03/03/2008 01:00 GMT+7

Aslem có kéo dài cuộc sống của bệnh nhân ung thư?

LAN ANH
LAN ANH

TT - "Chỉ còn ba hộp, u chị muốn mua hơn cũng không có” - chủ tiệm thuốc tây đầu phố Quán Sứ, Hà Nội, đối diện Bệnh viện K nói ngay khi chúng tôi hỏi mua Aslem. Bà chủ tiệm thuốc tây này còn cho biết mấy ngày gần đây rất nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà bệnh nhân lùng tìm mua thuốc Aslem, khiến thị trường có lúc "cháy" hàng, giá thuốc tăng đến chóng mặt.

vkACUB9a.jpgPhóng to
Người nhà một bệnh nhân ung thư gan mua Aslem tại hiệu thuốc tây trên phố Quán Sứ (Hà Nội) đọc hướng dẫn sử dụng trước khi rời tiệm thuốc - Ảnh: Lan Anh
TT - "Chỉ còn ba hộp, u chị muốn mua hơn cũng không có” - chủ tiệm thuốc tây đầu phố Quán Sứ, Hà Nội, đối diện Bệnh viện K nói ngay khi chúng tôi hỏi mua Aslem. Bà chủ tiệm thuốc tây này còn cho biết mấy ngày gần đây rất nhiều bệnh nhân ung thư và người nhà bệnh nhân lùng tìm mua thuốc Aslem, khiến thị trường có lúc "cháy" hàng, giá thuốc tăng đến chóng mặt.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Gần đây, một loạt thông tin trên các phương tiện truyền thông cho rằng đã bào chế thành công Aslem - một thành tựu khoa học giúp kéo dài tuổi thọ bệnh nhân ung thư.

Giá tăng từng ngày

Chiều 29-2, khi chúng tôi khảo sát giá Aslem lần đầu, giá thuốc trong nhà thuốc Bệnh viện K là 265.000 đồng/hộp, còn bên ngoài bệnh viện, giá niêm yết tại các hiệu thuốc trên phố Quán Sứ là 250.000 đồng/hộp. Nhưng chỉ sau đó một ngày, chiều 1-3, cùng ở phố Quán Sứ, giá thuốc đã lên 280.000-290.000 đồng/hộp nhưng hàng rất ít, muốn mua nhiều cũng không có. Theo các chủ hàng, giá Aslem do nhà sản xuất công bố trên tivi là 250.000 đồng/hộp bán sỉ, giá bán lẻ từ 260.000 đồng/hộp (giá trần bán lẻ tới 420.000 đồng/hộp), nhưng do số người tìm mua tăng cao, hiện các chủ tiệm phải mua sỉ với mức 278.000 đồng/hộp.

Nguồn tin từ Bộ Y tế ngày 2-3 cho hay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã yêu cầu Cục Quản lý dược, Cục Quản lý khám chữa bệnh báo cáo sớm việc quảng cáo tác dụng của Aslem trên các phương tiện thông tin đại chúng như thời gian qua có đúng với qui định hiện hành; yêu cầu Cục Quản lý dược kiểm tra hồ sơ đăng ký Aslem nhằm làm rõ công dụng của thuốc, giúp bệnh nhân hiểu đúng tác dụng... Theo ông Trương Việt Dũng - vụ trưởng Vụ Khoa học - đào tạo (Bộ Y tế): "Aslem chỉ là thuốc hỗ trợ, không phải là thuốc điều trị ung thư”.

Theo TS Trần Văn Thuấn - phó giám đốc Bệnh viện K, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, cách đây vài tháng, Aslem chỉ được bán với giá 100.000-120.000 đồng/hộp. Còn trước đó nữa thì chỉ 70.000-80.000 đồng/hộp.

Tuy giá thuốc tăng cao nhưng ông Thuấn cho biết hình thức vỏ hộp, kiểu đóng gói... hầu như không có khác biệt. Ông Thuấn cũng do biết mấy ngày gần đây, khoa dược của bệnh viện báo lên số người cần tìm Aslem tăng rất cao, giá thuốc đột nhiên thay đổi khiến người bệnh rất bất ngờ.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, Aslem là sản phẩm của một đề tài nghiên cứu do Trường ĐH Dược Hà Nội thực hiện, sản phẩm thương mại do Công ty cổ phần dược Vĩnh Phúc sản xuất. Sản phẩm có tác dụng hỗ trợ trong điều trị ung thư, kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân, tăng cường hệ miễn dịch trong các trường hợp bệnh nhân lao, suy gan, suy thận, hiệp đồng tác dụng với kháng sinh trong ngăn ngừa nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật.

Riêng với bệnh nhân ung thư, trường hợp có chỉ định phẫu thuật, có thể dùng Aslem hai ống/ngày liên tục 14 ngày trước phẫu thuật, sau đó dùng một ống/ngày liên tục trong 6-12 tháng. Cũng có thể dùng Aslem cho bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa chất...

Trả lời báo chí, đại diện đơn vị sản xuất Aslem cho biết thử nghiệm ở 74 bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K, nhóm có dùng Aslem kết hợp với liệu pháp điều trị khác có thời gian sống thêm, có khi tới 3-4 năm so với nhóm đối chứng (không sử dụng kết hợp Aslem). Các thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư gan cũng cho thấy thời gian sống thêm vượt trội hơn so với nhóm chỉ phẫu thuật và sử dụng các biện pháp điều trị đơn thuần.

Tác dụng đến đâu?

Năm 2001-2005, một nghiên cứu về tác dụng của Aslem đã được tiến hành trên 74 bệnh nhân ung thư vú tại Bệnh viện K. Nghiên cứu do ông Nguyễn Bá Đức, giám đốc Bệnh viện K, chủ trì, bệnh nhân được chia hai nhóm, một có sử dụng Aslem phối hợp với các biện pháp điều trị truyền thống, một nhóm chỉ sử dụng các biện pháp điều trị truyền thống. Trong đó, nhóm được dùng Aslem với phác đồ tiêm bắp, tuần hai lần, mỗi lần hai ống trong thời gian hai năm. Kết quả, theo TS Trần Văn Thuấn, thành viên nhóm nghiên cứu, không có khác biệt giữa nhóm có và không dùng Aslem về tỉ lệ tái phát, thời gian sống thêm và chỉ số miễn dịch!

"Điều này thể hiện Aslem không có tác dụng điều trị ung thư. Khả năng nâng cao thể trạng bệnh nhân cũng chưa rõ ràng, cần phải nghiên cứu thêm với số mẫu và diện rộng hơn, trên nhiều loại ung thư mới kết luận được. Trước mắt, người bệnh muốn dùng Aslem phải có chỉ định của bác sĩ chuyên ngành ung thư, không nên tự mua và sử dụng" - TS Thuấn nói với Tuổi Trẻ.

Cũng theo TS Thuấn, điều trị ung thư hiện vẫn dựa vào ba phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, một số loại ung thư có thể phối hợp với điều trị bằng thuốc nội tiết hoặc thuốc sinh học. Việc điều trị bằng một hay nhiều biện pháp tùy thuộc loại và giai đoạn ung thư.

Hiện trên thị trường có nhiều loại đông, nam dược, thực phẩm chức năng... được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư, nhưng ông Thuấn nói chưa có nghiên cứu nào chứng minh rõ ràng tác dụng của các loại thuốc, thực phẩm chức năng này đến đâu. Trong quá trình điều trị bằng các biện pháp tây y thì không nên tùy tiện dùng thêm các thuốc này, lý do là chúng ta chưa biết thuốc "bổ trợ" chuyển hóa thế nào, có thể vô tình làm giảm tác dụng của biện pháp điều trị chính thức. Việc sử dụng thuốc nào để kết hợp, nhằm nâng cao sức khỏe bệnh nhân đều cần có sự tư vấn của bác sĩ.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên