17/12/2008 05:05 GMT+7

Chân vòng kiềng: có nên can thiệp?

(Trương Thị Hiền, TP.HCM)
(Trương Thị Hiền, TP.HCM)

TT - Tôi có một bé trai 19 tháng. Cháu khỏe mạnh, bụ bẫm, nặng 15,5kg. Khi cháu còn nhỏ, tôi có nắn chân cho cháu nhưng cháu vẫn bị vòng kiềng. Xin tư vấn giúp tôi phương pháp cải thiện tình trạng này cho cháu và ở trung tâm nào?

Chân vòng kiềng hay chân chữ O là tình trạng gối vẹo trong làm trẻ khi đứng hai gối không sát được vào nhau. Chân vòng kiềng hay gối vẹo trong thường bị cả hai gối và cả xương đùi lẫn xương chày đều cong. Trẻ em cho đến 3-4 tuổi vẫn có chân vòng kiềng vì tư thế của bào thai và vì trẻ chưa đi nhiều. Khi trẻ bắt đầu đi nhiều xương sẽ tự chỉnh trục sao cho trục cơ học đi từ tâm chỏm xương đùi qua gối đến cổ chân sẽ thẳng một hàng để chịu lực. Tuy vậy người ta nhận thấy 80% dân số vẫn có gối vẹo vào trong một ít, khoảng vài độ, do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân chân vòng kiềng hay gối vẹo vào trong ở trẻ em có thể là do tình trạng nhuyễn xương (do thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, bệnh lý xương...). Những nguyên nhân khác có thể bao gồm u, nhiễm trùng xương, chấn thương xương, đặc biệt là vùng sụn tiếp hợp khiến sự phát triển không đều nhau ở cùng trên một gối khiến gối có thể vẹo.

Chân vòng kiềng thường không có triệu chứng gì ở trẻ em cho đến khi lớn. Tuy nhiên nếu gối vẹo vào trong nhiều sẽ xuất hiện triệu chứng đau gối do thoái hóa vì tăng áp lực trên mặt sụn của khe khớp gối bên trong. Những người này sẽ có nguy cơ hư khớp gối sớm hơn những người có chân thẳng trục.

Nói chung vấn đề điều trị không cần đặt ra ở trẻ em cho đến khi các bé được trên 3-4 tuổi, nghĩa là trẻ đã chạy nhảy được nhiều mà không thấy có dấu hiệu cải thiện, chỉnh sửa trục của bộ xương. Trường hợp gối vẹo trong chỉ một gối (chân còn lại bình thường) nên điều trị. Việc điều trị tùy thuộc nguyên nhân là gì để từ đó có phương thức điều trị tận gốc. Đối với những trẻ lớn và không có hay có nguyên nhân nhưng không thể điều trị tận gốc (chẳng hạn do sụn tiếp hợp bị hư không phát triển), có thể xem xét đến việc đục xương sửa trục, đặc biệt ở người lớn và có dấu hiệu đau khe khớp gối bên trong.

Việc nắn bóp chân của các bà mẹ thường không có tác dụng nhiều trong việc làm hết chân vòng kiềng.

Trở lại trường hợp con của chị. Cháu mới 19 tháng tuổi nên chưa cần điều trị, chị cứ cho cháu đi đứng, chạy nhảy bình thường và xem thêm sự cải thiện của chân vòng kiềng cho đến khi cháu 3-4 tuổi. Quan điểm cho rằng nếu chân vòng kiềng mà cho bé chạy nhảy sẽ làm chân cong hơn là không có cơ sở khoa học, trừ khi bé bị nhuyễn xương. Nếu chưa an tâm, chị có thể cho cháu đến khám tại các khoa chấn thương chỉnh hình hay cơ xương khớp ở các bệnh viện để bác sĩ tư vấn kỹ hơn.

(Trương Thị Hiền, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên