ở trong cộng đồng của họ, có khi họ mong muốn được sống thật với giới tính của mình mà bất chấp những hệ lụy.

Nhưng nếu không cho phép thì khi số lượng người chuyển giới nhiều hơn, họ sẽ gặp vô vàn khó khăn và vấn đề của cộng đồng nhỏ sẽ trở thành vấn đề của xã hội.

* Vậy ý kiến của ông như thế nào về việc này? Nếu cho phép thì sẽ có quy định như thế nào với người đã chuyển giới trong giai đoạn pháp luật chưa cho phép?

- Phân tích các góc độ thì ý kiến cá nhân tôi nghiêng về cho phép chuyển đổi giới tính. Khi trình văn bản góp ý Bộ luật dân sự lên lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, tôi sẽ trình ý kiến này.

Tuy nhiên sẽ có khả năng hai trường hợp xảy ra: khi pháp luật cho phép thì những người có nhu cầu đến bệnh viện được phép làm kỹ thuật chuyển giới ở VN để chuyển giới, sau đó làm tiếp các bước về xác định lại giới tính; hai là những người đã chuyển giới từ trước thì quy định như thế nào với họ? Những người sau này dù VN cho phép vẫn ra nước ngoài chuyển giới thì quy định thế nào?

Bên cạnh đó cần những quy định để nếu cho phép có thể sàng lọc được những trường hợp đi chuyển giới theo... trào lưu.

Như ở Thái Lan họ yêu cầu những người có nhu cầu chuyển giới sống với giới tính họ mong muốn trong vòng một năm, trước khi can thiệp y khoa, nếu sau một năm vẫn có nhu cầu chuyển giới thì mới có can thiệp của y học.

Tôi cũng muốn nói thêm là hiện thế giới mới có 20 nước cho phép chuyển giới, ở Đông Nam Á mới có Thái Lan cho phép thôi.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên