20/08/2007 17:44 GMT+7

Cholesterol và sức khỏe

Theo HOÀI ÂN - PreventionDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Theo HOÀI ÂN - PreventionDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Vì được nghe nói nhiều về tác hại của cholesterol, không chỉ người cao tuổi mà cả những người trẻ đều lo lắng khi biết cơ thể có dư chất này. Liệu có phải cholesterol luôn là mối nguy lớn cho sức khỏe? Những thông tin cơ bản sau có thể bổ ích với bạn.

Udx3gfkZ.jpgPhóng to
Có nhiều cách để bình ổn lượng cholesterol trong máu. (Ảnh minh họa)
Vì được nghe nói nhiều về tác hại của cholesterol, không chỉ người cao tuổi mà cả những người trẻ đều lo lắng khi biết cơ thể có dư chất này. Liệu có phải cholesterol luôn là mối nguy lớn cho sức khỏe? Những thông tin cơ bản sau có thể bổ ích với bạn.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một dạng chất béo có trong máu, có vai trò tạo nên lớp màng cho các tế bào, được hình thành một cách tự nhiên trong cơ thể hoặc do cơ thể hấp thu được qua ăn uống. Cholesterol có mặt ở tất cả các bộ phận trên cơ thể, không hòa tan trong máu mà lưu thông khắp nơi nhờ vào sự hỗ trợ của các chất “protein vận chuyển” (transporter protein).

Cholesterol có nhiều loại khác nhau, thường gặp là ba loại có tác động tới sức khỏe đó là cholesterol HDL (High-density lipoprotein), cholesterol LDL (Low-density lipoprotein) và chất béo triglyceride. Trong khi cholesterol HDL được xem là tốt vì giảm được lượng chất béo dư thừa trong cơ thể bằng cách chuyển chúng từ hệ thống động mạch tới gan để xử lý và thải ra ngoài, thì cholesterol LDL bị xem là xấu do tích tụ nhiều ở động mạch khiến động mạch ngày càng hẹp đi, cản trở tuần hoàn máu, dễ dẫn đến các bệnh tim mạch cũng như nhiều sự cố khác.

Triglyceride cũng là một dạng chất béo có trong máu, tích tụ phần lớn ở các mô mỡ, có vai trò là nguồn năng lượng dự trữ cho các hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu hàm lượng triglyceride trong cơ thể cao mà HDL thấp hoặc LDL cao thì cũng có thể gây tổn hại không nhỏ cho sức khỏe.

Lượng cholesterol trong máu cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng, béo phì, tuổi tác, giới tính, thói quen sinh hoạt… Lượng cholesterol trong máu cao sẽ dẫn đến tình trạng các chất béo dư thừa bám vào thành mạch máu, lâu ngày khiến chúng bị chai (bệnh xơ cứng động mạch) hoặc thu nhỏ lại, gây cản trở tuần hoàn máu, dẫn đến nguy cơ đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não.

Các nhà khoa học khuyên những người trung niên trở lên nên định kỳ kiểm tra lượng cholesterol trong máu ít nhất mỗi năm năm một lần. Những người trẻ tuổi (kể cả trẻ em) cũng nên làm việc này nếu có người thân trong gia đình mắc các bệnh tim mạch hoặc có cholesterol cao trong máu.

Làm thế nào bình ổn lượng cholesterol trong máu?

Có nhiều cách để bình ổn lượng cholesterol trong máu, từ việc chủ động hạn chế các món ăn giàu mỡ động vật, gan, óc, thận, bánh ngọt, lòng đỏ trứng gà… đến việc kiên trì bỏ thuốc lá, giảm cân, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp, tập aerobic…).

Những loại thực phẩm nên và không nên ăn uống để bình ổn lượng cholesterol trong máu:

1. Những loại thực phẩm nên dùng

Đây là những loại thực phẩm vừa ngon miệng vừa có khả năng giúp giảm cholesterol LDL hoặc tăng cholesterol HDL.

- Cá: Cá có chứa nhiều axit béo omega-3 vốn được xem là loại axít béo có lợi cho tim mạch, nhất là các loại cá giàu mỡ lành tính như cá hồi, cá ba sa, cá hú, cá ngừ… Có thể dùng thêm thuốc bổ sung dầu cá hoặc quả hạch.

- Dầu ôliu: Loại dầu này chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe, giúp giảm lượng cholesterol LDL và ngăn chặn nhiều căn bệnh nguy hiểm về tim mạch và ung thư. Tương tự, dùng quả hạnh nhân mỗi ngày cũng được xem là một trong những cách giúp giảm cholesterol LDL khá hiệu quả.

- Đậu nành: Tất cả các món ăn làm từ đậu nành đều tốt cho sức khỏe vì chúng không chỉ giúp ngăn cản quá trình sản sinh cholesterol trong cơ thể, mà còn giúp hạ thấp nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

- Bơ thực vật: Bơ thực vật thường không hoặc chứa rất ít cholesterol, mà chứa nhiều chất béo lành tính, giúp giảm cholesterol LDL. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng vì không phải bất cứ loại bơ thực vật nào cũng tốt. Những loại càng đặc thì càng có nhiều chất béo đã qua chuyển hóa. Do đó, nếu thích dùng bơ, bạn nên chọn những loại hơi lỏng thay vì những loại được đóng gói dưới dạng thanh, miếng.

- Ngũ cốc nguyên chất và yến mạch: Do chứa nhiều chất xơ hòa tan nên hai loại thực phẩm này có khả năng giúp giảm cholesterol LDL khá hiệu quả.

2. Những loại thực phẩm không nên

Đây là những loại thực phẩm có tác hại vừa làm tăng cholesterol LDL, vừa góp phần đẩy cao nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

- Thịt đã qua chế biến: Các loại như thịt muối, hun khói, xúc xích, thịt hộp… tuy ngon miệng nhưng lại chứa nhiều chất béo bão hòa, không tan trong máu nên sẽ tích tụ lại, gây nghẽn mạch máu và tăng cholesterol LDL.

- Sữa nguyên kem giàu đường và chất béo: Đây cũng là loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo bão hòa. Nếu không thể không dùng sữa, bạn nên chọn loại có ít chất béo và sữa chua.

- Thức ăn nhanh: Các loại thức ăn nhanh đều có chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Tác hại của chất béo chuyển hóa nhiều khi còn tệ hơn chất béo bão hòa vì vừa làm tăng mức LDL, vừa làm giảm mức HDL.

- Dầu dừa: Vốn là loại dầu giàu chất béo bão hòa nhất, loại dầu này cần hạn chế trong chế biến thức ăn, thay vào đó là các loại dầu thực vật khác như dầu mè, đậu tương, ôliu …

- Trứng: Lòng đỏ trứng có chứa khá nhiều cholesterol (khoảng 213mg/quả trứng). Người khỏe mạnh mỗi ngày không nên hấp thu quá 300mg cholesterol. Do đó nếu đã dùng một quả trứng trong ngày rồi thì bạn nên hạn chế những món ăn giàu cholesterol khác. Khác với tròng đỏ, tròng trắng trứng không có chứa cholesterol.

Theo HOÀI ÂN - PreventionDoanh nhân Sài Gòn cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên