10/05/2010 06:24 GMT+7

Dùng thuốc theo lời người quen: Ngứa toàn thân

BS LÊ ĐỨC THỌ (BV Hoàn Mỹ TP.HCM)
BS LÊ ĐỨC THỌ (BV Hoàn Mỹ TP.HCM)

TT - Ngày 20-4, bà L.T.H. - 56 tuổi, ngụ tại huyện Đức Linh, Bình Thuận - đến TP.HCM khám bệnh vì loét miệng, toàn thân nổi nhiều đốm đỏ bầm và ngứa nhiều sau khi dùng một loại thuốc “Hong Kong” điều trị viêm khớp.

vYtz9bFL.jpgPhóng to
Bệnh nhân L.T.H. - Ảnh: L.Đ.THỌ

Bệnh nhân đã mãn kinh bốn năm, các khớp ngón tay bị cứng dần và đau nhức từ ba năm nay. Bà đã đi khám chữa bệnh nhiều nơi, dùng nhiều loại thuốc đông y lẫn tây y cũng như châm cứu nhưng bệnh chỉ thuyên giảm một phần, vẫn đau lại như cũ khi ngưng thuốc. Thời gian gần đây, bà được người quen giới thiệu một loại thuốc của Hong Kong được mô tả như là “thần dược” trị đau khớp.

Trúng độc da do thuốc

"Không nên mua thuốc để tự điều trị cũng như không nên giới thiệu thuốc điều trị cho người khác"

Bảy ngày sau khi dùng loại thuốc này, các triệu chứng đau và cứng khớp ngón tay chưa thuyên giảm nhiều nhưng bệnh nhân bắt đầu sốt, miệng lở loét gây đau đớn khi ăn; đỏ mắt và cảm giác nóng rát cơ quan sinh dục; ngứa ngáy toàn thân; nổi nhiều vết đỏ bầm sưng phù và sau đó tróc vảy ở cổ, ngực, hai bàn tay, hai bàn chân. Bệnh nhân lo sợ, lập tức ngưng dùng thuốc, vào bệnh viện khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng thuốc: trúng độc da do thuốc dạng hội chứng Stevens-Johnson.

Khi ta dùng thuốc tức là đưa những chất hóa học vào cơ thể. Thuốc tây, thuốc đông y, thuốc nam... về bản chất đều như nhau, có khác chăng là do phương thức trích ly hoạt chất để sử dụng. Cơ thể có thể chấp nhận những hoạt chất đó và thuốc sẽ phát huy tác dụng trị liệu. Tuy nhiên, đôi khi những chất hóa học trong thuốc lại không dung nạp được và gây ra phản ứng quá mẫn. Đó là tình trạng dị ứng thuốc.

Dị ứng thuốc dạng nặng, cấp tính có thể gây sốc phản vệ; cấp cứu không đúng và không kịp thời bệnh nhân có thể tử vong. Các biểu hiện ngoài da do dị ứng thuốc, gọi là trúng độc da do thuốc, cũng thường gặp, đa dạng và không phải lúc nào cũng nhẹ; một số trường hợp nặng vẫn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân.

Tùy theo cơ địa, người dùng thuốc có thể bị dị ứng với bất cứ loại thuốc nào kể cả thuốc bổ, thuốc nam, thuốc bắc... và cũng có thể dị ứng với bất cứ đường dùng thuốc nào: đường uống, tiêm chích, nhỏ mắt, nhỏ mũi, hít, xịt, bôi ngoài da, băng, bó, dán...

Việc lạm dụng, chữa bệnh theo kiểu mách bảo, truyền khẩu; không biết hoặc xem thường tác dụng phụ của thuốc đông y như trường hợp trên là một vấn đề rất nguy hiểm cần được cảnh báo. Tình trạng dị ứng thuốc đông y thường xảy ra chậm, nhiều bệnh nhân khi đến cơ sở y tế cũng không nghĩ mình bị dị ứng thuốc. Có trường hợp xuất hiện các triệu chứng dị ứng thuốc như ngứa ngáy, khó thở, nổi mề đay ngay khi dùng thuốc hay một vài giờ sau đó.

Tuy nhiên, cũng có khi sau một vài ngày hay đến cả tuần, các triệu chứng dị ứng mới bộc phát. Trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị dị ứng thuốc nhưng lại nghĩ mình mắc thêm một bệnh khác, cố gắng dùng thêm vài loại thuốc nữa và như thế càng làm tình trạng dị ứng thuốc trầm trọng hơn.

5 điều lưu ý

* Tất cả loại thuốc đông y, tây y và các đường dùng thuốc đều có thể gây phản ứng dị ứng. Chỉ nên dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên mua thuốc để tự điều trị cũng như không nên giới thiệu thuốc điều trị cho người khác vì nghĩ họ có bệnh lý giống mình. Việc sử dụng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị và được theo dõi, chăm sóc khi dùng thuốc là điều rất cần thiết nhằm giảm thiểu các phản ứng có hại của thuốc.

* Nếu trong gia đình đã có người bị dị ứng thuốc, phải thật cẩn thận khi dùng bất cứ loại thuốc gì vì khoảng 50% trường hợp dị ứng có tính di truyền. Khi đi khám bệnh ở bác sĩ hoặc đến nhà thuốc mua thuốc phải thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết những loại thuốc mình đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc đang dùng để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.

* Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy khó chịu thì lập tức ngưng sử dụng thuốc, đến khám bệnh ở cơ sở y tế gần nhất để có thể được cấp cứu hay hướng dẫn xử trí thích hợp.

Không nên tự sử dụng các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh, uống nước chanh hay lòng trắng trứng với hi vọng có thể làm thuốc mất tác dụng vì chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

* Không dùng các loại thuốc đã quá hạn sử dụng: khi hết thời hạn sử dụng thuốc đã biến thành hoạt chất khác, không có tác dụng trị liệu mà còn có thể gây dị ứng hay ngộ độc cho người dùng. Sau khi được tiêm bất cứ một loại thuốc gì, bệnh nhân nên ngồi nán lại chờ 10 -15 phút để nhân viên y tế theo dõi, đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn.

* Khi đã bị dị ứng với loại thuốc nào thì tuyệt đối không được dùng thuốc đó nữa. Thuốc chống dị ứng chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, không có tác dụng phòng ngừa hay giải quyết được căn nguyên gây dị ứng. Tình trạng dị ứng đối với một loại thuốc xảy ra ở những lần sau đều trầm trọng hơn lần trước!

BS LÊ ĐỨC THỌ (BV Hoàn Mỹ TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên